Cuộc sống không che đậy

THANH TÂM| 25/11/2013 04:37

Hàng tỷ chiếc camera gắn trên mọi thiết bị cá nhân có nguy cơ xâm phạm vào quyền riêng tư của con người. Mâu thuẫn giữa quyền bảo mật thông tin cá nhân và sự phát triển của công nghệ hiện đại lên tới đỉnh điểm.

Cuộc sống không che đậy

Hàng tỷ chiếc camera gắn trên mọi thiết bị cá nhân có nguy cơ xâm phạm vào quyền riêng tư của con người. Mâu thuẫn giữa quyền bảo mật thông tin cá nhân và sự phát triển của công nghệ hiện đại lên tới đỉnh điểm.

Đọc E-paper

Nhân vật trong quyển sách bán chạy "The Circle" của tác giả Dave Eggers, ông Stewart, 60 tuổi, hói đầu và trầm lặng, cho phép bất cứ người nào có máy vi tính xem từng diễn biến cuộc sống hằng ngày của ông trong 5 năm liên tục ghi hình.

> Camera IP xóa mọi khoảng cách
> Camera zoom quang 30x đầu tiên thế giới
> Những bức tranh vẽ trông như ảnh chụp camera
> Camera với tính năng “độc”
> Camera chụp ảnh 200 megapixel được xuất xưởng
> 10 camera và ống kính đắt tiền nhất thế giới
> 5 smartphone sở hữu camera "khủng" vừa ra mắt
> Camera điện thoại bao nhiêu "chấm" thì đủ

Ông được mệnh danh là "transparent man" (Người không che giấu). Tương tự, nhà khoa học máy vi tính Cathal Gurrin thuộc trường Đại học Dublin City cũng ghi hình và công khai gần như toàn bộ đời sống của mình bằng việc đeo một camera góc rộng quanh cổ và chụp hình từng phút. Hướng chụp và địa điểm chụp được ghi nhận đầy đủ mỗi lần thực nghiệm.

Trong suốt hơn 7 năm, 12 triệu bức ảnh đã ra đời. Ông làm ra 1 terabyte dữ liệu 1 năm, tất cả đều có trên mạng và được bán công khai với giá khá "mềm", dưới 100 USD... Nhà hiền triết Socrates thời cổ Hy Lạp từng nói: "Một cuộc đời không được soi xét thì không đáng để tồn tại". Chẳng biết nếu còn sống đến ngày nay thì ông sẽ nhận định gì về việc có những cuộc đời được ghi hình kỹ thuật số để được (hoặc bị) soi tới soi lui nhiều lần...

Thế giới hiện đang tràn ngập camera siêu nhỏ, giá rẻ và tiện dụng. Công ty nghiên cứu ABI cho biết, có khoảng 1 tỷ camera được gắn vào điện thoại di động và máy tính bảng được tung ra thị trường năm 2012. Nói đến ích lợi, một thí nghiệm dài hạn việc sử dụng camera đeo bên người của cảnh sát tại Rialto và California đã giúp người dân giảm kiện tụng cảnh sát và cảnh sát giảm dùng bạo lực đàn áp tội phạm.

Ông Steve Ward của Công ty VIEVU, chuyên bán camera có thể gắn trên người cho lực lượng cảnh sát tại 16 quốc gia, còn cho biết rằng thiết bị giúp bảo vệ người làm nghề đặc biệt như thợ sửa máy móc, nhân viên địa ốc, bác sĩ, nhân viên chuyển phát thư... Ngoài ra, có hàng triệu xe hơi tại Nga gắn camera ghi hình ở đầu xe để tài xế tự bảo vệ mình trong những vụ kiện gian lận bảo hiểm.

Hơn thế nữa, nhiều năm nay, các bác sĩ đã gợi ý bệnh nhân gặp vấn đề với trí nhớ gắn camera bên mình để thường xuyên xem lại hoạt động hằng ngày, nhằm thuyên giảm bệnh suy giảm trí nhớ và Alzheimers, hoặc giúp việc sống cùng bệnh dễ dàng hơn...

Một ví dụ nổi trội của việc ghi hình đời sống là Google Glass. Đây là một chiếc kính nhỏ, cho phép người sử dụng ghi và xem hình, xem chi tiết thông tin vật thể thông tin thông qua màn hình nhỏ xíu bên mắt phải.

Tuy nhiên, chuyên gia máy vi tính của Đại học Yale, ông David Gelernter, hình dung ra rằng, phản ứng hay nhận định đầu tiên của con người khi tiếp xúc với người hay vật xung quanh bị ảnh hưởng bởi thông tin do Glass cung cấp. Ông còn e ngại rằng việc dùng Glass để giúp mình trở nên hiểu biết hơn có thể khiến giao tiếp người và người thiếu thẳng thắn và thành thật...

Ngoài ra, Google chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh "sắp xếp thông tin của thế giới" và giúp chúng được tiếp cận rộng khắp và hữu ích" nếu bảo đảm không can thiệp quá sâu vào đời sống người dùng. Bởi vì camera tiện dụng cũng ẩn chứa hiểm họa. Đã từng có chuyện camera siêu nhỏ được lạm dụng để chụp cảnh vô tình "lộ hàng" của những cô gái. Học sinh có thể lợi dụng hình ảnh ghi được để bêu rếu hay bắt nạt bạn bè. Một khi kết nối camera với Internet, hacker sẽ sớm tìm ra được cách khống chế nó từ xa và dùng thông tin thâu thập được cho mục đích xấu, phạm tội, tống tiền...

Liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin ảnh, mỗi quốc gia có quy định khác nhau. Mỹ cho phép doanh nghiệp và người dân tự do chụp ảnh trên đường, trong công viên, cửa tiệm, nhà hàng... Nhưng nhiều quốc gia châu Âu lại yêu cầu người chụp phải xin phép người trong ảnh (hoặc chủ nhân của vật trong ảnh) trước khi phát tán hoặc trưng bày ảnh.

Vậy nên, năm ngoái, người sử dụng Facebook tại châu Âu đã kiến nghị Facebook ngừng cung cấp tính năng nhận diện gương mặt và xóa các thông tin nhận diện mà hãng này đã thâu thập. Còn tại Hàn Quốc và Nhật Bản, việc chụp ảnh được đồng tình chỉ khi người được chụp biết chuyện đó, thông qua âm thanh phát ra từ camera.

Bảo mật thông tin cá nhân là nhu cầu của công chúng toàn thế giới. Vậy nên, cho dù vốn rất thoải mái về mặt tư tưởng, chính quyền Mỹ cũng đang từng bước kềm chế việc sử dụng lan tràn các công nghệ hiện đại. Mỹ đã xem xét việc đưa ra các quy luật về việc bảo mật thông tin cá nhân đối với những hình ảnh ghi nhận được bằng camera gắn trên máy bay không người lái.

Cuộc giằng co qua lại giữa quyền bảo mật thông tin cá nhân và sự phát triển của công nghệ hiện đại cần được luật pháp kiểm tra và tiết chế. Tuy nhiên, quy định là do con người đặt ra. Vậy nên, chính dư luận và người dân toàn cầu quyết định phe thắng trong cuộc đấu tranh dai dẳng và ngày càng lên cao này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc sống không che đậy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO