“Chập chờn” sóng ngoại

DIỆU TIÊN| 03/09/2010 00:35

Vụ tranh chấp bản quyền phát sóng Giải bóng đá Ngoại hạng Anh gói ngày Chủ nhật giữa Truyền hình cáp Hà Nội và Công ty Truyền hình số vệ tinh K+ đã đi đến hồi kết khi Bộ Thông tin và Truyền thông kết luận: các đài Việt Nam không được phát giải EPL từ True Sport của Thái Lan.

“Chập chờn” sóng ngoại

Vụ tranh chấp bản quyền phát sóng Giải bóng đá Ngoại hạng Anh (EPL) gói ngày Chủ nhật (Super Sunday) giữa Truyền hình cáp Hà Nội (HCTV) và Công ty Truyền hình số vệ tinh (VSTV, có thương hiệu là K+) đã đi đến hồi kết khi Bộ Thông tin và Truyền thông kết luận: các đài Việt Nam không được phát giải EPL từ True Sport của Thái Lan.

Sóng “chập chờn” theo sự tranh chấp

Trong cuộc họp mới đây giữa K+ và Công ty MP&Silva với Bộ Thông tin và Truyền thông, quyền nắm giữ bản quyền đã được Bộ xem xét và xác nhận: MP&Silva là công ty có quyền hợp pháp trong việc phân phối lại bản quyền cho các đài truyền hình tại Việt Nam và đã phân phối lại gói độc quyền Super Sunday cho K+.

K+ mới tìm đường kinh doanh tại Việt Nam đã gặp rắc rối về vấn đề bản quyền

Phía HCTV và hơn chục đài địa phương đã phát các trận ngày Chủ nhật giải EPL trong hai lượt trận vừa qua do không tham dự cuộc họp cho nên cũng không trưng ra được cơ sở pháp lý gì để chứng minh quyền được phát sóng của mình từ True Sport - kênh truyền hình thuộc Công ty True Vision của Thái Lan.

Như vậy từ nay, sau khi HCTV và các đài địa phương không được tiếp tục phát sóng gói Super Sunday thì hàng chục triệu khán giả không còn được xem các trận đấu.

Câu chuyện bản quyền phát sóng giải EPL tại Việt Nam nói chung và gói Super Sunday nói riêng thời gian qua đã diễn ra đầy uẩn khúc, gập ghềnh và rắc rối. Màn đã hạ nhưng nhìn lại về góc độ pháp lý thì thấy sóng ngoại tại Việt Nam đã từng “chập chờn” và chưa biết liệu đã thực sự kết thúc chưa, hay còn có thể nảy sinh những bất ngờ như thời gian vừa qua. Đó cũng là cuộc đấu giữa truyền hình số vệ tinh với truyền hình cáp, cạnh tranh khe hở để được phát sóng của các đài.

Sự “chập chờn” của sóng ngoại diễn ra từ khâu bán đến khâu mua vì nhiều thông tin không được rõ ràng, minh bạch. Ngay cả khi thông tin tưởng đã chắc như đinh đóng cột rằng MP&Silva và K+ đã có quan hệ mua bán phát độc quyền góc Super Sunday, thì lại nảy sinh chuyện True Sport phát sóng gói này tại Việt Nam.

Thử hỏi, nếu True Vision không bán bản quyền phát sóng giải EPL tại Việt Nam thì phát sóng để làm gì trong khi chẳng hề thu được lợi lộc về tài chính?

Vì sao “chập chờn”?

Năm 2010 có thể xem là năm bùng phát về giá trị bản quyền truyền hình tại Việt Nam khi chỉ riêng số tiền mua bản quyền phát sóng giải EPL của các nhà đài đã hơn 10 triệu USD.

Cần biết rằng, vào tháng 10/2009, tại một hội nghị về truyền hình trả tiền tại TP.HCM do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, bà Nguyên Hạnh, Giám đốc Công ty Qnet, cho biết, giá trị bản quyền truyền hình nước ngoài mà các đơn vị tại Việt Nam phải trả mới chỉ đạt 5 triệu USD/năm, chiếm chưa tới 10% tổng doanh thu của thị trường truyền hình trả tiền.

Theo bà Hạnh, tỷ lệ này đang là lợi thế cho Việt Nam trong vài năm nữa trước khi tăng lên 40% để ngang bằng với khu vực. Tuy nhiên, đến thời điểm này có lẽ mọi thứ đã khác khi chỉ riêng giá trị mua bản quyền phát sóng các giải bóng đá quốc tế của K+ đã lên đến hàng chục triệu USD. Lợi thế của thị trường Việt Nam có lẽ sẽ không còn duy trì được lâu.

Sự “chập chờn” của sóng ngoại thời gian qua thể hiện qua sự rơi rụng dần nhiều kênh chương trình của các đài truyền hình cáp. Ban đầu là BBC và CNN được rút lên gói giá cao, tiếp đến là các kênh chương trình như Bloomberg, Sky Sports biến mất...

Sóng “chập chờn” nhưng cước phí khách hàng phải trả lại không hề giảm. SCTV hồi tháng 9/2009 đã tăng cước gói dịch vụ A từ 44.000 đồng lên 66.000 đồng/tháng (50%), và đến 1/9/2010 lại tiếp tục tăng thêm 33% nữa, lên 88.000 đồng/tháng.

Có lập luận cho rằng, sóng ngoại chập chờn chính là do mức chi phí mua bản quyền chương trình nước ngoài của Việt Nam còn thấp. Tuy nhiên, với mức chi phí được đẩy lên cao gấp ba, bốn lần so với trước thì lại nảy sinh một sự “chập chờn” khác, đó là từ chỗ phạm vi phát sóng rộng hơn với nhiều nhà đài tham gia nay bó hẹp lại với tính độc quyền ở trong tay chỉ một hoặc hai đơn vị, và thiệt thòi chắc chắn thuộc về người tiêu dùng.

Như vậy không có nghĩa cứ bơm càng nhiều tiền thì sóng ngoại hết “chập chờn”, mà còn cần sự liên kết “buôn có bạn bán có phường” để chống lại việc nâng giá của tổ chức bán bản quyền truyền hình nước ngoài, vừa hạn chế thiệt hại cho phía Việt Nam, vừa mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng trong nước bởi chi phí gói dịch vụ sẽ thấp hơn.

Bàn đến vấn đề này lại đụng đến chuyện cần có Hiệp hội Truyền hình trả tiền tại Việt Nam là tổ chức có thể đứng ra bảo vệ quyền lợi cho các nhà đài cũng như có thể đứng ra hòa giải, dàn xếp khi có tranh chấp. Không nên vì... sóng ngoại “chập chờn” mà cứ phải bung tiền ra để rồi bắt người tiêu dùng Việt Nam gánh chịu thiệt thòi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Chập chờn” sóng ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO