Rượu phạt đắng hơn rượu mừng

DIỆU TIÊN| 18/01/2012 05:31

Trước sự kiện Bkav phải móc hầu bao đến 2,3 tỷ đồng để mua lại tên miền Bkav.com, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã thêm một lần đưa ra cảnh báo về sự chậm chân, thờ ơ trong việc đăng ký tên miền của các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Tình trạng này có thể dẫn đến phải trả giá, thậm chí cao hơn cả trường hợp của Bkav.

Rượu phạt đắng hơn rượu mừng

Trước sự kiện Bkav phải móc hầu bao đến 2,3 tỷ đồng để mua lại tên miền Bkav.com, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã thêm một lần đưa ra cảnh báo về sự chậm chân, thờ ơ trong việc đăng ký tên miền của các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Tình trạng này có thể dẫn đến phải trả giá, thậm chí cao hơn cả trường hợp của Bkav.

Lơ là

Theo VNNIC, hiện có hơn 181.000 tên miền .vn đã được đăng ký, trong đó lượng đăng ký của các tổ chức, doanh nghiệp chiếm khoảng 124.000 tên miền.

Nếu so với tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam, thì số doanh nghiệp đăng ký tên miền chiếm chưa tới 25%. Thủ tục đăng ký sử dụng tên miền .vn rất thuận tiện.

Tuy nhiên, vì sự lơ là, chậm chân mà thời gian qua nhiều đơn vị đã bị nhiều đối tượng mua đón đầu.

Gần đây nhất là trường hợp tranh chấp tên miền samsungmobile.com.vn giữa Samsung Electronics Co., Ltd. với cá nhân ông Dương Hồng Minh.

Phải mất một thời gian và phải ra tòa, Công ty Samsung Electronics mới đòi lại được quyền sử dụng hai tên miền.

Một vị đại diện của Công ty Samsung Vina cho biết, từ trước tới giờ Công ty đã phải xử lý nhiều trường hợp tranh chấp tên miền, trong đó đa phần là các cá nhân muốn bán lại tên miền cho công ty với giá cao.

Doanh nghiệp Việt Nam bị “mất” tên miền .vn và .com là tình trạng phổ biến trong những năm qua, như trường hợp Viettel, VinaPhone, May Việt Tiến, càphê Trung Nguyên...

Khi vụ việc xảy ra, quá trình đòi lại tên miền sẽ tốn rất nhiều công sức và thời gian, tiền bạc, thậm chí gây mệt mỏi. Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Bkav, thổ lộ:

“Cách đây hai năm, chúng tôi đã liên hệ với đơn vị sở hữu tên miền Bkav.com, nhưng họ nhất quyết bán lại với mức giá 150.000USD. Lần này, họ thấy chúng tôi có ý định mua nghiêm túc nên đã hạ giá chút đỉnh”.

Trên thế giới có những cá nhân, tổ chức đầu cơ tên miền chuyên nghiệp và được pháp luật cho phép. Việc kiện tụng để lấy lại tên miền .vn xem ra thuận lợi hơn vì luật pháp Việt Nam không cho phép đầu cơ tên miền với mục đích trục lợi.

Ông Quảng nói: “Khi doanh nghiệp có thương hiệu lớn thì giá trị tên miền sẽ lớn theo, và doanh nghiệp mới mua tên miền sẽ phải trả giá đắt hơn. Đối với Bkav, vụ việc vừa qua là một bài học và tôi khuyên các doanh nghiệp, đặc biệt là những người vừa khởi nghiệp, đừng thờ ơ với việc đăng ký tên miền”.

Hệ lụy

Sự chậm chân hay thờ ơ trong việc đăng ký tên miền của doanh nghiệp không chỉ gây ra hệ lụy “tiền mất”, mà còn “tật mang”. Trường hợp tên miền VinaPhone.com mới đây bị biến thành một websex là một điển hình.

Doanh nghiệp Việt Nam không đăng ký mua tên miền quốc tế này, bị các tổ chức khác sử dụng làm websex, dễ gây ra hiểu lầm và phản cảm đối với người tiêu dùng.

Tháng 6/2011, vụ mua lại tên miền www.dienmay.com khá đình đám. Công ty Thế Giới Di Động đã phải bỏ ra 160 triệu đồng cho thương vụ này, nhằm sử dụng thay thế cho tên miền www.thegioidientu.com trước đó trong định hướng phát triển mạnh mảng bán lẻ hàng điện máy.

Theo Thế Giới Di Động, tên miền này mỗi ngày có tới 100.000 lượt truy cập, tính ra mỗi năm có hơn 36 triệu lượt truy cập, là tiền đề để Thế Giới Di Động tạo nên một website hàng điện máy hàng đầu Việt Nam.

Tuy nhiên, trường hợp của Viettel thì không đơn giản vậy. Một cá nhân tên Nguyễn Duy ở California (Mỹ) đã đăng ký sử dụng tên miền www.viettel.com đến năm 2020, và nâng giá bán lại tên miền này lên đến 1,5 triệu USD.

Tất nhiên khi Viettel chưa cần sử dụng tên miền này thì chưa muốn trả giá, nhưng một khi cần đến chắc chắn cái giá Viettel phải trả cho thương vụ này sẽ không nhỏ. Viettel hiện đã đầu tư mạng di động ra năm quốc gia trên thế giới, trong tương lai có thể sẽ phát sinh nhu cầu sử dụng tên miền quốc tế www.viettel.com.

Trên thế giới đã có những thương vụ mua lại tên miền với giá còn “khủng” hơn cái giá đề ra với tên miền trên. Đơn cử như Facebook đã phải trả tới 8,5 triệu USD để mua lại tên miền Fb.com, hay Apple từng phải chi 4,5 triệu USD để có được tên miền iCloud.com...

Không có gì tốt hơn sự tính toán cẩn trọng và nhìn xa trông rộng, đặc biệt đối với những cá nhân, nhóm người hoặc doanh nghiệp có hoài bão lớn, muốn khuếch trương kinh doanh mạnh mẽ trong và ngoài nước.

Bkav đã chia sẻ và không giấu giếm bài học đáng giá của mình. Thế nhưng, vẫn còn hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam khác vẫn tỏ ra lơ là, thờ ơ với việc cần làm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rượu phạt đắng hơn rượu mừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO