Lợi chung không ít, lợi riêng cũng nhiều

DIỆU TIÊN| 19/03/2011 00:02

Trong một buổi làm việc mới đây với Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo, trong năm 2011, Bộ phải quy hoạch hạ tầng viễn thông, qua đó thúc đẩy việc dùng chung hạ tầng để tránh lãng phí.

Lợi chung không ít, lợi riêng cũng nhiều

Trong một buổi làm việc mới đây với Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo, trong năm 2011, Bộ phải quy hoạch hạ tầng viễn thông, qua đó thúc đẩy việc dùng chung hạ tầng để tránh lãng phí.

Vấn đề này đã được bàn thảo nhiều trong vài năm qua từ vụ việc nổi cộm “cuộc chiến dây - cột” giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các công ty viễn thông trong nước.

Hệ thống dây điện và cáp tại TP.HCM - Ảnh: Quý Hòa

“Cuộc chiến dây - cột” diễn ra chủ yếu giữa EVN và các công ty viễn thông cung cấp dịch vụ internet ADSL và điện thoại cố định. EVN có hơn 100.000 cột điện trên toàn quốc.

Sau vụ tranh cãi kéo dài hơn hai năm này, tình thế tạm lắng xuống, tuy nhiên, những doanh nghiệp viễn thông như Viettel chỉ thuê cột của EVN tại những nơi không thể trồng cột, còn ở một số nơi, Viettel “tự lực cánh sinh”.

Tất nhiên, ở vùng nông thôn đất rộng người thưa thì không có vấn đề gì, nhưng trong nội thị, việc tự trồng cột như thế ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan.

Từ “cuộc chiến dây - cột”, các mạng di động đã có sự bứt phá riêng. Với sự chủ trì của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, trong khuôn khổ chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong năm 2010, bảy mạng di động đã tiến hành ký kết thỏa thuận sử dụng chung hạ tầng trạm BTS trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Bước đầu, các bên triển khai thí điểm 10 trạm, với sự tham gia của năm nhà mạng: Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile và EVN Telecom, trong đó có ba trạm dùng chung được xây mới hoàn toàn, và bảy trạm được sắp xếp lại để dùng chung.

Trên thực tế chưa có trạm nào dùng chung cho cả bảy nhà mạng vì một số hạn chế như mặt bằng, không gian... không đủ để gắn thiết bị. “Một dùng chung cho bảy” là mức kỳ vọng, còn thực tế không thể lúc nào cũng phải “bảy nhà là một”.

Việc dùng chung ở một mức độ nào đó cũng đã cho thấy tinh thần hợp tác chống lãng phí từ mặt bằng đến không gian đô thị nhằm bảo đảm mỹ quan, giúp các nhà mạng tham gia tiết kiệm chi phí thuê riêng mặt bằng và chi phí xây dựng hạ tầng trạm BTS.

Trong số 10 trạm thí điểm chỉ có một trạm dùng chung cho năm nhà mạng, các trạm còn lại dùng chung ở mức từ 2 - 3 nhà mạng.

Thế nhưng điều đáng mừng là, từ chương trình thí điểm tại quận Hoàn Kiếm, các nhà mạng đã phối hợp thêm ở các quận, huyện khác của Hà Nội, và đã xây dựng được thêm khoảng 100 trạm BTS dùng chung.

Từ thành công bước đầu của chương trình dùng chung hạ tầng BTS tại Hà Nội có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau: 1. Cần có sự chủ trì, kết nối của chính quyền.

Cơ quan chức năng tập hợp các nhà mạng ngồi lại bàn thảo và bắt tay hợp tác, đồng thời cũng đứng ra dàn xếp khi gặp những khúc mắc, đặc biệt là vấn đề xung đột lợi ích. 2. Khi các bên quyết tâm vì cái chung, thì những khác biệt nhỏ có thể giải quyết được hài hòa.

Làn sóng người dân “kỵ” các trạm BTS ngày càng gia tăng, và cũng đã từng xảy ra vụ án có đến mấy người bị kết án tù vì phá trạm BTS của mạng Viettel.

Xây thêm trạm BTS, đặc biệt ở khu vực đô thị đông dân, còn là vấn đề cần phải bàn lại trong bối cảnh cuộc tranh luận chưa ngã ngũ là trạm BTS có gây hại cho sức khỏe con người hay không.

Vì thế, dùng chung được trạm BTS cũng là một cách làm lắng dịu luồng dư luận này, tránh gây thêm bức xúc và phản ứng từ phía người dân.

Năm 2010, các nhà mạng đã xây dựng khoảng 3.500 trạm BTS tại Hà Nội, và theo kế hoạch sẽ xây dựng tiếp từng ấy trạm trong năm 2011.

Tại các đô thị lớn khác như TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, việc các nhà mạng tăng cường phủ sóng 3G với hàng ngàn trạm cũng dần trở thành vấn đề cho mỹ quan đô thị. Vì thế, từ chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, thiết nghĩ Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm triển khai cho các địa phương sớm bắt tay xây dựng chương trình thí điểm để mở rộng việc dùng chung hạ tầng trạm BTS.

Tiếp theo Hà Nội, có thể chọn những địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ... để triển khai. Càng làm sớm càng có lợi để các nhà mạng có thể kết hợp ngay trong kế hoạch xây dựng trạm mới nhằm tăng mật độ hoặc mở rộng vùng phủ sóng.

Nếu không, mạnh ai nấy làm đã hoàn thành, thì việc sắp xếp lại chẳng những vừa tốn công vừa tốn của, mà có thể bản thân mỗi nhà mạng cũng sẽ ngại thay đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lợi chung không ít, lợi riêng cũng nhiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO