Xuất khẩu hàng dệt may: Kiếm tiền từ FOB

NGỌC THỦY| 26/03/2014 01:30

Chuyển đổi từ gia công sang các hình thức FOB (tự chủ nguyên liệu), ODM (tự thiết kế mẫu) là hướng đi cần thiết nếu các doanh nghiệp (DN) dệt may muốn gia tăng giá trị sản xuất.

Xuất khẩu hàng dệt may: Kiếm tiền từ FOB

Chuyển đổi từ gia công sang các hình thức FOB (tự chủ nguyên liệu), ODM (tự thiết kế mẫu) là hướng đi cần thiết nếu các doanh nghiệp (DN) dệt may muốn gia tăng giá trị sản xuất.

Đọc E-paper

Dù tăng trưởng mạnh nhưng theo số liệu của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), tổng giá trị xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 4% thị phần nhập khẩu toàn cầu. Ở thị trường EU, hàng dệt may Việt Nam mới chỉ chiếm 1% (2,4 - 2,5 tỷ USD) kim ngạch nhập khẩu, ở Mỹ là 8%, ở Nhật là 4 - 5%.

Nguyên nhân ngành dệt may Việt Nam vẫn nặng về hình thức gia công (OEM). Theo thống kê sơ bộ, gia công đang chiếm khoảng 60% đơn hàng dệt may. Đây là hình thức sản xuất cho giá trị thấp nhất. Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 3, cho rằng, DN làm gia công chỉ hưởng được khoảng 1 - 3% phí gia công.

Nếu tính toán không khéo, có khi chỉ hòa vốn. Trường hợp chi phí đầu vào gồm nhân công, nguyên vật liệu, xăng, điện, nước, lãi suất... tiếp tục tăng, DN có thể làm không đủ trang trải chi phí. Hiện tại, mặt bằng thu nhập của công nhân ở nhiều DN như May Sài Gòn (GMC), May Sài Gòn 3 đã hơn 7 triệu đồng/người/tháng.

So với 5 năm trước thì thu nhập bình quân của người lao động đã tăng hơn gấp đôi. "Với quy mô trên 3.000 công nhân xoay xở để trả lương đúng hạn, đầy đủ là rất áp lực và đau đầu", ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch GMC, thừa nhận.

Từ năm 1997 - 1998, May Sài Gòn 3 đã là một trong những công ty tiên phong sản xuất theo hình thức FOB (tự chủ nguyên liệu). Ban đầu chỉ ở mức 10%, sau tăng dần, đến nay, hàng FOB đã chiếm 80% tổng lượng hàng của May Sài Gòn 3. Ông Phạm Xuân Hồng cho biết, May Sài Gòn 3 có khả năng nâng thêm tỷ lệ hàng FOB nhưng vẫn linh động duy trì thế "hai chân" vì một số lý do.

Thứ nhất, nhiều khách hàng truyền thống của Công ty thích hình thức gia công nên May Sài Gòn 3 nhận làm để giữ mối quan hệ. Thứ hai, đơn hàng FOB không phải luôn đều đặn mà còn tùy thuộc thời tiết, mùa vụ.

Những lúc đó, các đơn hàng gia công sẽ giúp Công ty duy trì được công suất sản xuất. Với những khách hàng mới, May Sài Gòn 3 ưu tiên nhận gia công để tránh rủi ro trong thanh toán và có thêm thời gian tìm hiểu nhau.

Thực tế, khách hàng thường khảo sát kỹ lưỡng năng lực hoạt động của DN trước khi ký đơn hàng FOB. Ông Hùng cho biết, chỉ những DN đủ khả năng sản xuất các đơn hàng số lượng lớn và kịp thời, năng lực quản trị hiệu quả, có sự liên kết chặt chẽ với nhà cung cấp nguyên phụ liệu, có tài chính lành mạnh... mới được chọn.

Ý thức điều này, từ năm 2004, GMC không ngừng tăng cường đầu tư như xây dựng 3 cụm sản xuất quy mô 47 chuyền may, đầu tư thiết bị chuyên dùng và xây dựng chuyền Lean... Nhờ đó, năng suất sản xuất ở GMC đã tăng từ 5 USD/ngày/người (năm 2004) lên 15 USD/ngày/người (năm 2013). 95% đơn hàng hiện nay của GMC là theo hình thức FOB.

Tuy nhiên, dù đầu tư nghiêm túc, có chiến lược rõ ràng và có thâm niêm trong làm FOB thì FOB của GMC vẫn chủ yếu là FOB chỉ định, tức ở cấp sơ khai. Bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Vitas, từng ghi nhận, khoảng 55-60% đơn hàng FOB của DN dệt may Việt Nam là theo hình thức FOB sơ khai.

Hình thức này không khác nhiều so với gia công. Ước tính, lợi nhuận từ làm hàng FOB chỉ định chiếm khoảng 5-6% giá trị đơn hàng. "Đây là mức lợi nhuận không cao nhưng nếu đơn hàng lớn, vài triệu sản phẩm thì cũng đáng kể”, ông Phạm Xuân Hồng đánh giá.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may trên 20 tỷ USD, tăng 18,7% so với 2012. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 17,9 tỷ USD, và xơ sợi đạt 2,1 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may trong năm 2014 được dự báo lên tới 26 tỷ USD.

Nhưng nhờ 10 năm làm FOB sơ khai mà GMC đã tạo được mối liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu. Điều này giúp GMC chủ động hơn trong tìm kiếm, đàm phán giá nguyên phụ liệu và hướng đến kinh doanh thương mại nguyên phụ liệu.

GMC cùng đã bắt tay với Blue Exchange để lập Công ty May Sài Gòn Xanh chuyên về marketing và bán hàng. Đặc biệt, GMC đã xây dựng được đội ngũ hơn 300 chuyên viên giỏi ngoại ngữ, am tường thị trường may mặc, có kiến thức sâu về nguyên phụ liệu và có khả năng thiết kế.

Theo ông Hùng, đây chính là thế mạnh của GMC. Bởi không ít DN gặp trở ngại trong thực hiện FOB chỉ vì thiếu nguồn nhân lực chuyên môn cao. Với nội lực đã chuẩn bị, GMC đặt mục tiêu chuyển hướng ưu tiên làm hàng FOB thực chất và thử nghiệm mô hình ODM, là mô hình cho giá trị lợi nhuận cao nhất. Năm 2013, GMC đã thực hiện được đơn hàng ODM trị giá 300.000 USD.

Cùng là DN may mặc và làm FOB ở tỷ lệ cao (100%) theo chia sẻ của ông Ngô Văn Thịnh, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty TCM, tỷ lệ lợi nhuận gộp từ may mặc của TCM hiện đã ở mức trên 20%.

Thực tế, kể từ khi E-Land Asia - nhà sản xuất và phân phối may mặc nổi tiếng của Hàn Quốc đầu tư và tham gia điều hành (năm 2009), hoạt động ở TCM đã có nhiều thay đổi. 40% doanh số may của TCM là từ E-Land và tỷ lệ lợi nhuận của các đơn hàng từ E-Land đều trên 25%.

Không chỉ hỗ trợ đầu ra, E-Land còn chuyển giao công nghệ, quy trình cho TCM. Về dài hạn, ông Hùng chia sẻ, GMC sẵn sàng tham gia mảng sản xuất nguyên phụ liệu như một cách gia tăng sự chủ động và cải thiện lợi nhuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu hàng dệt may: Kiếm tiền từ FOB
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO