Vấn nạn “phụ tùng nguyên con”

GIANG NGUYỄN| 07/08/2014 02:13

Một số đại lý ô tô luôn “tư vấn” khách hàng thay mới phụ tùng “nguyên con”, nguyên cụm “để đảm bảo an toàn”, với giá rất đắt.

Vấn nạn “phụ tùng nguyên con”

Nhiều người than phiền khi đưa xe ô tô của mình đi bảo trì, bảo dưỡng ở các đại lý chính hãng, thường bị “choáng”, vì bảng báo giá phụ tùng, sửa chữa có chi phí cao ngất ngưởng.

Có một thực tế là một số đại lý ô tô luôn “tư vấn” khách hàng thay mới phụ tùng “nguyên con”, nguyên cụm “để đảm bảo an toàn”, buộc khách hàng phải mở hầu bao, chấp nhận thay thế “nguyên cục” phụ tùng chính hãng với giá rất đắt nếu muốn an tâm vận hành xe. Ví dụ, hư cục đệm cao su, được tư vấn phải thay nguyên bộ phuộc nhún; mòn cổ góp, gây tiếp xúc kém, phải thay nguyên mô tơ; bể kính phải thay nguyên bộ gương chiếu hậu…

Không ít trường hợp, ở đại lý này thì nhất mực yêu cầu phải thay nguyên cụm phụ tùng với chi phí rất cao vì không thể sửa chữa, nhưng khi đưa xe qua một đại lý khác (cũng chính hãng ) thì chỉ cần sửa chữa, khắc phục nhẹ với giá thấp hơn nhiều mà xe vẫn vận hành bình thường.

Một hiện tượng khá phổ biến nữa là khi đưa xe vào đại lý sửa chữa, giả sử xe có vấn đề ở một bộ phận nào đó, nhân viên kỹ thuật không hề hỏi ý kiến của chủ xe, cũng không cần có sự chứng kiến của chủ xe, thường tự ý kiểm tra luôn cả những bộ phận khác không được yêu cầu, rồi báo lỗi, báo hỏng tùm lum kèm theo một bảng báo giá thay thế, sửa chữa “trên trời”.

Trong những trường hợp này, chủ xe dù rất “đau tim” với bảng báo giá nhưng còn hoang mang hơn với những lời “tư vấn” về tính an toàn nên thường buộc phải đồng ý thay mới toàn bộ. Nhiều chủ xe bức xúc không hiểu tại sao xe của mình đang vận hành bình thường, nhưng sau khi đưa xe vào bảo dưỡng, được đại lý “bí mật” kiểm tra thì phát hiện bị hỏng hàng loạt.

Thiết nghĩ, nếu đây là “sách lược” nhằm bán phụ tùng, thì nhà sản xuất đang “tham bát bỏ mâm”. Khách hàng, một khi biết mình bị “móc túi” một cách bất minh như vậy, chắc chắn sẽ mất lòng tin. Khi ấy, chút tiền mua phụ tùng thay thế mà người tiêu dùng bỏ ra chỉ như muối trong bể nếu so với thứ mà nhà sản xuất bị mất - uy tín của thương hiệu.

Nếu đây chỉ là “chủ trương” của các đại lý thì để bảo vệ uy tín thương hiệu, nhà sản xuất cần có thỏa thuận lại với các đối tác. Nhà sản xuất bảo vệ người tiêu dùng chính là đang tự bảo vệ mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vấn nạn “phụ tùng nguyên con”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO