Bước vào “thế giới phẳng”ASEAN?

DIỆU TIÊN| 17/12/2011 09:55

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin trên thế giới đang trong tình hình chung là thiếu, quốc gia nào “khéo co thì ấm”.

Bước vào “thế giới phẳng”ASEAN?

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) trên thế giới đang trong tình hình chung là thiếu, quốc gia nào “khéo co thì ấm”. Nhưng xét trên bình diện khu vực, như ASEAN, liệu có thể tạo ra một “thế giới phẳng” về nguồn nhân lực hay không để tránh lãng phí và cạnh tranh gây thêm khó khăn cho nhau? Các chuyên gia cho rằng có thể, nhưng để “phẳng” được thì trước mắt và trong tương lai cần phải làm nhiều việc nữa.

Chưa cường đã nhược

Kỹ sư nhà máy Intel Việt Nam

Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết, thế giới đang thiếu từ 1,5 - 2 triệu kỹ sư CNTT. Nguồn nhân lực CNTT tại Việt Nam cũng đang thiếu, không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng.

Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Phó giám đốc Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung, trong năm 2012, các doanh nghiệp tại đây có nhu cầu tuyển dụng 1.000 lao động thuộc ngành này nhưng nguồn cung đang trong tình trạng khó có thể đáp ứng.

Hiện nay, cả nước có khoảng 250.000 kỹ sư CNTT đang làm việc, 169.000 sinh viên đang theo học ngành CNTT. Năm 2010 có 35.000 sinh viên ngành CNTT đã tốt nghiệp. Con số này nếu so với yêu cầu 1 triệu kỹ sư CNTT vào năm 2015, thì không dễ đáp ứng chút nào.

Theo ông Đường, nếu nước ta giữ được tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực khoảng 32% mỗi năm thì mới mong hoàn thành kế hoạch 1 triệu kỹ sư CNTT trong vòng 4 năm tới. Khi đó, Việt Nam trở thành cường quốc về nguồn nhân lực CNTT, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.

Câu chuyện nguồn nhân lực CNTT thiếu và yếu đã trở thành điệp khúc được nhắc đi nhắc lại trong nhiều năm nay. Nhưng càng về những năm gần đây, tình trạng thiếu nguồn nhân lực CNTT không chỉ đơn thuần do đào tạo không kịp vì chúng ta bước vào lĩnh vực này sau nhiều quốc gia, mà còn do số lượng thí sinh thi vào giảm.

Ông Đường nhận định, ngành CNTT đang gặp sự cạnh tranh của nhiều ngành khác, đặc biệt là các ngành kinh tế, marketing, tài chính, ngân hàng.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long bổ sung, sinh viên ngành CNTT mới tốt nghiệp ra trường lương chỉ từ 4 - 8 triệu đồng/tháng, trong khi các ngành tài chính, ngân hàng có mức từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. “Học về CNTT khó hơn mà lương thấp thì tất nhiên mất dần sự hấp dẫn”, ông Long nói.

Thế nhưng, theo ông Imran Kunalan, Giám đốc Điều hành Công ty Phát triển Đa phương tiện tại Malaysia, vấn đề nguồn nhân lực CNTT toàn cầu đang đối mặt hiện nay không chỉ là thiếu, mà đang rơi vào thời điểm suy thoái về chất lượng, cần phải đào tạo bổ sung những kỹ năng cần thiết.

Tại Việt Nam, theo điều tra, chỉ có 40% lực lượng lao động trong lĩnh vực CNTT được huấn luyện trong công việc. “Cần đào tạo những gì ngành công nghiệp đang thiếu và doanh nghiệp đang cần, nếu không sẽ vừa lãng phí, vừa không đáp ứng được ngay lập tức nhu cầu”, ông Kunalan cảnh báo.

“Thế giới phẳng” về nhân lực cho ASEAN?

Ông Thanachart Numnonda, Giám đốc Công viên phần mềm Thái Lan, đặt vấn đề: “Hiện các nước ASEAN chúng ta cạnh tranh với nhau quá nhiều do sự chậm phát triển của chính chúng ta. Tại sao chúng ta không hợp tác nguồn nhân lực trong khu vực ASEAN thay vì cạnh tranh với nhau?”.

Theo ông Đường, việc di chuyển nguồn nhân lực từ nơi này qua nơi khác theo nhu cầu hay sự thu hút nhân tài trong “thế giới phẳng” ngày nay là chuyện bình thường.

Ngay trong khu vực ASEAN, có lĩnh vực quốc gia này có thể hỗ trợ, hợp tác với quốc gia kia về chuyên gia mà mình có thế mạnh. Tuy nhiên, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, lại xem đó là một nguy cơ về chảy máu chất xám, phải ngăn chặn.

Chuyên gia Barnik Maitra đến từ Công ty Tư vấn McKinsey, cho biết, Ấn Độ cũng từng xảy ra chảy máu chất xám trong lĩnh vực ICT với khoảng 16% số kỹ sư, du học sinh đi học nước ngoài và ở lại làm việc. Nhưng rồi họ cũng trở về.

“Tôi nghĩ, điều quan trọng là chính phủ phải có chính sách thu hút phù hợp để họ trở về quê hương cống hiến”, ông Maitra nhấn mạnh, “đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo vì họ là những người có kiến thức và kỹ năng đạt chuẩn quốc tế”.

Việt Nam cũng như các quốc gia ASEAN nên xây dựng một nền tảng đào tạo mang tính toàn cầu, sau đó tùy tình hình từng quốc gia sẽ có những chương trình bổ sung cụ thể, đặc biệt về kỹ năng mềm.

Theo ông Thanachart, trong khu vực EU, mỗi quốc gia có dữ liệu riêng về nguồn nhân lực và được tổng hợp chung, vì thế, khi quốc gia này đang thiếu mà quốc gia kia đang thừa nhân lực thì rất dễ điều tiết qua lại.

Tuy nhiên, ở khu vực ASEAN, dữ liệu chung chưa có. “Hội đồng ASEAN phải thống nhất xây dựng nguồn dữ liệu chung, từ đó mới có thể tiến tới bàn chương trình hỗ trợ hay hợp tác với nhau được”, ông Thanachart nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bước vào “thế giới phẳng”ASEAN?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO