Xuất khẩu trái cây khô: Tiền tươi quanh năm

ĐỖ PHƯƠNG| 11/09/2013 05:20

Xuất khẩu trái cây sấy khô đang có mức tăng trưởng mạnh và được nhiều doanh nghiệp (DN) coi là lời giải cho bài toán “được mùa mất giá”.

Xuất khẩu trái cây khô: Tiền tươi quanh năm

Xuất khẩu trái cây sấy khô đang có mức tăng trưởng mạnh và được nhiều doanh nghiệp (DN) coi là lời giải cho bài toán “được mùa mất giá”.

Đọc E-paper

Dễ thâm nhập thị trường lớn

Theo Hiệp hội Trái cây Việt Nam (Vinafruit), thời gian tới, trái cây sấy khô, đóng hộp vẫn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Thay vì xuất khẩu trái cây tươi, nhiều DN đã và đang xuất khẩu trái cây sấy khô và “biến tấu” dưới dạng pha trộn thêm gia vị để xuất khẩu sang thị trường châu Á, Mỹ và EU.

Xét về tính dài hạn thì đây là cơ hội cho trái cây Việt Nam. Đặc biệt đối với những loại trái cây có diện tích trồng lớn và cho trái quanh năm như thanh long, dứa, xoài, chuối, đu đủ, nhãn, chôm chôm... 

Năm 2013, Công ty CP Xuất nhập khẩu Nhà Bè (Nhabexims) đã xuất khẩu trái cây sấy sang nhiều thị trường như: Đài Loan, Hồng Kông, Pháp, Đức, Mỹ, Thái Lan và châu Âu.

Hợp đồng xuất khẩu vào thị trường Nhật chiếm khoảng 20 tấn thành phẩm khô/tháng đã giúp Nhabexims kỳ vọng nâng kim ngạch lên 400.000 USD/năm so với 100.000 USD năm 2012.

Song, theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, so với trái cây tươi, trái cây sấy có giá đắt hơn nhiều. Do đó, khi DN quyết định đầu tư vào mặt hàng này là chọn lựa đến phân khúc khách hàng trung lưu.

Đầu năm 2013, Công ty CP Nông nghiệp Gap cũng xuất vào thị trường Mỹ thanh long sấy khô theo phương pháp sấy thăng hoa (cắt lát, cấp đông, máy sấy rút nước đến khô hẳn, có thể bảo quản được 5-7 năm).

Hiện, sản phẩm này đã có mặt ở các sân bay trong các gian hàng miễn thuế, trung tâm thể dục thẩm mỹ và một số siêu thị tại Mỹ. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch HĐQT GAP, sản phẩm chỉ mới phù hợp ở phân khúc “nhà giàu” vì giá thành cao.

Bởi nếu áp dụng phương pháp sấy thăng hoa thì không thể sử dụng trái cây có bón phân hóa học. Do đó, GAP phải sử dụng 100% phân hữu cơ, khiến giá thành tăng cao. Nhưng với cách làm này, sản phẩm sấy khô lại đạt chất lượng hữu cơ (organic), dễ thâm nhập nhiều thị trường khó tính như Nhật và EU.

Hiện châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu chính của trái cây Việt Nam như Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc. Trong đó, gần 80% các loại trái cây sấy khô của Việt Nam được bán sang Trung Quốc.

Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu trái cây và rau của Việt Nam vào thị trường châu Á, EU, Bắc - Nam Mỹ tăng 33,1%. Dự kiến sẽ đạt mức 1,2 tỷ USD vào năm 2020.

Với lợi thế trái cây tươi Việt Nam đã có mặt trên 76 quốc gia với gần 40 loại, thì việc ra đời sản phẩm sấy khô hứa hẹn sẽ là sản phẩm chủ lực giúp nâng cao giá trị của các mặt hàng trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới.

Cần chuẩn hóa từ gốc

Theo TS. Nguyễn Minh Châu, Viện Cây ăn quả Miền Nam (SOFRI), Việt Nam đang có tổng diện tích trồng xoài đạt 64.000 ha, dứa 22.000 ha, bưởi 31.000 ha, cam, quýt 42.000 ha, hứa hẹn vùng nguyên liệu đầy tiềm năng cho mặt hàng trái cây sấy khô.

576 triệu USD

Theo tổng hợp của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đạt 576 triệu USD, tăng khoảng 28% so với cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 26,5% xét về kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là Nhật với tỷ trọng 6,8%, xếp thứ 3 là thị trường Mỹ với tỷ trọng 5,3%.

Theo bà Tú Anh, việc DN hướng đến phát triển mặt hàng trái cây sấy khô là đang dần giải quyết bài toán trái cây được mùa, mất giá cho nông dân, đặc biệt đối với loại cây cho trái quanh năm. Vì phần lớn trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng nếu thị trường này ngừng nhập sẽ khiến nông dân Việt Nam điêu đứng.

“Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu sấy thêm một số trái cây như xoài, khóm... theo phương pháp thăng hoa. Tuy nhiên trái cây sấy theo phương pháp này phải sử dụng 100% phân hữu cơ để tăng hương vị, chất lượng và độ ngọt.

Nhưng không phải người dân nào cũng chấp nhận dùng phân hữu cơ thay phân hóa học, nên rất khó để phát triển sản phẩm sấy khô trên diện rộng”, bà Tú Anh cho biết.

Cùng với quan điểm này, ông Nguyễn Lâm Viên từng cho rằng, sản phẩm của Vinamit chưa được công nhận là organic (dưỡng chất hữu cơ). “Hiện, chúng tôi chỉ mới tự tin ở mít sấy, do nguồn nguyên liệu kiểm soát được.

Từ lâu chúng tôi đã đầu tư cho một loại mít riêng là Viên Linh, trái đồng đều, vỏ mỏng, múi nhiều, xơ ít, hột bé. Nhưng tôi có thể cam kết chắc chắn rằng, tất cả các sản phẩm của Vinamit không có hương liệu (màu, mùi) và hóa chất bảo quản trong quá trình chế biến”, ông Viên nhấn mạnh.

Nhiều DN cho rằng, việc phát triển trái cây sấy khô là giải pháp tốt đối với cả nông dân lẫn DN. Song thực tế, không nhiều DN làm được sản phẩm sấy khô đạt chuẩn organic vì không có nguồn nguyên liệu được trồng theo phương pháp hữu cơ.

“Vì vậy, chúng tôi cần sự “chung tay góp sức” của Chính phủ trong việc kêu gọi và thuyết phục người nông dân để sản phẩm trái cây giảm thiểu chất kích thích từ phân hóa học, có như vậy DN mới có thể tham gia đưa trái cây sấy khô ra thị trường thế giới dễ dàng”, bà Tú Anh chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu trái cây khô: Tiền tươi quanh năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO