Vỡ hai hay nát cả trăm?

CÁC NGỌC| 23/12/2009 08:23

Để thông tin đến bạn đọc một cách đầy đủ về thực trạng ngành kính, Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã tổ chức tọa đàm “Áp dụng biện pháp tự vệ: Nguy cơ độc quyền kính nổi?”.

Vỡ hai hay nát cả trăm?

Ngày 1/7/2009, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 3329/QĐ-BCT tiến hành điều tra việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm kính nổi nhập khẩu (NK) từ các nước/vùng lãnh thổ theo yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của Công ty Kính nổi Viglacera (VIFG) và Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam (VFG).

Hàng hóa phải điều tra là kính nổi có mã HS theo biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam là 7005.29.90.00 và 7005.21.90.00. Trong đơn yêu cầu, nguyên đơn (VIFG và VFG) cho rằng, số lượng kính nổi nhập khẩu đã tăng đột biến trong thời gian qua, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã nhận được thư của các doanh nghiệp sản xuất kính thành phẩm từ kính nổi nguyên liệu phản ảnh những điều chưa hợp lý trong yêu cầu điều tra của bên nguyên đơn. Để thông tin đến bạn đọc một cách đầy đủ về thực trạng ngành kính, Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã tổ chức tọa đàm “Áp dụng biện pháp tự vệ: Nguy cơ độc quyền kính nổi?”.

Sau khi Cục Quản lý Cạnh tranh có Báo cáo sơ bộ ngày 30/10/2009 và Phiên tham vấn công khai cũng đã được tổ chức ngày 20/11, các bên nguyên đơn và bị đơn vẫn tiếp tục đưa ra các chứng cứ, ý kiến phản hồi nhằm làm rõ đúng, sai của vụ kiện. Bị đơn trong vụ kiện này, ngoài các nhà xuất khẩu nước ngoài, còn có 100 doanh nghiệp (DN) trong nước đã nhập khẩu kính nổi thuộc đối tượng điều tra. Điều đáng lưu ý là hầu hết các DN nhập khẩu kính nổi lại chính là những nhà sản xuất kính thành phẩm, đã và đang sử dụng đến 70 - 80% nguyên liệu là kính nổi của nguyên đơn.

Than tồn kho vẫn tăng giá, không đủ hàng giao

Điều 6 Pháp lệnh Tự vệ quy định điều kiện để áp dụng biện pháp tự vệ là việc gia tăng hàng hóa nhập khẩu là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Để chứng minh yêu cầu của mình, bên nguyên đơn cho biết số lượng kính nổi nhập khẩu đã tăng đột biến trong thời gian ngắn: năm 2007 nhập 9.779,5 MT (đơn vị tính mã hóa theo Index 100); năm 2008 tăng lên 33.765 MT và quý I/2009 là 14.696 MT.

Theo nguyên đơn, các nhà sản xuất kính nổi trong nước đang chịu thua lỗ do sụt giảm lượng hàng và giá bán. Lượng hàng bán tại thị trường nội địa năm 2008 giảm 23,39% so với năm 2007; doanh thu giảm 1,87%. Theo nguyên đơn trình bày tại Phiên tham vấn, để cạnh tranh kính nhập khẩu, đồng thời duy trì công suất sản xuất kính nổi, họ phải giảm giá bán nội địa, nhưng tồn kho vẫn rất lớn.

Trong khi đó, các nhà sản xuất kính thành phẩm (bị đơn) khẳng định mặt hàng kính nổi đang thay đổi theo chiều hướng tích cực, chứ không ảm đạm như nguyên đơn nêu. Cụ thể: Kể từ tháng 6 đến tháng 12/2009, giá bán kính nổi của nguyên đơn đã tăng 7 lần với mức tăng khoảng 35%. Nguyên đơn cứ tăng giá theo mỗi lần giá dầu FO tăng, nhưng gần đây nhất, khi dầu FO tăng 2% thì giá kính của nguyên đơn tăng đến 3%, trong khi giá nguyên liệu chỉ chiếm 30% giá thành kính nổi. Như vậy, việc nhập khẩu không là nguyên nhân làm giảm giá kính nổi trong nước sản xuất.

Mặt khác, dù cho là còn hàng tồn kho nhưng việc cung cấp kính nổi nguyên liệu cho các nhà sản xuất kính thành phẩm rất hạn chế về chủng loại và số lượng. Ngày 26/11, Công ty cổ phần Phú Phong gửi công văn đề nghị VFG cho biết kế hoạch cung ứng hàng hóa, thời gian, sản lượng và quy cách trong thời gian tới với một số chủng loại kính mà Phú Phong đặt hàng. Ngày 4/12, VFG trả lời “lấy làm tiếc về sự thiếu hụt một số mặt hàng của VFG tại thị trường VN trong thời gian qua” và cho biết do miền Trung phải hứng chịu nhiều cơn bão trong quý III vừa qua nên ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng, chính là nhìn nhận không cung cấp đủ hàng cho nhu cầu.

Phía nguyên đơn khẳng định có đủ năng lực cung cấp mọi nhu cầu trong nước về kính xây dựng, nhưng thực tế các nhà máy kính nổi trong nước chưa sản xuất được kính phản quang, low E, kính trắng có độ dày trên 12mm, các loại kính màu đặc biệt như xanh biển, xám, trà... mà thị trường rất ưa chuộng và cũng không thể cung cấp các loại kính có chiều dài lớn hơn 3.658mm, là quy cách phổ biến trong lắp đặt công trình từ trước đến nay. Vì vậy, nếu không nhập khẩu những loại kính như trên thì các nhà sản xuất kính thành phẩm sẽ không có hàng cung cấp cho khách hàng.

Trên tinh thần ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong nước, các nhà sản xuất kính thành phẩm đã và vẫn đang sử dụng đến 70 - 80% nguyên liệu là kính nổi của nguyên đơn, tuy nhiên, họ luôn gặp khó khăn. Theo các DN, công ty xuất khẩu hàng vào Việt Nam cho thanh toán sau 10 - 30 ngày nhận hàng, giá ổn định lâu, luôn thông báo trước việc thay đổi giá bán.

Trong khi đó, các nhà máy trong nước thường yêu cầu thanh toán trước khi nhận hàng, thậm chí thanh toán trước 10 - 15 ngày (VFG tại Bắc Ninh), giá thay đổi liên tục và được áp dụng ngay khi có thông báo thay đổi. Điều này khiến các nhà sản xuất kính thành phẩm khó đàm phán ký hợp đồng với khách hàng và không kịp dự phòng.

Tự vệ hay tái lập vị thế độc quyền?

Báo cáo sơ bộ của Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, thị phần của ngành sản xuất kính nổi trong nước giảm liên tục, từ 97,4% năm 2006 xuống 96,2% vào năm 2007, 83,5% vào năm 2008 và chỉ còn 73,6% vào quý I/2009. Chính từ đó, hai DN nguyên đơn yêu cầu Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ với mức thuế tuyệt đối 0,6 USD/m2 đối với kính nhập khẩu (không phân biệt xuất xứ) trong thời gian 4 năm.

Các loại kính màu đặc biết DN trong nước chưa sản xuất được - Ảnh Quý Hòa

Đồng thời, trước mắt áp dụng ngay biện pháp tạm thời là đưa ra mức thuế nhập khẩu chung 40% đối với mặt hàng này (không phân biệt nước xuất khẩu) trong thời gian 200 ngày. Nói cách khác, ngoài mức thuế suất thông thường đang áp dụng trong khu vực ASEAN là 5%, ngoài khu vực là 40%, kính nổi nhập khẩu phải cộng thêm 40% thuế suất cho mỗi lô hàng khi nhập vào Việt Nam.

Có một lưu ý quan trọng mà hầu như trong Báo cáo sơ bộ cũng như Biên bản Phiên tham vấn chưa được Cục Quản lý cạnh tranh nêu ra. Đó là, hầu hết các DN trong nước trong diện bị đơn không đơn thuần là các nhà nhập khẩu mua đi bán lại mà là các DN sản xuất kính thành phẩm từ kính nổi, nên họ đồng thời là khách hàng của nguyên đơn.

Việc sản xuất kính thành phẩm sử dụng cho các ngành xây dựng, trang trí nội thất, ô tô, thiết bị điện tử, quang học..., đã hình thành nên một ngành sản xuất cung cấp cho một thị trường tiêu dùng lớn trong nước, ngăn chặn kính thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Lực lượng lao động trong 100 DN này bằng 5 lần hai DN nguyên đơn. Do đó, việc quyết định có áp dụng biện pháp tự vệ hay không phải xem xét cả đến tình trạng sản xuất, đến lực lượng lao động của các DN sản xuất kính thành phẩm.

Như đề cập ở trên, có những mặt hàng các DN nguyên đơn chưa sản xuất được, nên cần được loại bỏ ra khỏi đối tượng điều tra để không ảnh hưởng đến các nhà sản xuất kính thành phẩm. Còn nhìn chung, nguyên đơn nêu số lượng hàng nhập khẩu năm 2008 khoảng 8 triệu m2 quy tiêu chuẩn, chiếm chưa đến 10% tổng nhu cầu tiêu thụ tại Việt Nam, mà quy kết việc tăng nhập khẩu có thể làm các nhà sản xuất kính nổi trong nước có khả năng không tồn tại được hay bị phá sản là quá vội vàng.

Theo quy định của pháp luật về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, thời hạn điều tra là 6 tháng; nếu được gia hạn, thời hạn điều tra sẽ được kéo dài một lần không quá 2 tháng tiếp theo. Tính từ 1/7, đến 31/12/2009 Cục Quản lý cạnh tranh sẽ chấm dứt thời hạn điều tra chính thức.

Nguyên nhân thiệt hại của nguyên đơn nêu ra là do tồn kho, phải đập vỡ kính. Theo các nhà sản xuất kính thành phẩm, sự việc được nêu ra nhưng thiếu chứng cứ. Còn nhớ năm 2003 đã từng xảy ra một vụ căng thẳng giữa VFG và Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) cũng bởi VFG nói phải đập bỏ kính vì hàng tồn kho nhiều. Lúc đó, Viglacera đã cho rằng VFG hạn chế nguồn cung trên thị trường để giữ giá bán cao, thu lợi nhuận từ động cơ sâu xa là cản trở Viglacera tự đầu tư nhà máy kính nổi (nguồn: Vietnamnet).

Liệu lần này, yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của hai nguyên đơn có cần thiết khi lượng hàng của họ thực tế không đủ cung cấp. Nếu DN nguyên đơn vẫn cho rằng tồn kho của họ quá lớn thì Cục Quản lý cạnh tranh cần điều tra tích cực xem có hay không hiện tượng duy trì thiệt hại của các DN kính nổi trong nước với mong muốn áp dụng cho bằng được biện pháp tự vệ để tái lập độc quyền.

Khi đó, có thể còn phải xem xét hành vi găm hàng để chi phối cung - cầu, chứ không thể sơ hở mà tạo điều kiện cho DN nguyên đơn từ vị thế hiện đang thống lĩnh thị trường, dễ dàng độc quyền thị trường kính nổi trong nước, “làm giá”, gây khó khăn cho các nhà sản xuất kính thành phẩm - một lĩnh vực sản xuất không kém quan trọng trong ngành kính.

Mặt khác, nếu như trong tương lai gần, giá kính nổi nguyên liệu nhập khẩu cao, giá kính nổi trong nước cũng tiếp tục tăng, 100 DN sản xuất kính thành phẩm buộc phải ngưng sản xuất thì lãng phí đầu tư biết bao nhiêu và số người mất việc sẽ cao gấp 5 lần DN nguyên đơn. Chưa kể, kính thành phẩm không còn sản xuất trong nước nữa, kính thành phẩm nhập khẩu sẽ được dịp vào thị trường Việt Nam. Khi đó, kính nổi Việt Nam sẽ tiêu thụ ở đâu?


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vỡ hai hay nát cả trăm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO