Xăng sinh học E5: Giải quyết bài toán nhiên liệu

MINH HÀO| 20/10/2015 02:18

Sau nhiều năm triển khai thí điểm, vào cuối tháng 11 tới đây, xăng sinh học E5 sẽ được bán tại tất cả các điểm kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM.

Xăng sinh học E5: Giải quyết bài toán nhiên liệu

Sau nhiều năm triển khai thí điểm, vào cuối tháng 11 tới đây, xăng sinh học E5 sẽ được bán tại tất cả các điểm kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM. Chương trình này nếu được triển khai đồng loạt trên cả nước sẽ phần nào giải quyết được bài toán nhiên liệu.

Đọc E-paper

Không thiếu nguồn cung

Từ 30/11 tới đây, các cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM sẽ bán xăng sinh học E5 thay cho A92 (không bán song song cả 2 loại như hiện nay). Đây là mục tiêu mà các doanh nhiệp (DN) đầu mối, tổng đại lý xăng dầu ở TP.HCM phải thực hiện theo lộ tình Chính phủ đã đề ra.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, hiện Thành phố có 9 đơn vị đầu mối cung cấp xăng dầu thông qua 6 tổng đại lý, 514 cửa hàng bán lẻ, hệ thống kho dự trữ xăng dầu có sức chứa đảm bảo đủ cung ứng và dự trữ cho thị trường.

Để tăng cường đầu ra cho E5, trong cuộc họp của UBND TP.HCM về lộ trình phân phối E5 hồi tháng 7, Phó chủ tịch Tất Thành Cang cho biết Thành phố đã tính đến việc yêu cầu chủ sở hữu các loại xe công phải sử dụng xăng E5.

Cũng với mục tiêu tăng lượng sử dụng xăng E5, Bộ Tài chính đã bổ sung quy định áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi là 9% đối với xăng E5 (mức thuế của xăng truyền thống là 14%).

Theo Sở Công Thương TP.HCM, hiện nay, các đầu mối kinh doanh xăng dầu, tổng đại lý đã chủ động đưa ra chính sách hỗ trợ để khuyến khích đại lý, cửa hàng phân phối xăng E5.

Đơn cử như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã có chính sách hỗ trợ cửa hàng chuyển đổi kinh doanh nhiên liệu truyền thống sang xăng E5. Petrolimex, Saigon Petro cũng có chính sách hỗ trợ đại lý, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5.

Theo bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, việc triển khai phân phối xăng E5 để thay thế một phần nhiên liệu truyền thống là phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện tốt cam kết của Chính phủ với quốc tế về giảm khí thải nhà kính.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hiện cả nước có 7 nhà máy sản xuất ethanol với tổng công suất 535 triệu lít/năm, đủ khả năng cung cấp ethanol để pha chế xăng E5, E10 đến năm 2016.

Trong đó, nhà máy nhiên liệu sinh học miền Trung của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (trong đó Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn chiếm 61%) có công suất 100.000m3 (100 triệu lít/năm) nhưng do nhu cầu còn ít nên mới vận hành 10% công suất.

Ông Đinh Văn Ngọc - Tổng giám đốc Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn cho biết, nhà máy sẽ nâng công suất lên 60% - 70% trong thời gian tới và lên 100% khi thị trường yêu cầu.

Bên cạnh đó, các nhà máy Đồng Xanh, Tùng Lâm và Bình Phước của Công ty cũng đã sẵn sàng cung cấp cho thị trường hơn 600.000/lít/năm/nhà máy.

Các nhà máy trong nước đảm bảo đáp ứng đủ nguồn cung nhiên liệu sinh học cho việc phối trộn xăng E5 đến năm 2016. Việc sản xuất nhiên liệu sinh học, phối trộn xăng E5 và vận chuyển ra thị trường được kiểm soát nghiêm ngặt nên người dùng yên tâm về chất lượng.

Hiện nay giá xăng sinh học E5 thấp hơn xăng khoáng khoảng 500đ/lít. Các chuyên gia cho rằng, giá bán xăng E5 vẫn có thể còn được giảm thêm.

Bởi giá xăng sinh học phụ thuộc vào cồn ethanol mà giá cồn càng rẻ và tỷ lệ cồn trong xăng E5 càng lớn càng giúp giá xăng giảm. Việc ethanol được sản xuất như hiện nay sẽ có điều kiện giảm giá và chắc chắn giá xăng E5 sẽ giảm theo.

Nhưng... vẫn khó

Việc đưa xăng E5 thay thế xăng A92 đã được triển khai từ nhiều năm nay. Từ năm 2010, PV Oil, Saigon Petro, một số tổng đại lý như Comeco... đã phân phối xăng E5.

Đến tháng 11/2014, TP.HCM có 58 cây xăng có kinh doanh E5 nhưng sau 7 tháng triển khai thí điểm chỉ phát triển thêm 2 điểm mới. Đến cuối tháng 8/2015, sản lượng tiêu thụ xăng E5 tại TP.HCM đạt bình quân 4.523m3/tháng, chiếm 3% tổng lượng xăng dầu cung ứng của Thành phố.

Nhiều DN, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu đã tích cực đưa xăng E5 vào kinh doanh nhưng việc phát triển mạng lưới vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân chính là do chi phí đầu tư bán xăng lớn trong khi hiệu quả kinh doanh thấp nên chưa thu hút được nhiều thành phần tham gia bán xăng.

Bên cạnh đó, thói quen sử dụng xăng A92 của người tiêu dùng cũng hạn chế sự phát triển của E5.

Bà Lê Ngọc Đào thừa nhận, việc phát triển mạng lưới cửa hàng bán xăng E5 chưa đạt kế hoạch do hiệu quả kinh doanh thấp, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN nên chưa khuyến khích họ thực hiện.

Tại cuộc tọa đàm "Gỡ nút thắt cho sản xuất và tiêu thụ xăng sinh học" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hồi cuối năm 2014, ông Nguyễn Sinh Khang - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, một trong những khó khăn chính dẫn đến việc nhiều DN chưa mặn mà đầu tư cho hệ thống cửa hàng xăng sinh học là chi phí đầu tư cửa hàng để chuyển đổi sang bán xăng sinh học khá tốn kém.

Trước thực tế này, hồi đầu tháng 9, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đã có công văn gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh kinh doanh xăng sinh học.

Ngoài các vấn đề về phân phối, cơ chế hỗ trợ DN kinh doanh xăng E5, đảm bảo nguồn cung, Hiệp hội đề nghị giảm giá bán xăng E5 thấp hơn nữa, cụ thể là thấp hơn xăng A92 khoảng 700 - 1.000đ/lít mới đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng.

>Xăng sinh học trở lại với giá rẻ hơn xăng A92

>Vấn đề tiêu thụ xăng sinh học E5

>Xăng sinh học sắp được bán trở lại

>TPHCM chính thức bán xăng E5 từ 1/12

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xăng sinh học E5: Giải quyết bài toán nhiên liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO