Vướng từ bạn, từ ta

NGỌC VÂN| 31/12/2009 08:23

Nhiều DN đang trực tiếp kinh doanh hoặc xuất khẩu hàng hóa qua đại lý phân phối ở Campuchia, cũng như DN đang kinh doanh tại các khu kinh tế cửa khẩu phản ảnh họ gặp khá nhiều khó khăn.

Vướng từ bạn, từ ta

Nhiều DN đang trực tiếp kinh doanh hoặc xuất khẩu hàng hóa qua đại lý phân phối ở Campuchia, cũng như DN đang kinh doanh tại các khu kinh tế cửa khẩu phản ảnh họ gặp khá nhiều khó khăn. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã tổ chức khảo sát, tổng hợp thực tế những khó khăn của các DN đang làm ăn với Campuchia để gửi đến các cơ quan chức năng của Việt Nam và Campuchia nhằm có biện pháp hỗ trợ DN.

Khá nhiều khó khăn

Theo các DN, các mặt hàng kinh doanh tốt tại Campuchia hiện nay là thuốc bảo vệ thực vật; phân bón; giống cây trồng; bột mì; thực phẩm; gia vị; nước giải khát, bia; cà phê; bánh kẹo; hóa mỹ phẩm; quạt điện; nệm; đồ gỗ nội thất; trang phục lót; đồ nhựa; dây và cáp điện; đồ điện gia dụng; dịch vụ vận tải, lữ hành...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đến dự và cắt băng khai trương Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia Chi nhánh TP.HCM, hy vọng việc thanh toán sẽ dễ dàng hơn

Tuy doanh số mỗi năm đều tăng, nhưng những khó khăn DN gặp phải cũng không ít. Hầu hết DN chưa có thông tin đầy đủ, không nắm rõ chính sách, luật pháp của Campuchia nên chưa rõ DN nước ngoài làm ăn với DN Campuchia, hoặc đầu tư kinh doanh tại Campuchia có được pháp luật bảo vệ hay không và bảo vệ như thế nào.

Thị trường Campuchia còn rộng, nhưng thiếu thông tin nghiên cứu về thị trường chung và từng ngành hàng riêng để DN có thể nắm được nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng Campuchia, từ đó có kế hoạch kinh doanh phù hợp. DN đang làm ăn với Campuchia thường phải cập nhật thông tin thị trường thông qua nhà phân phối. Còn DN chuẩn bị làm ăn với Campuchia khó có được thông tin chính xác.

Thủ tục hành chính là điều DN ngán ngại nhất. Chính sách, luật pháp của Campuchia chưa thông thoáng cho việc kinh doanh, còn mang nặng tính xin - cho, thủ tục hành chính của Campuchia nhiều phiền hà. Thuế nhập khẩu chính ngạch vào Campuchia quá cao, dẫn đến giá bán cao, khó cạnh tranh với hàng Thái Lan, Trung Quốc, nên các DN Việt Nam thường xuất tiểu ngạch. Campuchia tính thuế nhập khẩu theo kilôgam, biết là không hợp lý nhưng DN Việt Nam cũng phải ráng chịu.

DN Việt Nam không nắm rõ chính sách thuế của Campuchia nên thường để đại lý tự lo việc đóng thuế, trong khi cơ quan thuế Việt Nam không chấp nhận tên người chuyển tiền không đúng với tên trên hợp đồng mà DN Campuchia đã ký với DN Việt Nam. Với DN Việt Nam, khi thấy khách hàng Campuchia thanh toán đủ là mừng rồi, không thể trả lại tiền rồi buộc họ làm đúng lại theo quy định của cơ quan thuế Việt Nam. Đây là một vướng mắc cần sớm được tháo gỡ. Thủ tục hải quan của Campuchia còn nhiều rườm rà, khó khăn trong công tác kiểm tra, thông quan, tốn nhiều chi phí khi làm thủ tục nhập khẩu.

Chi phí vận chuyển cao, do phía Campuchia chưa cho phép xe hàng chạy sâu vào nội địa, hầu như DN Việt Nam đều giao hàng tại các cửa khẩu. Chưa có nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa từ Việt Nam sang Campuchia, chưa có vận chuyển đa phương thức, chỉ mới vận chuyển bằng đường bộ. Kinh doanh chính ngạch với Campuchia, nhiều DN thanh toán chủ yếu qua ngân hàng, chọn cách nhận tiền truớc, giao hàng sau. Tuy nhiên, khi chuyển khoản, ngân hàng tính tỷ giá chênh lệch nhiều so với tỷ giá trên thị trường tự do. Thanh toán bằng hai loại tiền USD và riel, nhưng chuyển tiền khó, tốn kém chi phí.

Một số DN khó khăn trong thanh toán từ năm 2008 đến nay. Trước đây, khách hàng trả tiền trước, nhận hàng sau, nhưng giờ khách hàng chỉ trả trước một nửa số tiền, số còn lại sẽ thanh toán khi bán hết hàng. Mặc dù đã có chi nhánh các ngân hàng của Việt Nam tại Campuchia, nhưng nhiều DN chưa nắm rõ hệ thống thanh toán và các ngân hàng giao dịch tin cậy, vì vậy các ngân hàng cũng cần xem lại cách thông tin đến DN.

Một vài kiến nghị

Các DN cho rằng, các cơ quan chức năng cần xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam tại Campuchia bằng những chương trình truyền thông rầm rộ; xây dựng hình ảnh thân thiện của Việt Nam đối với người dân Campuchia, góp phần tạo sự ủng hộ hàng Việt Nam; hỗ trợ DN kinh doanh với Campuchia quảng bá thương hiệu trên các phương tiện thông tin ở Campuchia; tổ chức các hoạt động nâng cao hiệu quả thương mại của các khu kinh tế cửa khẩu; làm việc với các cơ quan chức năng ở Campuchia cho phép phương tiện vận tải Việt Nam được vào sâu lãnh thổ Campuchia.

Đại sứ quán, lãnh sự quán, tham tán, thương vụ Việt Nam ở Campuchia cần tăng cường hỗ trợ thông tin cho DN, báo cáo tình hình thị trường định kỳ (hằng tháng) gửi cho DN tham khảo; giúp các DN hiểu rõ về luật pháp Campuchia; giúp DN biết cách xử lý (cần đến pháp luật) khi khách hàng Campuchia không thực hiện đúng hợp đồng (nhất là thanh toán).

Bộ Công Thương và các tổ chức xúc tiến thương mại nên lưu ý hỗ trợ thông tin thị trường, thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng Campuchia, đối thủ cạnh tranh từ các nước khác; cần đa dạng hình thức xúc tiến xuất khẩu, hiện nay mới chỉ dừng ở hội chợ thương mại; cung cấp thông tin cập nhật về các chính sách của Campuchia, thông tin về các rào cản thương mại, các mặt hàng nhạy cảm. Ngân hàng có thể xem xét chính sách ưu đãi, giảm lãi suất cho vay đối với các DN đầu tư, kinh doanh tại Campuchia, cơ quan thuế Việt Nam giúp tháo gỡ vướng mắc về thanh toán.

Những DN Việt Nam bắt đầu kinh doanh tại Campuchia rất cần có các đơn vị làm cầu nối tìm đối tác, nhà phân phối tin cậy. Vì vậy, các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư cần thành lập các bộ phận tư vấn cho DN về pháp luật, thủ tục pháp lý và có chính sách bảo vệ người, tài sản của DN qua sự hợp tác với Campuchia. Có thể tổ chức gặp mặt tại Việt Nam hoặc Campuchia cho các DN hai nước tìm hiểu hợp tác.

Ở cấp độ nhà nước, Chính phủ Việt Nam có thể đề xuất với Chính phủ Campuchia giảm thủ tục nhập khẩu, giảm thuế nhập khẩu, có chế độ ưu đãi thuế đối với nhiều mặt hàng Việt Nam hơn nữa, nhất là hàng tiêu dùng mà Campuchia chưa sản xuất được nhằm giúp hàng Việt Nam xuất chính ngạch vào Campuchia nhiều hơn; cần có chính sách thật đơn giản về thủ tục, thuế, giảm thủ tục hành chính, có chính sách rõ ràng, lâu dài để thu hút nhà đầu tư, kinh doanh Việt Nam. Chính phủ Campuchia có thể giúp DN Việt Nam kiểm tra năng lực tài chính, thái độ tuân thủ pháp luật của DN Campuchia để tránh hành vi gian lận, lừa đảo và không thực hiện đúng hợp đồng được ký kết; cung cấp thông tin về DN Campuchia, kể cả các DN có tín dụng xấu...

Để góp phần hỗ trợ DN, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đang lập kho dữ liệu về thị trường Campuchia, chuyển trên website để DN có thể truy cập dễ dàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vướng từ bạn, từ ta
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO