"Xí phần" trên đất hứa

PHƯƠNG QUYÊN| 29/03/2012 05:42

Đánh giá là chưa đến lúc chín muồi để đến với thị trường Việt Nam nhưng Warner Bros Consumer Products vẫn chọn thời điểm này như một bước “xí phần” cho tương lai.

Đánh giá là chưa đến lúc chín muồi để đến với thị trường Việt Nam nhưng Warner Bros Consumer Products (WBCP) vẫn chọn thời điểm này như một bước “xí phần” cho tương lai.

Các sản phẩm của WBCP giới thiệu tại Việt Nam

Câu chuyện từ Sapuwa



Cách đây vài năm, Công ty Nước uống Tinh khiết Sài Gòn (Sapuwa) gây bất ngờ khi ký kết hợp đồng sử dụng thương hiệu của Tập đoàn Warner Bros (WBCP) – tập đoàn sở hữu những hình ảnh các nhân vật hoạt hình nổi tiếng trên toàn thế giới như Tom & Jerry, Looney Tunes, Harry Potter, Batman, Superman, Scooby Doo, gia đình Flintstones...

Hãng Walt Disney cũng đã ký kết nhượng quyền sử dụng tên và hình ảnh các nhân vật hoạt hình của mình cho gần 20 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ, xuất bản truyện, trong lĩnh vực sản xuất có Gốm sứ Minh Long, Nhà Xinh...

Trong đó, Nhà Xinh phải chấp nhận một điều khoản khắt khe là các mẫu thiết kế đồ gỗ do Nhà Xinh tạo ra sẽ thuộc quyền sở hữu của Disney.

Không doanh nghiệp nào tiết lộ phí bản quyền phải trả cho Walt Disney mà chỉ nói rằng đó là “khoản tiền đáng kể nhưng hợp lý”.

Nhưng được biết, có hai cách chính để trả tiền bản quyền: trả theo tỷ lệ phần trăm trên doanh số bán sản phẩm (tỷ lệ này thay đổi tùy theo mặt hàng), hoặc trả một khoản tiền tối thiểu được định trước trong trường hợp doanh số bán hàng thực tế quá thấp.

Bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để được sử dụng hình ảnh vốn đã rất nổi tiếng trên thế giới, rõ ràng Sapuwa, Minh Long hay Nhà Xinh không chỉ phát triển thị trường nội địa mà còn nhắm tới mục tiêu tiến ra thị trường thế giới.

“So với các nước trong khu vực, vấn đề sở hữu hình ảnh ở Việt Nam còn rất mới mẻ, việc mua quyền sở hữu hình ảnh cũng mới chỉ mang tính bộc phát, lẻ tẻ nhưng nhu cầu thì có rất lớn.

Chủ nhân của các công ty mới đã bắt đầu nhận thức được các vấn đề liên quan đến khai thác hình ảnh.

Một thị trường còn bỏ ngỏ như vậy tuy thiếu tính chuyên nghiệp nhưng lại là đất hứa cho chủ nhân của những hình ảnh nếu biết cách khai thác”, ông Neal Rudge, Giám đốc Pacific Licensing Studio (PLS), đơn vị đại diện WBCP về vấn đề chuyển quyền sử dụng thương hiệu tại khu vực Đông Nam Á, nhận định.

Đó chính là lý do, từ tháng 3/2012, thông qua PLS, WBCP sẽ chính thức có mặt tại Việt Nam, đem hình ảnh của các thương hiệu giải trí đến với người tiêu dùng Việt Nam.

Bước tiên phong trong việc dấn thân vào thị trường này là sẽ có một loạt các sản phẩm gắn liền với các hình ảnh mà WBCP đang khai thác sắp ra mắt các nhà bán lẻ và người tiêu dùng tại Việt Nam mùa hè này.

Nguồn lợi cộng thêm vào sản phẩm

Xét ở khía cạnh thị trường, đã có hơn 3.700 doanh nghiệp trên toàn thế giới ký kết hợp đồng sử dụng các tài sản trí tuệ của WBCP.

Trên thực tế, việc chuyển quyền sử dụng thương hiệu rất đa dạng, có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực bao gồm các sản phẩm tiêu dùng, hàng may mặc, phụ kiện, đồ chơi, văn phòng phẩm, quà tặng, thực phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân, và các họat động khuyến mãi.

“Đây thực sự là một tài nguyên khổng lồ phát sinh sau những tác phẩm điện ảnh, truyền hình...”, bà Tina Chau, Giám đốc Bán hàng WBCP nhận định.

Theo thống kê của WBCP, trong suốt 30 năm qua, chỉ riêng hình ảnh của nhân vật Looney Tunes cũng đã đem lại lợi nhuận hơn 33 tỷ USD trong việc kinh doanh bán lẻ trên toàn thế giới kể từ những năm 90, và doanh thu hàng năm là hơn 1 tỷ USD.

Riêng với hình ảnh Tweetty, một nhân vật nhỏ trong Looney Tunes cũng đạt 500 triệu USD doanh số hàng năm và Baby Looney Tunes cũng đạt giá trị thương hiệu đã lên đến 1 tỷ USD.

Từ những thương hiệu thời trang lớn như Zara, Old Navy, GAP, Nike... đến những thương hiệu bán lẻ như Walmart, Kmart... thậm chí là các hãng điện tử như Apple, HP... đều sử dụng hình ảnh của WBCP để đưa vào sản phẩm của mình.

Theo ông Neal Rudge, sở hữu những hình ảnh bản quyền khiến người dùng tin tưởng hơn vào chất lượng của sản phẩm, tính thẩm mỹ trong thiết kế khi có dùng hình ảnh bản quyền cũng cao hơn. Nó như một bảo chứng không chính thức nhưng lại có tính thuyết phục rất cao.

“Ở thị trường Việt Nam, ngoài yếu tố kinh tế đang tăng trưởng tốt thì sự hội nhập, các phương tiện kết nối... khiến một bộ phận người trẻ đã biết đến các sản phẩm bản quyền này, họ sẵn sàng đón nhận xu hướng tiêu dùng của thế giới”, ông Neal Rudge chia sẻ.

Đó cũng chính là lý do vì sao nghiên cứu thị trường Việt Nam hơn 10 năm qua nhưng mãi đến nay, WBCP mới chính thức bước chân vào.

Bên cạnh đó, theo bà Tina Chau, trong năm 2012, 2013 cũng là thời điểm “vàng” để khai thác hình ảnh của các nhân vật hoạt hình.

Nguyên nhân chính là vào thời điểm trên, màn ảnh rộng trên toàn thế giới sẽ chào đón 2 siêu phẩm điện ảnh “The Dark Night Rises” (bộ phim Batman cuối cùng của Chris Nolan dự kiến sẽ phát hành 7/2012) và “Man of Steel” (bộ phim mới nhất về Siêu Nhân, khởi chiếu 2013).

Những loạt phim hoạt hình hấp dẫn khác dự kiến sẽ phát sóng bao gồm: The Looney Tunes Show, ThunderCats The Green Lantern. Theo kế hoạch, chỉ riêng chi phí marketing cho Batman cuối cùng cũng đã lên đến hàng triệu USD.

Như vậy, việc “ăn theo” hiệu ứng từ những siêu phẩm điện ảnh này cũng là cơ hội để tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. “Cơ hội của chúng tôi cũng là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi đang tìm kiếm những đối tác kinh doanh hàng đầu Việt Nam để tạo thêm cấp độ mới cho thị trường giải trí, bán lẻ tại đây”, bà Corol Tan, Giám đốc Pacific Licensing Studio, Trưởng đại diện văn phòng Việt Nam cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Xí phần" trên đất hứa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO