Hết buông lại siết...

THỤY LÂM| 13/09/2010 03:02

Bắt đầu từ ngày 1/9, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) cắt đường truyền đến 313 đại lý vi phạm về khoảng cách (cách trường học dưới 200m).

Hết buông lại siết...

Bắt đầu từ ngày 1/9, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) cắt đường truyền đến 313 đại lý vi phạm về khoảng cách (cách trường học dưới 200m).

Đây là bước xử lý kiên quyết sau đợt ra quân kiểm tra các đại lý trên địa bàn. Trên thực tế, tình trạng vi phạm này đã diễn ra nhiều năm qua, nhưng bị cơ quan quản lý buông lỏng, giờ vì dư luận nóng lên chuyện game online mới hô hào siết chặt.

Vi phạm được tồn tại

Cả nước có hàng chục ngàn đại lý internet, phần nhiều trong số đó kinh doanh dịch vụ game online (GO). TP.HCM là địa phương có nhiều đại lý nhất, trên 4.000 điểm. Kế tiếp là Hà Nội, có khoảng 3.400 đại lý. Đánh giá chung từ các cơ quan chức năng là: trên 90% các đại lý internet vi phạm các quy định của nhà nước về kinh doanh dịch vụ internet, kinh doanh GO và văn hóa công cộng.

Con số 313 đại lý internet tại Hà Nội bị yêu cầu cắt dịch vụ đường truyền chỉ là những điểm vi phạm về khoảng cách địa lý (theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP về ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng và Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL hướng dẫn thì đại lý internet phải cách trường học (từ tiểu học đến THPT) từ 200m trở lên), tức là cách trường học dưới 200m.

Lâu nay, các đại lý này thuộc diện vi phạm về khoảng cách nhưng vẫn được tồn tại. Tuy nhiên, trong đợt “thanh lọc” lần này, Sở TT&TT Hà Nội lại dấn thêm một bước, cắt đường truyền internet đến các đại lý cách trường mẫu giáo dưới 200m (trong khi Nghị định 103 quy định cách trường học nhưng từ tiểu học đến THPT). Kiên quyết như thế nhưng về khía cạnh pháp lý lại không hẳn đã ổn.

Có ý kiến cho rằng, tình trạng đại lý vi phạm như thế đâu chỉ có Hà Nội, mà ở TP.HCM và các tỉnh, thành khác cũng diễn ra phổ biến. Chính vì thế, đã thanh lọc thì phải thanh lọc hết, chứ không thể làm mạnh nơi này nhưng lại nương nơi kia, giống như tình trạng chính các cơ quan quản lý chứ không ai khác đã đánh trống bỏ dùi trong những năm qua, thì giờ lại hô hào làm căng, làm quá.

Cái gốc là buông lỏng công tác kiểm tra

Bên cạnh Nghị định 103 quy định về khoảng cách tối thiểu của tụ điểm dịch vụ văn hóa và hoạt động văn hóa, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 97/2008NĐ-CP về quản lý hoạt động internet, trong đó quy định rõ các đại lý internet ngừng cung cấp dịch vụ từ sau 23 giờ. Nhưng trên thực tế, rất nhiều đại lý cho khách chơi GO thả dàn từ khuya đến sáng.

Buông lỏng quản lý kiểm tra ở địa phương thì trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý tại địa phương, chứ không thể đổ cho quy định thiếu hay không chặt. Vì thế, đợt chấn chỉnh hoạt động đại lý internet lần này, thực ra là “bình cũ rượu cũ” chứ không được gọi là “bình mới rượu cũ”. Việc chấn chỉnh là một hệ quả tất yếu sau một thời gian các cơ quan quản lý tại địa phương buông lỏng việc kiểm tra, kiểm soát.

Trong một cuộc họp gần đây giữa Bộ TT&TT với các ban, ngành về vấn đề GO, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết, qua điều tra có tới trên 50% số đại lý internet tại TP.HCM chưa từng có cơ quan quản lý đến kiểm tra, trên 70% đại lý không hề biết có quy định quản lý giờ cung cấp dịch vụ.

Chính vì thế, những quy định bắt buộc đại lý phải yêu cầu người chơi kê khai thông tin, lập sổ theo dõi, ngừng cung cấp dịch vụ sau 23 giờ... dù không hề được các đại lý thực hiện, nhưng chẳng bị cơ quan nào sờ đến.

Vấn đề không nên sa vào là cứ buông lỏng rồi sau đó chấn chỉnh thì lại làm một cách cực đoan. Quản lý cần sự thường xuyên, sâu sát và chặt chẽ, không như thế thì sẽ tạo cơ hội cho những hành vi bất tuân luật pháp nảy nở và hoành hành.

Việc Sở TT&TT Hà Nội quyết định “trảm” 313 đại lý cũng mới chỉ là xử lý một phần nhỏ của vấn đề. Bởi số đại lý còn lại vẫn là hàng ngàn, với nhiều hành vi vi phạm phổ biến và thường xuyên, thì sở này cũng như tại các địa phương khác sẽ xử lý như thế nào cho thật nghiêm và đủ sức răn đe mới là chuyện đáng quan tâm hơn.

Ở đất nước nào cũng thế, quy định của cấp trung ương ban hành mới chỉ thực hiện bước định hình chính sách quản lý, để hoàn thiện đòi hỏi cấp quản lý địa phương phải thúc đẩy hiệu lực thực thi chính sách ấy.

Cái gốc của vấn đề là tình trạng buông lỏng công tác kiểm tra, thì chỉ có thể lấy sự tăng cường công tác kiểm tra của địa phương để bổ khuyết, khắc phục. Càng “trảm” nhiều đại lý internet, thì cơ quan chức năng càng phải xem xét lại trách nhiệm quản lý của mình đã bị buông lỏng trong thời gian qua, đã thực hiện nhiệm vụ chưa tốt, chứ đừng lấy đó làm thành tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hết buông lại siết...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO