TPP: Ai đã sẵn sàng?

01/07/2015 08:45

Với ngành dệt may, doanh nghiệp nào sở hữu hệ thống dây chuyền sản xuất khép kín, làm chủ các yếu tố đầu vào, doanh nghiệp đó sẽ hưởng lợi từ TPP

TPP: Ai đã sẵn sàng?

Với ngành dệt may, doanh nghiệp nào sở hữu hệ thống dây chuyền sản xuất khép kín, làm chủ các yếu tố đầu vào, doanh nghiệp đó sẽ hưởng lợi từ TPP.

Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật “Quyền đàm phán nhanh” (TPA) cho phép tổng thống Mỹ Barack Obama quyền hạn lớn hơn trong việc chủ động thúc đẩy quá trình đàm phán với 11 nước khác thành lập khuôn khổ hợp tác quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP (12 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định TPP gồm New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Úc, Peru, Mỹ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật).

Với cơ chế TPA này, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền bỏ phiếu phê duyệt hoặc không phê duyệt, chứ không được quyền chỉnh sửa các hiệp định thương mại quốc tế mà Mỹ tham gia.

Mặc dù còn phải chờ Hạ viện Mỹ thông qua “Dự luật Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại (TAA), nhưng đây là một diễn biến thuận lợi giúp đàm phán TPP có thêm triển vọng kết thúc sớm hơn.

Nếu mọi chuyện suôn sẻ, TPP sẽ có hiệu lực từ năm 2017, sau khi được Quốc hội các nước thông qua.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một khi TPP được áp dụng, mức độ tự do hóa thương mại sẽ sâu rộng hơn, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn.

>>Tham gia TPP: GDP Việt Nam có thể tăng đến 30%

Đặc biệt, TPP không chỉ liên quan đến các vấn đề thương mại truyền thống (như mở cửa thị trường, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ..), mà còn cả thương mại mới (như doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công), phi thương mại (lao động, môi trường..).

Do đó, bên cạnh cơ hội là những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC), cho biết khi nhìn về TPP, ông cảm thấy ưu tư nhiều hơn.

Ông lấy ví dụ, trong ngành dệt may, để hưởng mức thuế 0% khi xuất khẩu vào các nước trong khối TPP, sản phẩm dệt may của Việt Nam phải đáp ứng được điều kiện là mọi công đoạn sản xuất “từ sợi trở đi” phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc tại các nước trong nhóm TPP.

Lâu nay, ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu chủ yếu từ các thị trường ngoài khối TPP như Trung Quốc, Đài Loan.

Bởi thế, theo ông Hùng, doanh nghiệp nào sở hữu hệ thống dây chuyền sản xuất khép kín, làm chủ các yếu tố đầu vào, doanh nghiệp đó sẽ hưởng lợi từ TPP.

Công ty Cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) được xem là một trong số ít các công ty dệt may có khả năng đón đầu cơ hội từ hội nhập TPP.

Những năm qua, TCM đã đầu tư vào các nhà máy sợi, dệt, đan, nhuộm và may. Đặc biệt, 4 nhà máy sợi với công suất 21.000 tấn/năm đang giúp TCM chủ động về nguồn nguyên liệu. Hiện nay, TCM mới chỉ sử dụng 35-40% lượng sợi để tạo ra khoảng 7-10 triệu mét vải mỗi năm.

>>Công nghiệp phụ trợ: Sợi, dệt đón TPP

Nguồn cung sợi, vải dư thừa trong khi công suất nhà máy may đã ở mức tối đa. Vì thế, TCM đang đầu tư mở rộng nhà máy may tại Khu Công nghiệp Hòa Phú (Vĩnh Long).

Theo dự kiến, khi nhà máy may đầu tiên của giai đoạn 1 (27 dây chuyền may) đi vào hoạt động cuối tháng 6 này, tổng công suất các nhà máy may của TCM sẽ tăng 33% lên mức 24 triệu sản phẩm/năm.

Theo đại diện TCM, nếu chạy hết công suất, nhà máy may sẽ đóng góp 30 triệu USD/năm, nâng tổng doanh thu dệt may của TCM lên 100 triệu USD/năm. Trong khi đó, xuất khẩu đang chiếm 95% doanh thu TCM với thị trường chính là Mỹ (hơn 40% doanh thu).

Với những lợi thế này, ông Kim Dong Ju, Tổng Giám đốc TCM, kỳ vọng TPP sẽ mang lại cơ hội lớn cho công ty. Tuy nhiên, trong báo cáo thường niên năm 2014, lãnh đạo TCM đã nhắc đến rủi ro về nguồn nhân lực khi Việt Nam gia nhập TPP.

Dù TCM đang duy trì nhân sự ổn định với khoảng 4.500 lao động, nhưng với yêu cầu không nâng năng suất bằng cách tăng ca (theo nội dung của TPP), đây vẫn là một thách thức.

Tiêu chuẩn về môi trường cũng buộc các doanh nghiệp muốn hưởng ưu đãi từ TPP phải chú ý đến vấn đề xử lý nước thải. Mới đây, TCM đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để giảm tác hại của dây chuyền nhuộm vải đến môi trường.

>>TPP giúp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp, cải thiện chất lượng sản phẩm

Trong lĩnh vực nông nghiệp, khi gia nhập TPP, ngành này sẽ đối mặt với nhiều quy định khắt khe về sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Đây đều là những vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm, trong khi lâu nay, nông nghiệp Việt Nam cạnh tranh chủ yếu bằng giá.

Bởi thế, theo ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế của VCCI, chất lượng là yếu tố quyết định mức độ sẵn sàng với TPP của các doanh nghiệp.

Trong mảng lúa gạo, chẳng hạn, công ty Bảo vệ Thực vật An Giang (AGPPS) được đánh giá là có khả năng đón bắt thời cơ từ TPP vì đã triển khai được chuỗi sản xuất gạo khép kín.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn, theo hình thức công ty cung cấp vật tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm đã cho phép AGPPS mở rộng vùng nguyên liệu lên 105.000 ha. AGPPS cũng đã đầu tư xây dựng 5 nhà máy xay xát chế biến.

Trong quá trình thu mua và chế biến, AGPPS đưa ra những yêu cầu gắt gao về chọn lúa và trang bị công nghệ khép kín đạt tiêu chuẩn BRC (chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, Anh), vượt qua 400 tiêu chuẩn của Nhật.

Và để đảm bảo lúa trong tình trạng tốt, AGPPS chỉ lưu kho 30-50 ngày. Ngoài ra, với đội ngũ Bạn Của Nhà Nông (FFs) hơn 1.300 người, công ty cũng hỗ trợ kỹ thuật và kinh nghiệm trồng trọt tốt nhất cho nông dân.

>>TPP có đáng giá để theo đuổi?

Tất cả những điều này giúp AGPPS sản xuất gạo đạt chất lượng tốt, độ đồng nhất cao, phục vụ thị trường xuất khẩu và nội địa. Đến nay, AGPPS đã xuất gạo sang các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, châu Âu và hiện có đơn hàng xuất khẩu gạo từ 32 quốc gia.

Ngành cảng biển cũng hứa hẹn sẽ rất tiềm năng khi Việt Nam gia nhập TPP cũng như gia tăng hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng từ TPP có thể phải chờ đến 5-10 năm sau khi hoàn tất hiệp định này.

Đặc biệt, chỉ những doanh nghiệp nào nắm giữ lợi thế về kho bãi, cảng, hạ tầng mới có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài khi mở cửa. Bởi lẽ, khối nước ngoài thường chỉ có ưu thế về nguồn hàng, đầu mối các hợp đồng.

Xét ở tiêu chí này, Công ty Cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam (VSC) là cái tên đáng chú ý. VSC đang khai thác cảng Greenport là cảng thường xuyên vượt quá công suất.

Greenport thuộc khu vực Hải Phòng, một vị trí đắc địa mà cùng với TP.HCM, 97% hàng hóa vận chuyển đường biển vào ra Việt Nam đã đi qua. Năm 2014, các cảng thuộc Hải Phòng đã chiếm 17,8% thị phần hệ thống cảng Việt Nam.

Từ năm 2009-2014, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực này đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 14,6%, cao hơn tốc độ tăng trưởng 8,1% của hệ thống cảng biển cả nước.

Với đặc điểm này, trong thời gian tới, hàng hóa qua cảng Greenport được dự báo sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt.

Công ty Chứng khoán BSC đánh giá, triển vọng của VSC càng sáng sủa hơn khi dự kiến vào cuối năm nay, cảng Vip Greenport sẽ bắt đầu đi vào hoạt động.

So với cảng cũ Greenport, cảng mới có vị trí thuận lợi hơn: nằm gần cửa biển, thuộc vị trí lý tưởng trong khu vực Nam Hải Đình Vũ, có khả năng đón các tàu có trọng tải 30.000 DW.

>>Dệt may thay mô hình đón chào TPP

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TPP: Ai đã sẵn sàng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO