Trước thềm ASEAN+: Doanh nghiệp cần gì?

DUY KHUÊ| 09/05/2014 02:40

DN Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, sản phẩm dịch vụ, đầu tư của các DN có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm lâu năm và có ưu thế về dịch vụ trên thế giới nói chung và trong khu vực nói riêng

Trước thềm ASEAN+: Doanh nghiệp cần gì?

Hội thảo “Giải pháp liên kết xuất nhập khẩu trước thềm ASEAN+” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM phối hợp tổ chức (ngày 7/5/2014) đã thu hút gần 300 đại diện doanh nghiệp (DN), chuyên gia, lãnh sự quán các nước tham dự.

AEC sẽ cộng hưởng nền kinh tế 10 quốc gia thành viên gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia, tạo thành khối sản xuất, thương mại và đầu tư lớn trên thị trường với khoảng 600 triệu người với tổng sản lượng (GDP) hàng năm đạt khoảng 2.000 tỷ USD
Cơ hội ở sân chơi lớn

Năm 2015, các DN Việt Nam sẽ tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC). Đây được xem là bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á, tiến tới mô hình cộng đồng kinh tế - an ninh - xã hội theo kiểu Liên hiệp châu Âu (EU).

Theo đó, AEC sẽ cộng hưởng nền kinh tế 10 quốc gia thành viên gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia, tạo thành khối sản xuất, thương mại và đầu tư lớn trên thị trường với khoảng 600 triệu người với tổng sản lượng (GDP) hàng năm đạt khoảng 2.000 tỷ USD.

Như vậy, trong tương lai, AEC có nhiều tiềm năng trở thành một trung tâm kinh tế sánh ngang với Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nga, mở ra nhiều kỳ vọng phát triển cho các DN Việt Nam nói riêng và cộng đồng AEC nói chung. Tuy nhiên, song hành với những kỳ vọng tươi đẹp cũng có không ít ý kiến quan ngại về những thách thức sẽ làm khó DN.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, AEC có 4 đặc trưng gồm: thị trường đơn nhất, không gian sản xuất chung; khu vực kinh tế có khả năng cạnh tranh cao; khu vực có sự phát triển kinh tế cân bằng và hội nhập toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu. Tất cả những yếu tố đó sẽ nhắm tới một khu vực ASEAN với sự tự do dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có kỹ thuật và tự do dịch chuyển dòng vốn.

“Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với thị trường ASEAN là 18,5 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2012; kim ngạch nhập khẩu đạt 21,3 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Do đó, có thể thấy đây là thị trường quan trọng có nhiều tiềm năng bởi tính năng động và vị trí chiến lược trong khu vực và trên thế giới. Khi AEC được thành lập, các DN Việt Nam sẽ có thị trường rộng hơn, cả trong khu vực và với thị trường mà ASEAN đã có Hiệp định FTA như Hàn Quốc, Nhật Bản… Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ hơn. Nhưng nhìn vào thực tế năng lực của mỗi quốc gia, nguy cơ phân hóa thu nhập sẽ khó tránh khỏi nếu chính phủ các nước thành viên thu nhập trung bình thấp không làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng phát triển nguồn nhân lực, ngành hàng chiến lược mà chúng ta đang có lợi thế” - ông Hải phân tích.

Chuẩn bị gì để nắm bắt cơ hội?

Khi bước vào sân chơi lớn, DN phải biết chấp nhận cạnh tranh và phải học cách kết nối
Theo các chuyên gia, khi AEC được thành lập, DN Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, sản phẩm dịch vụ, đầu tư của các DN có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm lâu năm và có ưu thế về dịch vụ trên thế giới nói chung và trong khu vực nói riêng. Việc không đáp ứng đủ điều kiện về quy tắc xuất xứ cũng có thể là một trở ngại làm DN Việt Nam không thể hưởng ưu đãi về thuế.

Chính sách mở cửa và quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế về thương mại hàng hóa cũng gây ra không ít thách thức gay gắt cho DN nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Tại hội thảo, đại diện một số DN cho rằng, DN đang vướng phải thủ tục do chính sách chưa hợp lý. Cụ thể, đối với việc phát triển sản phẩm mới, DN phải đầu tư nghiên cứu, đăng ký và đến khi cho ra thị trường cũng mất khoảng 1,5 - 2 năm/sản phẩm.  Trong khi đó, thời gian cấp chứng nhận của các cơ quan quản lý quá dài khiến đến khi sản phẩm đủ điều kiện đưa ra thị trường thì đã có rất nhiều mặt hàng tương tự được nhập khẩu.

“Đây thực sự là bài toán khó đối với DN, vì nếu cứ kéo dài cách làm này, DN nhập hàng về bán vẫn có hiệu quả hơn”, đại diện một DN chia sẻ.

Ngoài ra, câu chuyện vẫn còn kéo dài ở lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Các DN cũng cho rằng họ không thể cạnh tranh bằng chất lượng hàng Việt, vì từ con ốc đến những chi tiết nhỏ khác, DN đều không thể tìm mua được trong nước mà hầu hết phải nhập khẩu.

Còn theo ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch HUBA, để tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, các nước thành viên cần liên tục cải cách quy tắc xuất xứ, đưa những điều chỉnh cần thiết để thích ứng với những thay đổi trong quy trình sản xuất toàn cầu.

Ở góc độ chuyên gia, ông Võ Trí Thành cho rằng, khi bước vào sân chơi lớn, DN phải biết chấp nhận cạnh tranh và phải học cách kết nối. Nghĩa là DN phải chuyển dần từ cách thức cạnh tranh bằng giá sang chú trọng cạnh tranh “phi giá” (gắn với tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, giao dịch…).

Những vấn đề mà các chuyên gia và DN đặt ra đều cấp thiết. Theo ông Thành, để giải quyết được những điều này, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện các chính sách nhằm hài hòa giữa yêu cầu hội nhập và phát triển; xây dựng thể chế kinh tế đáp ứng các cam kết TPP, RCEP, VN-EU, FTA… Ngoài ra, Chính phủ cần xây dựng hình ảnh tốt về ứng xử Nhà nước/Chính phủ trong phục vụ công dân theo hướng minh bạch, có khả năng giải trình, đối thoại và có trách nhiệm quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trước thềm ASEAN+: Doanh nghiệp cần gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO