Quyết một li, đi cả dặm

THẨM HỒNG THỤY| 21/08/2009 08:20

Từ ngày 10/8, Thông tư số 22/2009/TT-BTTTT về quản lý thuê bao di động trả trước (TBTT) đã có hiệu lực.

Quyết một li, đi cả dặm

Từ ngày 10/8, Thông tư số 22/2009/TT-BTTTT về quản lý thuê bao di động trả trước (TBTT) đã có hiệu lực. Trên thị trường hiện có khoảng 50 triệu thuê bao di động (TBDĐ) đang hoạt động hai chiều, trong đó TBTT chiếm đến 90%.

Thông tư 22 qui định “mỗi cá nhân chỉ được sử dụng số chứng minh thư, hộ chiếu của mình để đăng ký tối đa ba số TBTT của mỗi mạng thông tin di động”. Tuy nhiên, theo các nhà mạng, qui định này dù xuất phát từ động cơ tích cực, nhưng đã làm cho thị trường thông tin di động trở nên xáo trộn, vì ít nhất có đến 40 triệu TBDĐ phải đăng ký lại.

Trong khi Thông tư 22 có hiệu lực, thì trên thực tế, qui định đăng ký thông tin đối với TBTT vẫn còn kéo dài đến ngày 31/12. Chưa rõ tiến độ của công việc này thế nào, nay thị trường lại bước vào một cơn sóng mới với hàng chục triệu thuê bao phải đăng ký lại. Lại phải chấp hành ngay từ ngày 10/8, xem ra bất khả thi.

Tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn quấy rối, đe dọa, tống tiền đã ngày càng trở nên phổ biến và ảnh hưởng xấu tới xã hội. Các mạng ồ ạt khuyến mãi đã tạo ra hàng chục triệu thuê bao ảo, đốt cháy nhanh kho tài nguyên số do tình trạng cứ dùng hết tài khoản rồi vứt sim vứt số. Để ngăn chặn, tất yếu phải có giải pháp. Giải pháp phải bắt đầu từ việc hoàn thiện các qui định pháp lý về quản lý TBTT. Tuy nhiên, vấn đề cần qui định như thế nào để tạo ra sự giản tiện và thuận lợi cho các DN viễn thông và khách hàng của họ, đồng thời mang lại hiệu quả về mặt quản lý, phải được tính toán và cân nhắc kỹ. Cái cách cấm để dễ quản lý vốn dĩ đã thể hiện sự bế tắc, càng không mang lại hiệu quả thiết thực về nhiều mặt. Các mạng lại bước vào đợt đăng ký lại thông tin làm tốn nhiều nguồn lực. Người tiêu dùng lại mất công, thậm chí xếp hàng chờ đợi rất phiền phức.

Hoàn thiện các qui định về quản lý TBTT phải theo hướng tối ưu hóa chứ không nên để ảnh hưởng bất lợi đến tình hình hoạt động kinh doanh trên thị trường. Dù có siết như trên cũng không thể ngăn chặn được triệt để tình trạng lãng phí tài nguyên số. Thậm chí lỗ hổng vẫn hoàn lỗ hổng. Làm sao có thể kiểm tra, giám sát việc người này dùng chứng minh thư, hộ chiếu của người khác đi đăng ký một khi các điểm giao dịch, đại lý thuận theo khách hàng để thu lợi? Trên thực tế, người không có nhu cầu vẫn có thể đăng ký rồi chuyển lại số thuê bao cho bạn bè, người thân... sử dụng, nguồn tài nguyên số vẫn bị lãng phí.

Một khi đã xác định đầu số viễn thông là nguồn tài nguyên thì nên áp dụng các chế tài tương ứng. Hiện nay, bất cứ tổ chức, DN nào khi khai thác các nguồn tài nguyên đều phải đóng một loại thuế gọi là “thuế tài nguyên”. Người tiêu dùng cũng chịu gián tiếp loại thuế này. Nếu cũng áp dụng khoản thuế (hay phí) này đối với những người sử dụng nhiều thuê bao, đơn cử là từ TBTT thứ tư trở đi, và sử dụng càng nhiều thì mức thuế càng tăng, thiết nghĩ sẽ vừa giúp hạn chế việc sử dụng số thuê bao bừa bãi và lãng phí, vừa tạo ra nguồn thu cho nhà nước.

Sim số TBDĐ là một thứ hàng hóa hợp pháp, không thể cứ thích là cấm được, mà nên dùng các biện pháp khéo léo để hạn chế sự lãng phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quyết một li, đi cả dặm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO