“Rùa ADSL” và giấc mơ băng thông rộng

MAI YẾN| 25/03/2008 02:16

Một cuộc điều tra toàn cầu do Công ty công nghệ Ovum tiến hành mới đây cho biết, VN là một trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng băng thông rộng nhanh nhất thế giới. Còn theo số liệu của Vụ Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông -TT&TT), tốc độ phát triển internet băng rộng tại VN hiện tăng trưởng 150%.

“Rùa ADSL” và  giấc mơ băng thông rộng

Một cuộc điều tra toàn cầu do Công ty công nghệ Ovum tiến hành mới đây cho biết, VN là một trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng băng thông rộng nhanh nhất thế giới. Còn theo số liệu của Vụ Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông -TT&TT), tốc độ phát triển internet băng rộng tại VN hiện tăng trưởng 150%.

Các con số thống kê là vậy, nhưng thực tế VN chỉ có khoảng 1,41 triệu thuê bao băng rộng và đạt mật độ 1,58% dân số. Ngoài ra, phát triển internet băng rộng có khoảng cách rất lớn giữa nông thôn và thành thị: 65% số thuê bao băng rộng tập trung tại Hà Nội và TP.HCM, 35% còn lại tập trung ở 62 tỉnh thành trên cả nước. Mặc dù nhà cung cấp internet nào cũng đưa ra những quảng cáo về ADSL “siêu tốc”, nhưng chất lượng băng rộng tại VN nhiều năm nay luôn bị ca thán vì tốc độ... rùa bò.

Chính phủ điện tử và xã hội kết nối đang là đề tài được bàn tới rất nhiều, được đánh giá như công cụ hữu hiệu để thực hiện các cải cách đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội VN tương lai. Trọng tâm của mô hình chính phủ điện tử là băng thông rộng - tạo ra khả năng kết nối sâu rộng, đồng bộ và mau lẹ. Hẳn vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã tổ chức một hội nghị tham vấn để lấy ý kiến các chuyên gia và các doanh nghiệp tìm giải pháp đột phá trong phát triển băng thông rộng tại VN.

Sau 10 năm chính thức hòa mạng vào mạng internet toàn cầu, VN đã có 7 doanh nghiệp được cấp phép thiết lập đường trục viễn thông trong nước và quốc tế (IXP). Hiện nay, các IXP cũ và mới đang cùng tăng tốc đầu tư mở rộng băng thông đi quốc tế với số vốn đầu tư nhiều tỷ USD. Có thể nói, đối với việc phát triển internet băng rộng, vai trò của hai doanh nghiệp viễn thông hàng đầu là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel là rất quan trọng.

Chỉ riêng trong năm 2008 và 2009, VNPT sẽ đầu tư 1 tỷ USD cho việc phát triển mạng băng rộng, mạng đường trục của VNPT có thể được nâng lên 200 Gbps, thậm chí đến 300 Gbps - tương đương với các nước phát triển và đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Tuy nhiên, VNPT và Viettel đang có những cái nhìn khác nhau về phát triển băng thông rộng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel cho rằng, nếu làm cho internet băng rộng rẻ như cước điện thoại di động, chắc chắn sẽ có sự tăng trưởng ngoạn mục.

Để giải quyết bài toán chi phí giá rẻ cho internet băng rộng, ông Hùng cho rằng phải dùng giải pháp vô tuyến với ưu điểm là chi phí thấp và triển khai nhanh, trong đó, WiMAX là một lựa chọn hàng đầu. Ngược lại, ông Bùi Thiện Minh, Phó tổng giám đốc VNPT lại cho rằng, phát triển internet phải được dựa trên mạng cố định. Bởi vì nếu tập trung phát triển mạng vô tuyến sẽ làm chết mạng cố định. Không ai chịu ai!

Đứng ra làm “trọng tài” cho sự bất đồng quan điểm này, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực nói: Đã đến lúc việc sử dụng công nghệ và đầu tư cho internet băng rộng là vấn đề của doanh nghiệp. Nhà nước không nên cầm tay chỉ việc mà tập trung vào vấn đề tạo cơ chế thông thoáng. Thế nhưng, khi mà hai “anh cả” VNPT và Viettel nhìn về hai hướng khác nhau thì cái sự đồng nhất của băng thông rộng nào đó cũng sẽ không gặp nhau. Và như thế con đường đi tới ngày băng thông rộng thênh thang sẽ chậm lại rất nhiều.

Nhìn lại bài học của tình trạng “băng thông hẹp” kéo dài trong suốt thời gian qua có thể thấy, nguyên nhân cơ bản là việc kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ tại VN rất rời rạc. Thực tế việc kết nối giữa các ISP mới chỉ dừng lại trên giấy tờ. Cứ lấy ví dụ giản đơn là các thuê bao ADSL FPT nhiều khi “không biết vì sao” không thể vào www.viettelmobile.com.vn và càng “kinh khủng” hơn khi muốn chơi game online của VDC hay VASC...

Đại đa số ý kiến đều nhất trí rằng, cái “con rùa” ADSL VN tồn tại là do nó được xây dựng trên cơ sở thiếu quy hoạch, làm đến đâu hay đến đó, thiếu tính chiến lược lâu dài và mạnh ai nấy làm.

MAI YẾN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Rùa ADSL” và giấc mơ băng thông rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO