Ngành CNTT Việt Nam: 10% DN có đóng góp đáng kể

16/07/2009 08:38

Bức tranh chung ngành CNTT Việt Nam và đặc biệt là ngành phần mềm và dịch vụ đang phát triển tốt, với mức tăng trưởng cao.

Ngành CNTT Việt Nam: 10% DN có đóng góp đáng kể

Bức tranh chung ngành CNTT Việt Nam và đặc biệt là ngành phần mềm và dịch vụ đang phát triển tốt, với mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, mới chỉ 10% doanh nghiệp có đóng góp cho GDP, nhưng với tỷ trọng rất hạn chế (0,3% GDP).

"Trong khi chúng ta chưa thực sự thấy rõ bức tranh chung của ngành trong thời gian tới sẽ như thế nào, hơn nữa do khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay cũng khiến nhiều doanh nghiệp phần mềm (DNPM), nhất là các doanh nghiệp nhỏ “không ít hoang mang”. Đó là nhận định của ông Nguyễn Trọng, Nguyên chủ tịch Hội tin học Tp.HCM nhận định tại Hội thảo toàn cảnh CNTT-TT 2009 với chủ đề “Định vị ngành Công nghiệp phần mềm (CNPM) trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước”, được tổ chức hôm nay (15/7), tại Tp.HCM.

Ngành CNTT Việt Nam và đặc biệt là ngành phần mềm và dịch vụ đang phát triển tốt, với mức tăng trưởng cao

Doanh nghiệp CNTT Việt Nam: Xấu đều, tốt lỏi và tự phát

Trong bản báo cáo chính “Toàn cảnh thị trường CNTT quốc tế hiện nay và chỗ đứng của ngành phần mềm Việt Nam, suy nghĩ và hành động của chúng ta”, ông Nguyễn Trọng nhận định: “Thị trường CNTT có suy giảm nhưng không nhiều, không lớn và không sao cả. Phần cứng là ngành suy giảm nhiều nhất trong khi các DNPM vẫn giữ được mức ổn định; dịch vụ nội dung số và ứng dụng CNTT tăng trưởng khá và dịch vụ Outsourcing vẫn có sự bứt phá.

Tuy nhiên theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội tin học TP.HCM, có thể nhận định chung về các doanh nghiệp ngành CNTT Việt Nam là “xấu đều, tốt lỏi và tự phát”. Chỉ 5% số DNPM lớn có doanh thu trên 1 triệu USD/năm đã thâu tóm tới 95% doanh thu của toàn ngành; khoảng 5% số doanh nghiệp khác có doanh thu từ 1-10 tỷ đồng/năm; đa phần số còn lại có doanh thu dưới 1 tỷ đồng/năm. Đặc điểm chung của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là năng xuất lao động thấp; vốn đầu tư nhỏ; tỷ suất lợi nhuận/vốn kém…và đặc biệt là chưa có chiến lược phát triển dài hạn và định hướng đúng đắn.

Ông Dũng cho biết: Tổng doanh thu ngành CNTT Việt Nam năm 2008 khoảng 4,074 tỷ USD, trong đó ngành CNPM khoảng 678 triệu USD, đóng góp được 0,3% GDP. Hiện ngành CNPM và công nghiệp CNTT cũng chưa được đưa vào danh sách những ngành có đóng góp nhiều cho nền kinh tế quốc dân.

Vẫn là bài toán mô hình và nguồn nhân lực

Do vậy, tìm mô hình phát triển cho ngành CNTT và đào tạo nguồn nhân lực là 2 vấn đề nóng. Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Để Việt Nam trở thành nước có nền CNTT-TT mạnh vào năm 2015, chúng ta phải trả lời được 3 câu hỏi là ngành CNTT có phải là ngành công nghiệp trọng điểm hay không; Chính phủ và các doanh nghiệp, hiệp hội… phải làm gì và mô hình nào để ngành CNTT phát triển.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặt ra câu hỏi: nếu chúng ta có đủ chính sách phát triển CNTT-TT, vậy tại sao kết quả chưa đạt như mong đợi, hay là tại các doanh nghiệp có chính sách mà không biết dùng? Phó thủ tướng cho rằng, bài toán nhân lực và mô hình phát triển vẫn là bài toán cần lời giải ngay lúc này. Đã đến lúc các doanh nghiệp chấm dứt than phiền về vấn đề đào tạo mà hãy tham gia vào quá trình ấy để có đủ nhân lực CNTT theo yêu cầu. Vấn đề là doanh nghiệp tham gia vào quá trình đặt hàng, nêu yêu cầu và tham gia như thế nào vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực ấy.

Theo ông Nhân, với kinh phí 700 tỷ đồng chi cho việc phát triển nguồn lực CNTT-TT trong 7 năm tới, nên chăng Việt Nam sẽ xây dựng một “tập đoàn” cung cấp nhân lực CNTT-TT. “Tập đoàn” này được cổ phần hóa và có sự tham gia của nhiều dơn vị như Bộ TT-TT, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm VINASA, Hội tin học Việt Nam… Nhà nước sẽ bỏ ra 20-30% kinh phí ban đầu tham gia, các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia góp vốn, nhân lực để cùng phát triển. “Chính phủ không thiếu tiền và các doanh nghiệp đã đến lúc chấm dứt than phiền về chất lượng nguồn nhân lực đầu vào…”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

* Giả thuyết đóng góp vào GDP quốc gia của ngành CNTT-TT Việt Nam năm 2015

Hội tin học TP.HCM từ kết quả khảo sát kết quả hoạt động của các DNPM và dịch vụ CNTT Việt Nam trong 3 năm qua đưa ra giả thiết và kỳ vọng: Ngành phần mềm và các dịch vụ CNTT Việt Nam sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, từ năm 2011 GDP quốc gia giữ mức tăng 7,5%/năm, ngành CNTT phục hồi được đà tăng trưởng như giai đoạn trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu và duy trì liên tục mức tăng trưởng 40%/năm, Công nghiệp phần mềm và dich vụ CNTT lấy lại tốc độ tăng trưởng 50%/năm.

Thì đến 2015 ngành CNTT sẽ đạt doanh thu 31,5 tỷ USD; đóng góp khoảng 13% GDP và doanh thu ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT đạt khoảng 6,2 tỷ USD, đóng góp khoảng 2,5% GDP quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành CNTT Việt Nam: 10% DN có đóng góp đáng kể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO