Vốn nóng từ Nhật

MINH ĐẠT| 14/03/2012 05:29

Chưa bao giờ làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) giữa doanh nghiệp (DN) Nhật Bản và Việt Nam lại tăng cao như hiện nay. Dù là những nhà đầu tư quen thuộc nhưng không phải vì thế tiền đầu tư từ Nhật vào Việt Nam dễ dàng.

Vốn nóng từ Nhật

Chưa bao giờ làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) giữa doanh nghiệp (DN) Nhật Bản và Việt Nam lại tăng cao như hiện nay. Dù là những nhà đầu tư quen thuộc nhưng không phải vì thế tiền đầu tư từ Nhật vào Việt Nam dễ dàng.

Những thương vụ lớn

Công ty tư vấn RECOF (Nhật Bản) mới đưa ra con số được nhiều người quan tâm: “Có cơ sở để khẳng định, trong năm nay, số thương vụ M&A giữa DN Nhật Bản và Việt Nam sẽ tăng gấp đôi so với năm 2011, với ít nhất 32 thương vụ”.

Đây là một con số ấn tượng so với 21 thương vụ đã đạt được trong suốt gần 9 năm qua, kể từ khi thương vụ M&A đầu tiên diễn ra năm 2004.

Đặc biệt, công bố này diễn ra trong bối cảnh một loạt thương vụ mua bán cổ phần lớn vừa thành công, trong đó có thương vụ đạt giá trị lớn nhất tính đến thời điểm này là Mizuho Corporate Bank bỏ ra hơn 543 triệu USD để mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), cùng với các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu của Nhật Bản đạt hiệu quả kinh doanh tốt tại Việt Nam trong nhiều năm qua.

Kết quả một cuộc điều tra mới nhất của RECOF đối với 307 DN Nhật Bản đang niêm yết và các DN tư nhân quy mô lớn cho thấy, Việt Nam xếp thứ 3 sau Trung Quốc và Ấn Độ tại châu Á với tư cách là điểm đến đầu tư hấp dẫn thông qua M&A.

Ghi nhận từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy VCCI phải “xếp lịch” để đón nhiều đoàn DN Nhật Bản đã đến TP.HCM khảo sát và tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Đây là làn sóng đầu tư mới sau làn sóng đầu tư Nhật Bản thứ nhất với các thương hiệu già cỗi như Sony, Toyota, Honda...

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) nhấn mạnh, làn sóng này sẽ tiếp tục mạnh lên, đặc biệt là sau thông tin Thái Lan và Nhật đối diện với những nguy cơ thiên nhiên khiến các tập đoàn đa quốc gia của nước này dịch chuyển dần các cơ sở sản xuất sang Việt Nam.

Vốn lớn đường trường

Ông Shinichiro Hori, Tổng giám đốc Công ty CP Dream Incubator Việt Nam, nhà điều hành của Quỹ Đầu tư Công nghiệp DI Châu Á (DIAIF), đang quản lý khoản vốn 70 triệu USD, cho biết, quỹ này đang tìm kiếm các công ty Việt Nam để đầu tư và sẽ có tên hai công ty Việt Nam được công bố trong năm nay.

Đề cập đến các lĩnh vực DIAIF quan tâm, ông Hori tiết lộ, DIAIF cũng như các nhà đầu tư nhận thấy nông nghiệp và thủy sản là ngành nghề rất hấp dẫn ở Việt Nam, vì đây là lĩnh vực tiềm năng trong tương lai.

Tuy nhiên, trong quyết định chọn lựa các lĩnh vực để đổ vốn, ông Hori lại không liệt kê ngành này vào danh mục đầu tư. Nguyên nhân được xác định là do nhiều DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản đã đầu tư trái ngành, mà điển hình là đầu tư vào bất động sản.

“Có đến 30 - 50% danh mục kinh doanh của các công ty nông nghiệp hiện nay không thuộc ngành nghề cốt lõi. Chính điều này đã khiến nhà đầu tư Nhật thay đổi thái độ đầu tư”, ông Hori nói.

Đồng thời, nhà quản lý quỹ này cũng nhấn mạnh tiêu dùng, bán lẻ và sản xuất là những lĩnh vực luôn được DIAIF và các khách hàng Nhật Bản của xếp vào vị trí ưu tiên.

Một lo ngại khác của các nhà đầu tư Nhật Bản trong việc “bắt tay” với DN Việt Nam là hệ thống quản trị còn mang nặng tính chất gia đình, chưa chuyên nghiệp.

Hơn nữa, qua kinh nghiệm tìm hiểu và làm việc với 3.000 công ty Việt Nam, ông Hori nhận thấy khá nhiều DN Việt chưa minh bạch trong các giấy tờ, sổ sách kinh doanh. Đối với vấn đề quản trị DN, Nhật Bản có thể hỗ trợ vì đây cũng chính là lợi thế của Nhật Bản.

Tuy nhiên, với công ty đầu tư trái ngành hoặc không rõ ràng trong giấy tờ kinh doanh là điều khiến các DN Nhật Bản phải cân nhắc.

“Chúng tôi không đầu tư ngắn hạn mà đầu tư lâu dài,” ông Toshifumi Iwaguchi, Giám đốc Điều hành Công ty Recof, nhà tư vấn cho các thương vụ M&A của các công ty Nhật Bản nhấn mạnh.

Một thành viên trong Công ty Luật LCT Laywers, nhà tư vấn cho nhiều nhà đầu tư Nhật Bản và cũng đã tham gia một thương vụ M&A giữa Nhật Bản và Việt Nam đình đám trong năm qua nhận xét, làm việc với các đối tác Nhật Bản rất chuyên nghiệp, nhưng đối tác Nhật Bản cũng khiến không ít DN Việt Nam đau đầu.

“Các đối tác Nhật Bản thường rất cẩn trọng khi đưa ra quyết định của mình. Do đó, một dự án có thể mất hơn cả năm để đi đến kết luận có đầu tư hay hợp tác hay không. Thậm chí, có thương vụ đợi đến hơn cả năm sau để đi đến kết luận đó, DN trong nước đã nản hoặc thậm chí cũng mất luôn cơ hội tìm kiếm những đối tác khác trong trường hợp phía đối tác Nhật Bản từ chối làm ăn với họ”.

Về điều này, ông Toshifumi Iwaguchi, gợi ý, DN Việt Nam nên tìm cách làm việc trực tiếp với những người có thẩm quyền đưa ra quyết định, điều này có thể đẩy nhanh tiến trình làm việc giữa hai bên.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2011, TP.HCM đã thu hút 439 dự án với tổng vốn là 2,8 tỷ USD, riêng từ Nhật Bản có 61 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư đạt 154,8 triệu USD.

Trong số các DN, một số DN có vốn đầu tư lớn như Công ty CP Phát triển nguồn lực Việt - Nhật với hơn 600 triệu USD; AEON Việt Nam hơn 100 triệu USD; Hải Thành - Kotobuki 80 triệu USD; ISUZU Việt Nam 50 triệu USD.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vốn nóng từ Nhật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO