Tự chứng nhận xuất xứ hàng dệt may: Cần có hướng dẫn cụ thể

TƯỜNG LINH| 28/02/2019 07:00

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành dệt may, với quy mô dân số lên đến 500 triệu người và chiếm đến 13,5% GDP toàn cầu.

Tự chứng nhận xuất xứ hàng dệt may: Cần có hướng dẫn cụ thể

Hội Dệt may Thêu Đan luôn có mặt trên thương trường

Tuy nhiên, trong cuộc gặp mới đây giữa lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Hội Dệt may thêu đan (HDMTĐ) TP.HCM, một trong những vấn đề được ngành dệt may bức xúc nêu ra là, đang còn loay hoay với việc tự chứng nhận xuất xứ hàng dệt may theo Hiệp định CPTPP.

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HDMTĐ TP.HCM cho biết, các đơn hàng dệt may tập trung chủ yếu ở các thị trường trọng điểm có ký kết hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với Việt Nam (VN) và đặc biệt nổi lên thị trường các nước trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP).

Với mức thuế xuất khẩu một số sản phẩm giảm về 0% được kỳ vọng sẽ là động lực cho sự bùng nổ kim ngạch xuất khẩu dệt may đến thị trường các quốc gia thành viên CPTPP. Để được hưởng lợi ích từ CPTPP, các doanh nghiệp dệt may VN phải vượt qua tác động hai mặt của việc giảm thuế quan, đó là hàng hóa từ các nước mạnh về dệt may cũng sẽ tiến công vào thị trường VN với giá cả cạnh tranh.

Thậm chí nhiều hàng dệt may được bày bán dưới nhãn mác xuất xứ từ VN nhưng thật ra không phải. Các cơ quan chức năng chưa kiểm soát hết được việc này. Và đây là điều bất lợi cho hàng dệt may VN trên chính sân nhà. Tuy nhiên, tại thời điểm này, vướng mắc nhất đối với doanh nghiệp (DN) dệt may, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, chính là yêu cầu khắt khe của CPTPP về " nguyên tắc xuất xứ".

Quy định xuất xứ hàng hóa từ sợi trở đi của Hiệp định CPTPP có thể làm cho doanh nghiệp dệt may VN không dễ giải quyết điểm yếu, đó là sự phụ thuộc về máy móc, nguyên vật liệu vào một số quốc gia không tham gia Hiệp định CPTPP như Trung Quốc, Hàn Quốc... Nguồn sợi của VN không đủ và đa dạng cho các nhu cầu dệt may. Vấn đề sẽ làm giảm lợi ích có được từ việc tham gia CPTPP của VN.

Det-may-theu-dan-3554-1551155752.jpg

Ngay khâu tự xác nhận xuất xứ hàng hóa theo CPTPP thì doanh nghiệp dệt may cũng đang rất lúng túng. Nguyên liệu nội địa bao nhiêu phần trăm?  Phụ liệu bao nhiêu phần trăm? Tính chất nguồn nguyên liệu ra sao? Kiểm soát nguồn nguyên phụ liệu? Tất cả những vấn đề đó, DN xuất khẩu dệt may phải lập được hồ sơ chứng minh xuất xứ cho từng đơn hàng.

Điều này, các DN dệt may nhỏ vẫn chưa nắm được cách thức tự chứng nhận xuất xứ. Họ rất cần được hướng dẫn cụ thể, đào tạo, tập huấn... Tuy nhiên, cho đến nay, thời gian không còn nhiều, những lô hàng đầu tiên có thể đã chuẩn bị được xuất đi nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nào được cơ quan chức năng đưa ra.

Đại diện các DN dệt may trong HDMTĐ đều đồng tình nêu ý kiến: thời hạn hậu kiểm của ngành thuế, hải quan là 5 năm thật sự làm cho các DN dệt may nhỏ và vừa mệt mỏi. Với các DN lớn, có đủ nhân lực cho bộ máy hành chính hoạt động thì việc tập hợp hồ sơ thuế, hải quan trong vòng 5 năm là điều rất bình thường.

Nhưng với các doanh nghiệp nhỏ, mà dệt may thì đa phần đều nhỏ, các DN rất khó khăn khi phải thực hiện quy định này. Mỗi DN có 1 nhân viên kế toán, 1 nhân viên xuất nhập khẩu, trong 5 năm nhiều khi thay đổi nhân sự, việc theo dõi chứng từ là khó khăn. Vì vậy, nên chăng ngành thuế, hải quan nếu hậu kiểm thì thời hạn ngắn thôi, khoảng 2 năm là phù hợp với doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tự chứng nhận xuất xứ hàng dệt may: Cần có hướng dẫn cụ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO