Vốn đầu tư Nhật Bản chảy mạnh vào Việt Nam

MINH HÀO| 18/03/2019 03:00

Dòng vốn từ Nhật Bản vẫn liên tục đổ vào Việt Nam khi các nhà máy sản xuất, các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ... thương hiệu Nhật đua nhau mọc lên tại các tỉnh - thành phố lớn của nước ta.

Vốn đầu tư Nhật Bản chảy mạnh vào Việt Nam

Các chương trình xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư Nhật Bản liên tục được thực hiện. Ảnh: X.TH

2019 được dự báo sẽ là năm tăng trưởng vượt bậc của nguồn vốn đầu tư Nhật Bản. Ngay từ đầu năm, các dòng tiền từ nước này đã chảy vào Việt Nam. Điển hình là trong tháng 1/2019, ba doanh nghiệp (DN) gồm Kyoshin, Katolec Global Logistics và Sews-Components Việt Nam II đã đầu tư đến vài trăm triệu USD để xây dựng nhà máy.

Trong lĩnh vực bán lẻ, Tập đoàn Ryohin Keikaku mới đây công bố sẽ thành lập công ty tại Việt Nam trong quý III năm nay. Lý do để Ryohin Keikaku thâm nhập Việt Nam vì “đây là một trong những thị trường trọng điểm của ASEAN, có dân số đông thứ 3 khu vực và có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, với 7,08% năm 2018”, theo chia sẻ của đại diện Ryohin Keikaku.

Cũng trong xu thế đó, ông Nishitohge Yasuo - Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam cho biết, Aeon sẽ mở thêm nhiều trung tâm mua sắm mới trong tương lai gần.

Link bài viết

Ngoài đầu tư trực tiếp, dòng vốn Nhật còn vào Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập. Điển hình là Tập đoàn Sojitz. Mặc dù có gần 400 công ty con và liên kết nhưng Sojitz vẫn không dừng việc “có mặt” tại các DN Việt Nam thông qua việc mua cổ phần của đối tác nội. Năm ngoái, Sojitz đã chi gần 2.000 tỷ đồng (hơn 91 triệu USD) để mua lại 95% cổ phần của Công ty Giấy Sài Gòn - DN sản xuất giấy nội địa lớn nhất Việt Nam. Thông qua thương vụ M&A này, Sojitz trở thành một trong ba nhà sản xuất giấy lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Ở lĩnh vực bất động sản, tháng 7/2018, Nishi Nippon Railroad đã cùng các đối tác Việt Nam (gồm Nam Long, TBS Group và Công ty TNHH Đầu tư Tân Hiệp) thành lập liên doanh đầu tư vào dự án khu đô thị tại Long An. Dự án có diện tích lên đến 355ha với vốn góp giai đoạn 1 là 6.900 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân khiến DN Nhật Bản liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, ông Kitagawa Hironobu - Trưởng Văn phòng đại diện Jetro tại Hà Nội cho rằng, đó là nhờ hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN Nhật Bản tại Việt Nam có lãi, và họ kỳ vọng vào khả năng tiếp tục có sự tăng trưởng doanh thu trong năm nay. Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư như chi phí nhân công rẻ, tỷ lệ mua nguyên liệu, linh kiện trong nước tăng lên... Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) cũng là động lực quan trọng thu hút các DN Nhật Bản đến với Việt Nam.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi từ môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, các DN Nhật còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ Nhật Bản và các cơ quan chức năng nước này. Đây là một phần của chương trình hỗ trợ DN Nhật tăng xuất khẩu hàng hóa ra thế giới và thị trường Việt Nam là một trong những điểm đến tiềm năng.

Trong khảo sát được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố hồi đầu tháng 3/2019 cho thấy, các DN Nhật Bản đánh giá cao thị trường Việt Nam vì đây là nơi mang doanh thu và lợi nhuận rất tốt cho DN. Cụ thể, có tới 65,3% DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam cho biết đang có lãi và 69,8% trong số đó sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh tại đây.

Không chỉ có DN mới có kế hoạch mở rộng đầu tư mà những DN được thành lập trước năm 2010 cũng quan tâm đến điều này. Số liệu khảo sát cho thấy, có đến 67,1% DN đầu tư vào Việt Nam từ trước năm 2010 có phương án mở rộng, và lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất là dịch vụ.

Các chuyên gia cho rằng, với đà tăng trưởng và phát triển đầu tư của Nhật Bản trong năm 2018 và 2 tháng đầu năm 2019, dòng vốn đến từ nước này sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Hiện nay, mặc dù đang đứng vị trí thứ hai về vốn đầu tư tại Việt Nam nhưng các DN Nhật Bản vẫn không ngừng tìm kiếm các cơ hội mới tại thị trường hơn 90 triệu dân này.

Mới đây, đoàn 40 DN Nhật Bản hoạt động trong các lĩnh vực thương mại tổng hợp, sản xuất máy móc, thiết bị, linh kiện, ô tô, ngân hàng, xây dựng, thực phẩm, hàng không... đã có chuyến tìm hiểu thị trường Việt Nam, tìm hiểu về tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Cũng trong dòng chảy đó, KCN Vĩnh Phúc vừa thêm 8 DN Nhật Bản đặt nhà máy sản xuất tại đây. Số liệu từ các cơ quan chức năng cho thấy, 4 lĩnh vực quan trọng được xem là mũi nhọn mới thu hút đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam gồm công nghiệp hỗ trợ, lao động, du lịch và nông nghiệp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vốn đầu tư Nhật Bản chảy mạnh vào Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO