Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2019: Sân chơi thời trang hay kinh doanh?

Minh Nguyễn| 28/04/2019 06:56

Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam 2019 (VIFW) mùa xuân - hè vừa khép lại hôm 16/4. Không một xu hướng nào được khuấy lên, không có dư vị đẹp đẽ nào đọng lại, và gần như cũng chẳng chút tác động nào đến người yêu thời trang hay thị trường thời trang Việt.

Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2019: Sân chơi thời trang hay kinh doanh?

Anh: DaiNgo Studio

Đi lệch mục đích thời trang

Năm nay, VIFW này có 17 show diễn (tăng một show so với mùa trước), gồm 12 show đến từ các nhà thiết kế (NTK), thương hiệu Việt Nam, 5 show đến từ thương hiệu quốc tế. Các bộ sưu tập (BST) trình diễn đa dạng hơn về ý tưởng, mang tính ứng dụng nhiều hơn. Trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, VIFW cũng được đề cập nhiều hơn so với hồi 2018. Tuy nhiên, có vẻ những sự cố từ chương trình như dùng dầu lau sàn runway, người mẫu vồ ếch, Võ Hoàng Yến té ngã, Minh Hằng lộn mèo trên sàn diễn... được nhắc đến nhiều hơn tính chuyên môn của chương trình này!

Các thương hiệu tham gia VIFW 2019 là những cái tên vừa và nhỏ, như Áo dài Minh Châu, Bảo Bảo House, Tiny Ink, Đức Vincie, Việt Tiến... hoặc "lính mới" tại thị trường phía Nam như Hà Linh Thư. Thương hiệu quốc tế có 2 NTK đến từ Hàn Quốc là Lie Sang Bong, Chung Chung Lee, nhà thiết kế Puglia Region (Ý), NTK Frederick Lee (Singapore), NTK Kit Woo (Malaysia). Dễ dàng nhận thấy, VIFW 2019 hoàn toàn vắng bóng những NTK tên tuổi của Việt Nam như Phương My, Công Trí, Lâm Gia Khang, Lê Thanh Hòa, Thủy Nguyễn... Với chừng này gương mặt và thiếu cân xứng về mặt chuyên môn, gọi đây là Tuần lễ Thời trang quốc tế liệu có hợp lý? Các NTK quốc tế sẽ hiểu thêm được gì về thời trang Việt khi những cái tên tài năng và có sức ảnh hưởng chẳng hề mặn mà với VIFW?

Có thể lập luận, những NTK tên tuổi của Việt Nam đã đủ sức, đủ tầm vóc để tổ chức những show diễn độc lập. Tuy nhiên, hãy nhìn ra thế giới, nơi các tuần lễ thời trang quốc tế ở New York, Milan, Paris... vẫn quy tụ các nhà mốt hàng đầu,  như Chanel, Gucci, Louis Vuitton... dù họ không thiếu những

khắp nơi trên thế giới đổ dồn về, những thương hiệu làm thời trang nhanh cũng không bỏ lỡ bất kỳ show diễn nào, bởi họ muốn và cần phải biết những show diễn ấy, màu sắc nào, xu hướng nào sẽ thống trị trong thời gian tới, từ quần áo cho đến phụ kiện, từ đó bắt tay vào sản xuất hàng loạt.

Điều này chứng tỏ, VIFW không đủ sức hút và tính chuyên môn để thẩm định, quy tụ các NTK để biến sự kiện này thành tuần lễ dành riêng cho thời trang, phản ánh thị trường sôi động và đa dạng trong năm, đồng thời dự báo xu hướng, sự dịch chuyển và những thay đổi của thời trang Việt.

Trong các BST của các NTK Việt Nam được trình diễn, đáng chú ý có trang phục ứng dụng của Chung Thanh Phong, trang phục thể thao - Citygym, Lý Giám Tiền chứng tỏ sự chắc tay trong đường cắt may và form dáng. Minh Châu và Bảo Bảo mang đến trang phục áo dài thể hiện được đặc trưng riêng của thương hiệu, có tính đồng bộ trong ý tưởng là điều đáng ghi nhận. Hà Linh Thư là "ngọn gió mới" của thời trang phía Nam với sắc hồng rực rỡ bay bổng trên lụa, phóng khoáng, phá cách, đậm dấu ấn cá nhân của người phụ nữ đến từ đất Bắc.

Các BST còn lại chỉ dừng ở mức bình thường hoặc phô diễn cầu kỳ quá mức, phần đông thiếu sự liên kết và đồng bộ về mặt ý tưởng. So với mặt bằng chung của những thương hiệu thời trang ngoài thị trường, chất lượng, ý tưởng của những BST này không có khác biệt đủ lớn. Vì vậy, sẽ rất khó để có một xu hướng, trào lưu nào đó được khơi nguồn từ VIFW xuân - hè 2019 và lan tỏa ra đời sống thường nhật như các tuần lễ thời trang đã làm.

Thương mại hóa sàn diễn

Điều đáng nói là VIFW 2019 đánh dấu sự thương mại hóa ngày càng rõ nét khi chương trình gắn thêm tên nhà tài trợ Aquafina. Không những vậy, màu sắc, slogan, cách trang trí sân khấu của VIFW đều bị chi phối bởi "cú bắt tay" này. Nhà tài trợ còn can thiệp sâu sắc vào 2 BST đến từ NTK Lý Giám Tiền và NTK Phan Nguyễn Minh Quân. Nếu logo thương hiệu Aquafina xuất hiện khắp nơi trong BST của Minh Quân thì ở màn chốt hạ đêm thứ nhất của Lý Giám Tiền, những chiếc vespa được đặt hẳn lên trung tâm sân khấu để người mẫu tương tác. Tên BST cũng gắn liền với thương hiệu - Vespa Primavera. Không những vậy, màu sắc trong trang phục của Minh Quân, trang phục khách mời như á hậu Hoàng Thùy, fashionista Quang Đại và nhiều người nổi tiếng khác đều bị chi phối bởi màu sắc của nhà tài trợ Aquafina! Sức sáng tạo của thời trang bị áp đảo bởi sự phô trương của thương hiệu để "trả xong quyền lợi khách hàng".

Tại sự kiện thời trang đường phố, không gian vốn được mở ra cho người trẻ tham gia thể hiện phong cách cũng được Ban tổ chức "tận dụng" tối đa để quảng cáo cho 2 thương hiệu tài trợ này.

Rõ ràng, mục đích của VIFW giờ đây là tạo ra một sân chơi "có thu phí” cho những nhà thiết kế và thương hiệu cần quảng bá như một triển lãm ngành hàng hơn là tạo ra sân chơi về thời trang. Ngay cả khi đã tìm được nhà tài trợ, NTK muốn tham dự VIFW vẫn cần bỏ thêm một khoản tiền từ 200-250 triệu đồng. Có hay không sự thẩm định, đánh giá nào về trang phục, form dáng, chất liệu từ những người có chuyên môn như tại Elle Fashion show hay các tuần lễ thời trang quốc tế? Đây là câu hỏi còn bỏ ngỏ...

Quảng bá muốn hiệu quả thì cần thu hút sự chú ý của công chúng. Những sự cố, những chiêu trò liên tục được dựng nên  một số show diễn tại VIFW chẳng khác nào show giải trí tạp kỹ thay vì quan tâm đến các thiết kế. Năm nay, phần thảm đỏ đã được khắc phục, tránh tình trạng làm lố, phản cảm như trường hợp của Tiêu Châu Như Quỳnh hồi 2018. Tuy nhiên, cũng cần đặt câu hỏi, đã đi đến mùa thứ 9 mà VIFW vẫn liên tục vấp phải hàng loạt vấn đề trên sàn diễn đến phía sau sàn diễn thì sự chuyên nghiệp nằm ở đâu?

NTK Đặng Trọng Minh Châu đến từ thương hiệu Áo dài Minh Châu sau đêm diễn 13/4 đã chia sẻ trên trang cá nhân về cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của Ban tổ chức VIFW từ khâu tổ chức, sắp xếp thời gian lộn xộn khiến NTK và khách mời hàng trăm người phải đứng đợi mỏi mòn mới được vào ghế ngồi. Đó là chưa kể hàng loạt lùm xùm liên quan đến việc không trả thù lao cho người mẫu, không trả quyền lợi truyền thông cho NTK tham dự...

"Với sự yếu kém trong khâu tổ chức cho đến khả năng thẩm định chuyên môn, VIFW đang đóng góp gì cho thời trang Việt? Hay chỉ đơn thuần là một sự kiện kinh doanh được thổi phồng uy tín?" - ông Tuệ Nguyễn, một cây bút trong ngành thời trang đặt câu hỏi. Đây có lẽ cũng là băn khoăn chung của những ai yêu thời trang, và đã từng kỳ vọng vào VIFW.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2019: Sân chơi thời trang hay kinh doanh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO