Xuất khẩu hải sản: Ràng buộc ngày càng chặt

AN PHƯƠNG| 07/12/2017 03:55

Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu hải sản để chế biến xuất khẩu với kim ngạch hằng năm trên dưới 1 tỷ USD, dự báo đến năm 2020 sẽ đạt mức 2,2 tỷ USD.

Xuất khẩu hải sản: Ràng buộc ngày càng chặt

Nhập khẩu nguyên liệu hải sản có thể có thêm rủi ro khi mà Liên minh Châu Âu vừa rút "thẻ vàng" do nhiều tàu cá Việt Nam và tàu nước ngoài bán cá cho Việt Nam từ nguồn đánh bắt bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (Ilegal, Unreported and Unregulated fishing - IUU).

Hệ lụy từ "thẻ vàng"

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hải sản nhờ vào nhập khẩu nguyên liệu. Đơn cử, có những doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ trước đây doanh số chỉ quanh mức 5 triệu USD/năm khi chỉ sử dụng nguyên liệu trong nước, nhưng nhờ nhập khẩu thêm nguyên liệu từ các nước khác đã đưa doanh thu lên đến 150 triệu USD/năm, qua đó mở rộng thêm nhiều nhà máy.

Cũng theo ông Nguyễn Hoài Nam, hiện có hơn 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hải sản phụ thuộc từ 20 - 90% nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nhờ thế mà duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định và tạo ra nhiều việc làm cho các địa phương.

"Xu hướng nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng là phương án tối ưu để giữ chân khách hàng. Giá trị nhập khẩu nguyên liệu hải sản đã tăng từ 541,1 triệu USD trong năm 2011 lên 1,1 tỷ USD năm 2016. Dự báo ngành thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu 8,4 tỷ USD trong năm 2017, trong đó tỷ lệ đóng góp của nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ ở mức trên 25%", ông Nam cho biết.

Vậy nhưng vào cuối tháng 10/2017, EU đã cảnh báo "thẻ vàng" đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam vì những nỗ lực chưa đủ để chống khai thác và nhập hải sản bất hợp pháp.

Link bài viết

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP, khi bị EU giơ "thẻ vàng" thì 100% container hải sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị giữ lại tại các cảng nhập khẩu để kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, mất nhiều thời gian, thậm chí cả tháng. Riêng phí kiểm tra đã tốn khoảng 500 bảng/container cùng với phí lưu giữ ở cảng và hệ lụy với khách hàng đối tác. Đó là chưa kể nguy cơ hàng bị trả về rất cao, khi đó chi phí tăng thêm từ 5.000 - 10.000euro/container.

EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, đem lại kim ngạch từ 300 - 400 triệu USD/năm. Điều đáng lo nữa là một khi bị "thẻ vàng" vì IUU không chỉ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sang thị trường EU mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và một số thị trường khác. Và tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến các thị trường tiềm năng.

Bà Miriam Garcia Ferrer - Tham tán thứ nhất Thương mại và Kinh tế - Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam khẳng định, với việc bị EU giơ "thẻ vàng", nếu thời gian tới Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, những quy định của EU về IUU, thì còn có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến thời gian ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vì rất khó để Nghị viện Châu Âu phê chuẩn FTA ấy nếu mặt hàng hải sản Việt Nam vi phạm quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp.

Thái Lan là một minh chứng cho vấn đề trên, khi từ tháng 4/2015 bị EU giơ "thẻ vàng" IUU, dù nước này đã có các biện pháp như sửa đổi luật, truy xuất nguồn gốc đáp ứng quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, nhưng EU vẫn chưa đánh giá có sự tiến triển. Hậu quả là FTA Thái Lan - EU vẫn bị treo chưa biết đến bao giờ.

Tự tháo gỡ ràng buộc

Mới đây, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, Chính phủ rất quan tâm khắc phục, xử lý tình trạng tàu các tỉnh - thành đánh bắt hải sản thuộc vùng biển nước khác.

"Trong thời gian tới, phấn đấu 100% số tàu cá đánh bắt xa bờ của cả nước sẽ được lắp thiết bị giám sát hành trình, kết nối 24/7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án khai thác hải sản viễn dương, ký kết hợp tác với các nước nhằm tổ chức khai thác hợp pháp, đồng thời thiết lập đường dây nóng để ngăn chặn hành vi đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Tuy nhiên việc có giám sát được các tàu đánh bắt hải sản xa bờ hay không đòi hỏi sự hợp tác của cả ngư dân.

Theo bà Miriam Garcia Ferrer, ngày 8/11 vừa qua, Tổng cục Nghề cá EU đã gửi thông báo tới Tổng cục Thủy sản Việt Nam yêu cầu không cho một chiếc tàu khai thác hải sản bất hợp pháp cập bất cứ cảng nào của Việt Nam. Cơ quan trên của EU đã thông tin cụ thể số hiệu, hành trình của con tàu này và cho biết các nước trong khu vực đã từ chối cho cập cảng nhưng đáng buồn là cơ quan chức trách Việt Nam vẫn phớt lờ thông báo trên. Dù không tiêu thụ số hải sản bất hợp pháp trên con tàu này nhưng việc cho phép nó cập cảng, EU sẽ quy Việt Nam là đồng lõa, chấp nhận khai thác bất hợp pháp, tiếp tay tiêu thụ hải sản vi phạm IUU.

Theo một số doanh nghiệp, thời gian qua có tình trạng nhiều tàu container cập cảng Hải Phòng rồi chuyển tải hàng hóa qua biên giới Trung Quốc nhằm hưởng ưu đãi hoàn thuế giá trị gia tăng và tránh vi phạm IUU nếu trong những thùng hàng ấy có hải sản đánh bắt bất hợp pháp, thậm chí là đánh bắt tại các khu bảo tồn hệ sinh thái biển. Nếu Việt Nam không có quy định quản lý những con tàu chuyển tải kiểu như trên thì rất dễ dẫn đến nguy cơ bị vạ lây, bị phạt thẻ đỏ, bị cấm xuất khẩu hải sản do không kiểm soát hoặc để những con tàu vi phạm quy định về chống khai thác bất hợp pháp cập cảng.

Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm thủy sản. Theo dự thảo này, trong hồ sơ đăng ký kiểm dịch các lô hàng hải sản nhập khẩu vào Việt Nam phải có chứng nhận đánh bắt (Catch Certificate), gọi tắt là C/C. Nhưng theo các doanh nghiệp thủy sản, đây là điều rất khó vì mất nhiều thời gian, ít nhất là 2 tháng để có thể có loại giấy tờ này. Trong khi quy định của EU chỉ yêu cầu doanh nghiệp nộp C/C khi nhập hàng vào EU chứ không cần nộp vào thời điểm nhập hàng vào Việt Nam.

Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) vừa được kỳ họp thứ tư Quốc hội Khóa XIV thông qua, trong đó có nhiều quy định được đánh giá là mang tính đột phá để chống nạn khai thác hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý, quy định về hoạt động của tàu cá Việt Nam ngoài vùng biển Việt Nam để ngăn chặn việc khai thác hải sản ở các vùng biển của nước khác, quy định cụ thể về các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp. Hy vọng luật này được thực thi triệt để, nhờ đó tình trạng vi phạm IUU sẽ chấm dứt và như vậy hải sản Việt Nam càng rộng đường ra thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu hải sản: Ràng buộc ngày càng chặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO