Xuất siêu: Vừa mừng vừa lo

HỒ LÊ| 19/09/2016 06:44

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy yếu, nợ công tăng cao thì hoạt động xuất nhập khẩu được xem như một gam màu sáng, tuy nhiên, thực tế vẫn còn đáng ngại.

Xuất siêu: Vừa mừng vừa lo

Tám tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất siêu 2,45 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu đến 3,6 tỷ USD (theo Tổng cục Thống kê). Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy yếu, nợ công tăng cao thì hoạt động xuất nhập khẩu được xem như một gam màu sáng, tuy nhiên, thực tế vẫn còn đáng ngại. 

Đọc E-paper

Mặc dù Việt Nam xuất siêu nhưng hoàn toàn nhờ vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, 8 tháng qua, khu vực này xuất siêu gần 15,2 tỷ USD, trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu hơn 17,3 tỷ USD.

Nhiều năm qua, các doanh nghiệp (DN) trong nước luôn trong tình trạng nhập siêu, và năm 2015 đã nhập siêu hơn 20,3 tỷ USD. Điều này cho thấy các DN nội địa ngày càng kém cạnh tranh, đặc biệt khi ra thị trường quốc tế.

Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng chỉ có DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tận dụng tốt các ưu đãi từ các FTA mang lại. Các DN trong nước với tiềm lực tài chính yếu, quy mô kinh doanh nhỏ, ngày càng thu hẹp và chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng để hội nhập nên hầu như vẫn đứng ngoài chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Theo số liệu thống kê, hoạt động xuất khẩu của khối này 8 tháng qua chỉ tăng 3,04%, trong khi khối DN FDI tăng 6,65% và mức chung của cả nền kinh tế là 5,57%.

Việc xuất khẩu của DN FDI đang tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn dần cho thấy nền kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các DN FDI. Nói cách khác, tăng trưởng của nền kinh tế đang phụ thuộc lớn vào các DN FDI.

Theo các chuyên gia, ngoài nội lực của các DN nội yếu thì chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng đang dành nhiều ưu đãi cho các DN nước ngoài, vô hình trung nới rộng khoảng cách lợi thế giữa DN nội địa và DN FDI.

Điều này là rất nguy hiểm vì mặc dù các DN FDI tạo ra nhiều công ăn việc làm, nhưng động lực từ xuất khẩu của họ sẽ không bền vững và có thể thay đổi nhanh chóng khi các ưu đãi từ chính sách và tỷ giá thay đổi. Trong khi đó, DN trong nước vốn đã yếu mà lại không được hỗ trợ thì rất khó tận dụng được những ưu đãi từ các FTA dù hoạt động trên sân nhà.

Trong tình hình VND của Việt Nam đang mạnh so với các đồng tiền khác (thời gian qua, các đồng tiền khác mất giá mạnh so với USD nhưng tỷ giá USD/VND vẫn ổn định) nên khuyến khích các DN nhập khẩu để kiếm lợi nhuận. Vì thế, sự sụt giảm trong hoạt động nhập khẩu 8 tháng qua là một điều đáng suy nghĩ.

>>Xuất khẩu nông sản sang Nhật: Cơ hội đang rộng mở

Các chuyên gia cho rằng, giảm mạnh nhập khẩu máy móc sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Thực tế trong 8 tháng đầu năm, các mặt hàng nhập khẩu giảm nhiều so với cùng kỳ là nguyên vật liệu, máy móc thiết bị... Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị 8 tháng đầu năm 2016 là 17,74 tỷ USD, giảm 1,15 tỷ USD so với cùng kỳ 2015.

Các mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, giày dép giảm 0,3%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu giảm 5,8%; hóa chất giảm 5,1%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 21,2%; phân bón giảm 18,6% so cùng kỳ.

Song song đó, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 6,9%, thấp hơn nhiều mức tăng 9,8% của cùng kỳ năm 2015. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chỉ tăng 8,1% (năm 2015 tăng 11,3%).

Việc nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu sản xuất sụt giảm cho thấy tình hình sản xuất, đầu tư đang chững lại và có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Việc suy yếu đầu tư, mở rộng sản xuất cũng cho thấy niềm tin kinh doanh đang suy giảm.

Với mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tăng trở lại (dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất phù hợp như ở mức hiện tại) cũng phần nào tác động đến kế hoạch mở rộng hoạt động của DN.

Riêng với khối DN nước ngoài, triển vọng từ khả năng Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua ngày càng xa vời do vấp phải phản đối quyết liệt từ nhiều phía có thể ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư và giải ngân vốn để mở rộng sản xuất cho các dự án vào Việt Nam.

Ngoài ra, khả năng đồng USD tăng mạnh trước triển vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) trong thời gian tới cũng phần nào tác động đến các DN FDI khi muốn tiếp tục mở rộng đầu tư ra nước ngoài.

Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư từ khu vực chính phủ và DN nhà nước cũng bị hạn chế do áp lực cân đối ngân sách ngày càng lớn hơn. Với nguồn vốn đầu tư ngày càng co lại, dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng lên tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

>>Việt Nam nhập siêu hơn 32 tỷ USD từ Trung Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất siêu: Vừa mừng vừa lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO