Xác lập chủ quyền kinh tế: Cách nào?

HỒNG NGA - BÍCH LOAN| 19/06/2014 09:26

Trong bối cảnh nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 20 tỷ USD năm ngoái, nhiều ngành hàng của Việt Nam đứng trước nhiều rủi ro lớn do nhiều năm qua đã quá lệ thuộc vào TQ.

Xác lập chủ quyền kinh tế: Cách nào?

Trong bối cảnh nhập siêu từ Trung Quốc (TQ) lên tới 20 tỷ USD năm ngoái, nhiều ngành hàng của Việt Nam đứng trước nhiều rủi ro lớn do nhiều năm qua đã quá lệ thuộc vào TQ, từ nguồn nguyên phụ liệu, đến thị trường tiêu thụ.

Đọc E-paper

Chính rủi ro cấp bách này một lần nữa cảnh báo doanh nghiệp (DN) Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách kinh tế Việt Nam về một tầm nhìn dài hạn, ở đó, tự chủ trong thương mại, đầu tư được xem như việc xác lập "chủ quyền kinh tế”, với các chiến lược đa dạng hóa thị trường, tự chủ nguyên phụ liệu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm...

Thoát "bẫy tự do thương mại"

Theo thống kê từ Ngân hàng HSBC Việt Nam công bố tại hội thảo "Doanh nhân và chủ quyền kinh tế” do Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với 9 hội ngành nghề của TP.HCM tổ chức vào sáng 11/6, TQ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, trong quan hệ kinh tế hiện nay, Việt Nam đang nhập siêu lớn từ Trung Quốc.

Cụ thể, năm 2013, Việt Nam xuất sang TQ 13 tỷ USD hàng hóa trong khi nhập khẩu từ nước này tới gần 37 tỷ USD. Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, những năm gần đây, TQ trở thành thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam. Hiện, tỷ trọng hàng nông sản xuất sang TQ chiếm 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Dệt may và da giày là hai ngành hàng chủ lực trong xuất khẩu của nước ta. Thế nhưng, đây cũng là hai ngành có tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu cao nhất. Năm 2013, tổng kim ngạch nhập khẩu của ngành dệt may và da giày lên đến 17,69 tỷ USD, trong đó, hàng từ TQ chiếm đến 6,38 tỷ USD.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan, kiêm Phó chủ tịch Hội Da giày TP.HCM, cho biết, phần lớn hàng hóa nhập từ TQ là hàng tiêu dùng (chiếm hơn 50% tổng cơ cấu hàng nhập khẩu). Điều đáng nói là các DN dệt may đang lệ thuộc nhiều vào nguồn cung nguyên liệu từ TQ.

Có đến hơn 50% số lượng vải nhập khẩu từ nước này được DN dùng làm nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Thậm chí, có những vật tư phải nhập khẩu 100% từ TQ như hóa chất nhuộm, vật tư trang trí đơn giản... Tuy nhiên, việc tìm thị trường nhập khẩu khác thay thế là không dễ khi có quá nhiều DN trong nước chỉ sản xuất hàng giá rẻ và nguồn nguyên phụ liệu các nước khác không đáp ứng được tiêu chí này.

"Đó là do nguồn cung nguyên liệu cũng như ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn quá yếu, trong khi đây là thế mạnh của TQ. Hơn nữa, hàng Việt Nam đang nghiêng về giá rẻ nên việc nhập nguyên liệu từ TQ là điều đương nhiên", ông Diệp Thành Kiệt cho biết.

Ngành lương thực thực phẩm cũng gặp phải khó khăn tương tự. Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, lâu nay, TQ vốn được xem là một trong những thị trường dễ tính và không yêu cầu cao về mặt chất lượng hàng hóa nên được DN Việt Nam ưa chuộng. Tuy nhiên, phần lớn hàng hóa xuất qua nước này là tiểu ngạch nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năm 2013, DN Việt Nam xuất sang TQ 6,6 triệu tấn gạo nhưng hàng xuất tiểu ngạch đã chiếm đến 1,4 triệu tấn.

Nỗi lo tụt hậu kinh tế song hành với nỗi lo đánh mất quyền tự chủ của Việt Nam trong hội nhập khiến không ít DN phải lo lắng về tình trạng mất cân đối của nền kinh tế. Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho rằng, nguy cơ khó khăn trong xuất nhập khẩu với thị trường TQ vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để DN chuyển đổi cơ cấu thị trường, nâng cao nội lực.

Để giúp DN, Sở sẽ kiến nghị lên UBND thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ bao gồm, thuế, thuế đất, các ưu đãi... nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là giải pháp căn cơ vừa có tính ứng phó cấp thời vừa cần thiết trong dài hạn để giúp DN trong nước giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên vật liệu từ thị trường TQ.

Theo các chuyên gia, muốn thoát khỏi "bẫy" hàng TQ thì việc tìm nguồn thay thế là yêu cầu bức thiết đối với DN trong tình hình hiện nay. Đã có nhiều DN ý thức được rằng lâu nay lệ thuộc quá nhiều vào thị trường TQ và đã tìm cách tháo gỡ bằng cách cơ cấu, phân bổ lại thị trường, đồng thời lập những vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát chất lượng từ nuôi trồng đến chế biến và tiêu thụ để tiếp cận các thị trường khác.

Nếu tăng xuất khẩu sang TQ thì cũng tăng xuất khẩu ở những thị trường Hoa Kỳ, châu Âu. Khi đã có những giải pháp này thì khi xảy ra rủi ro ở thị trường TQ, DN vẫn còn những thị trường khác để bù đắp. Điển hình như Công ty CP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (Garmex Saigon), trước đây, nguyên liệu TQ chiếm đến 70% trong tổng nguyên liệu sản xuất của Công ty, thế nhưng từ năm 2011, để giảm tỷ lệ hàng TQ, Công ty đã chuyển sang làm FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm).

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Garmex Saigon, cho biết, dù tỷ lệ nguyên liệu nhập từ TQ giảm đáng kể nhưng Công ty vẫn rà soát lại toàn bộ khâu sản xuất, thay thế nguyên liệu TQ bằng nguyên liệu Việt Nam và các nước khác. Chẳng hạn như với các loại vải đặc thù, có giá trị cao, Công ty thay bằng nguyên liệu Đài Loan, Hàn Quốc còn những nguyên liệu khác thì dùng hàng Việt Nam.

Ông Hùng tin rằng, giải pháp mà Công ty đưa ra sẽ được khách hàng chấp nhận. Bởi, 2 năm trước, Garmex Saigon đã từng thuyết phục được một khách hàng Mỹ chấp nhận nguyên liệu Việt Nam. Từ đó đến nay, đều đặn mỗi năm, Garmex Saigon mua 1 triệu mét vải nội địa để sản xuất sản phẩm cho đối tác này.

nhiều DN ngành nhựa đã dần thay thế nguồn nguyên liệu TQ bằng nguyên liệu từ các nước ASEAN. Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Rạng Đông, cho biết, do thuế nhập khẩu trong ASEAN đã hạ xuống 0% nên nhiều DN nhựa tăng cường nhập nguyên liệu từ những nước này.

"Hàng TQ có lợi thế lớn nhất là giá rẻ nhưng đó không còn là ưu tiên hàng đầu để DN chọn lựa. Hiện nguyêu liệu nhựa TQ nhập về VN đang phải chịu thuế trung bình 5% (trong khi các nước ASEAN bằng 0) nên đây chính là cơ hội để các DN từ bỏ nguồn nhập khẩu này", ông Lam nói.

Diễn giả và doanh nghiệp tham dự hội thảo "Doanh nhân và chủ quyền kinh tế” - Ảnh: Quý Hòa

Tự chủ kinh tế

Trước thực tế lệ thuộc quá nhiều vào nguồn hàng TQ, không gì khác hơn là phải đa dạng hóa thị trường, tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo phân tích của ông Diệp Thành Kiệt, mặc dù ngành dệt may và da giày Việt Nam lệ thuộc rất nhiều vào TQ nhưng ngược lại nguồn cung của TQ cũng đang cần đầu ra. Gần đây, ngành may mặc và da giày của TQ có giá thành cao nên các nước đã chuyển dịch sang nước khác. "Chúng ta mua nhiều của họ cũng đồng nghĩa với việc họ cần bán nhiều cho chúng ta. Đây là mối quan hệ hai chiều nên TQ cũng không dám ngừng cung cấp nguyên vật liệu cho Việt Nam", ông Kiệt khẳng định.

Dù dự đoán sẽ không có chuyện TQ ngừng giao thương với Việt Nam nhưng các chuyên gia cho rằng, những biến động chính trị gần đây với TQ càng khiến Việt Nam đẩy mạnh thay đổi, đa dạng hóa thị trường, cải cách nền kinh tế.

"Nhiều năm nay, chúng ta đã bàn nhiều đến việc chuẩn bị nguồn nguyên phụ liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Sự kiện lần này càng khiến chúng ta quyết tâm hơn, đẩy nhanh hơn các dự án phát triển nguyên phụ liệu, dệt, nhuộm mà hiện nay đang triển khai rất chậm tại các địa phương", ông Kiệt nói.

Do ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước và khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam kém nên khó có thể chuyển ngay việc tìm nguồn nguyên phụ liệu thay thế từ nước khác, nhất là khi một số chủng loại hầu như phải nhập toàn bộ từ TQ như thuốc nhuộm, hóa chất, phụ liệu trang trí... Sự lệ thuộc này chủ yếu là do DN chuộng hàng giá rẻ. Vì vậy, nếu DN chủ động tìm kiếm được các đơn hàng có phẩm cấp, có giá trị cao thì nguồn cung nguyên phụ liệu từ TQ sẽ còn chi phối rất nhỏ, gần như không đáng kể.

Cùng quan điểm này, bà Lý Kim Chi, cho rằng, Việt Nam đang trên đường hội nhập và phát triển bền vững, để giảm tối đa những thiệt hại có thể xảy ra do sự phụ thuộc vào kinh tế một số nước, đặc biệt là TQ, DN Việt Nam cần lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động tìm các nguồn nguyên liệu để thay thế nguồn nhập khẩu từ TQ.

Để giảm rủi ro trong xuất khẩu biên mậu, DN phải xây dựng chiến lược tiếp cận bài bản như tổ chức lại hạ tầng vận chuyển, giảm dần sản lượng xuất khẩu sang thị trường TQ, khai thác thị trường mới như Hàn Quốc, Nhật, Trung Đông, Nam Phi... đồng thời với viêc tập trung vào thị trường có tính bền vững như châu Âu, Hoa Kỳ, Úc...

Theo đại diện Hiệp hội Cao su Nhựa TP.HCM, DN nhựa thành phố đang phụ thuộc rất lớn vào TQ, phụ thuộc đến 90% máy móc và 80% nguyên phụ liệu, vật tư phụ trợ ngành nhựa. Tại buổi làm việc giữa UBND TP.HCM với các sở ngành, hiệp hội, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Cao su Nhựa TP.HCM cho rằng: "Nếu doanh nghiệp có thêm ưu đãi về thuế thì họ sẽ đẩy mạnh sản xuất thay vì nhập khẩu hầu hết từ TQ".

Bối cảnh giao thương với TQ hiện tại và những lợi thế khi tham gia các hiệp định thương mại quốc tế trong tương lai là cơ hội để Việt Nam thay đổi, phát triển mạnh nền kinh tế. Bởi nói như TS. Lê Đăng Doanh, nền kinh tế của dân tộc chỉ mạnh khi chúng ta có những DN lớn, có năng lực cạnh tranh cao trên trường quốc tế. Chẳng hạn như khi nói đến Nhật thì thế giới nghĩ đến Toyota, Honda, khi nói đến Hàn Quốc thì nghĩ ngay đến Samsung...

Việt Nam phải xây dựng được những DN lớn, có thể cạnh tranh với DN nước ngoài về mọi mặt. Vì nếu tiếp tục cạnh tranh về giá giống TQ thì chúng ta đang và sẽ "tự sát". Nhưng để làm được điều này, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường, phân tán quan hệ giao thương để tránh rơi từ sự lệ thuộc này sang sự lệ thuộc khác.

Cụ thể, Chính phủ cần đẩy mạnh hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác giao thương mới. Đi kèm với đó là hệ thống hành chính được điều chỉnh để hỗ trợ tối đa cho DN. Để hội nhập chủ động, một mặt kinh tế Việt Nam cần phát triển và hoàn thiện ngành công nghiệp phụ trợ để đáp ứng nhu cầu sản xuất, mặt khác nên xác định thế mạnh của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu và dồn lực để phát triển thế mạnh đó.

Cũng theo TS. Lê Đăng Doanh, việc đa dạng hóa quốc tế, đa dạng thị trường không đơn giản nhưng có thể làm được. Vì nếu càng áp lực thì chúng ta sẽ nhanh chóng thay đổi. Bởi, bài học từ hai lần cải cách trước đã cho thấy điều đó. Những năm 1990, khi Liên Xô sụp đổ, nguồn phân bón, dầu lửa vốn được nước này cung cấp không còn.

Trước tình hình đó, chúng ta đã xoay chuyển nhanh chóng bằng cách mua dầu lửa, phân bón của Irad, Ấn Độ... Việt Nam đang là quốc gia tích cực hội nhập nhất trong khu vực khi liên tiếp gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, WTO và mới nhất là những nỗ lực trong đàm phán TPP, FTA với châu Âu...

Tuy nhiên, sự hội nhập của chúng ta còn thụ động, như sử dụng chính sách giảm thuế, nguồn tài nguyên... để thu hút đầu tư nước ngoài. "Hội nhập chủ động là phải xây dựng thương hiệu DN mạnh, sử dụng công nghệ với sáng tạo cao để trở thành những biểu tượng của đất nước.

Việt Nam đứng bên cạnh nước láng giềng TQ vẫn được xem là công xưởng sản xuất của thế giới nên cần phải sản xuất những mặt hàng khác với nước này. Bởi, nếu chạy theo sau, sản xuất ra những sản phẩm tương tự thì sẽ không thể nào cạnh tranh được về giá”, ông Doanh phân tích.

Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho rằng, Chính phủ và DN cần chấp nhận thực tế Việt Nam không thể cạnh tranh trên mặt bằng giá rẻ nữa mà phải nâng chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nếu quyết liệt làm, Việt Nam sẽ đạt được thành công trong tương lai.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty CP may Sài Gòn 3:

Một nền kinh tế chủ động là vấn đề được đặt ra từ lâu, đặc biệt là sự chuẩn bị cho quá trình hội nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do (FTA)... Hiện, Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM (Agtek) thường tổ chức các hội chợ, hội thảo liên kết giữa các nhà sản xuất, xuất khẩu may mặc với các DN sản xuất nguyên phụ liệu ở Việt Nam và đã có những kết quả nhất định, nhưng do năng lực về sản xuất nguyên phụ liệu DN trong nước còn quá nhỏ, nên kết quả chưa cao. Tổ chức liên kết giữa các nước trong TPP như Malaysia, indonesia cũng đã có kết nối và khai thác một phần thị trường, song cũng chưa lớn lắm. Một mặt DN phải nỗ lực hơn, mặt khác, Nhà nước cần phải có những chính sách mạnh hơn, cụ thể hơn chứ không nên đi theo hướng lý luận nữa. Ví dụ: hỗ trợ thì hỗ trợ điều gì, về vốn, lãi suất hoặc các phương tiện đặc biệt trong ngành.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC):

Trải qua sự kiện trên Biển Đông, vấn đề về tính độc lập và tự chủ của nền kinh tế Việt Nam đã thực sự được nhìn lại. Theo tôi, để xây dựng một nền kinh tế tự chủ cần có sự đồng bộ từ 4 hướng. Thứ nhất, Nhà nước cần phải định hướng xây dựng nền kinh tế phát triển độc lập. Thứ hai, DN nhận thức việc phải xây dựng trên một nền tảng tốt, biết trang bị chiến lược kinh doanh để hạn chế rủi ro từ vùng nguyên liệu, đi đến hướng phát triển bền vững và không quá lệ thuộc vào bất kỳ một nhà cung cấp nào. Thứ 3, người tiêu dùng ý thức về tầm quan trọng của việc ủng hộ hàng nội địa, tiêu dùng thông minh và có trách nhiệm. Và xu hướng hiện nay là người tiêu dùng rất cân nhắc khi lựa chọn các sản phẩm có xuất xứ TQ. Vì xu hướng này dẫn đến nguồn cung hàng hóa cũng phải thay đổi, một số DN buộc phải tìm kiếm hàng hóa từ nhiều quốc gia khác. Thứ 4 là vai trò của các tổ chức hiệp hội trong việc hỗ trợ cho DN.

Bà Phan Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn, Tổng giám đốc Công ty TNHH TMTM:

Giải pháp đối với các DN ngành bánh kẹo là không đặt nặng mục tiêu ở thị trường Trung Quốc, mà chỉ nên xem đây là một cơ hội khi có điều kiện tiếp cận. Ngoài ra, nên nhắm đến những thị trường tiềm năng hơn, tốt hơn với các điều kiện về chứng từ bảo hộ. Từ thực tế này, các DN cũng nên nhìn lại định hướng sản xuất kinh doanh của mình. Trong đó, vấn đề đồng nhất trong chất lượng sản phẩm để bán được tất cả các thị trường với thế chủ động là yếu tố nên chú trọng hàng đầu. Chạy theo phong trào sẽ tạo ra nhiều rủi ro lớn. Câu chuyện được thể hiện rõ nhất đối với lĩnh vực nông sản, trước nay hầu như DN chỉ bán theo đường tiểu ngạch, đi như vậy không tạo được sự đồng nhất trong sản phẩm mà còn khiến mình bị rơi vào thế bị động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xác lập chủ quyền kinh tế: Cách nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO