Tín hiệu vui từ thực phẩm an toàn

MINH HÀO| 01/01/2017 06:18

Thịt heo truy xuất được nguồn gốc, trứng gà, trứng vịt vào chuỗi sản xuất an toàn là tín hiệu vui cho người tiêu dùng.

Tín hiệu vui từ thực phẩm an toàn

Thịt heo truy xuất được nguồn gốc, trứng gà, trứng vịt vào chuỗi sản xuất an toàn là tín hiệu vui cho người tiêu dùng trong thời buổi thực phẩm bẩn tràn ngập thị trường.

Đọc E-paper

Truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng smartphone

Hai tuần qua, quầy thực phẩm tươi sống của nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi như Co.opmart, Co.op Food, SagriFood, SatraMart, SatraFood, Lotte Mart... trở nên nhộn nhịp hơn bình thường. Đó là vì người mua tò mò về chiếc tem hàng có thể truy xuất nguồn gốc thịt heo. Tại đây, người mua có thể dùng điện thoại thông minh (có cài đặt ứng dụng Te-food) để kiểm tra heo do trang trại nào nuôi, cơ sở nào giết mổ, thời gian xuất trại, thời gian giết mổ... Không có smartphone, khách hàng cũng có thể kiểm tra bằng máy scan do các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trang bị.

Đây là chương trình nằm trong đề án nhận diện và truy xuất thịt heo bằng điện thoại di động nhằm mang thực phẩm an toàn đến gần hơn với người dân được Sở Công Thương TP.HCM vận hành từ ngày 16/12.

Hiện tại, chương trình bán thịt heo có truy xuất nguồn gốc được triển khai tại 346 điểm bán ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm như Co.opmart, Big C, Co.op Food, Sagrifood, SatraMart, Satrafoods, Lotte Mart, cửa hàng thực phẩm Vissan, siêu thị Auchan, Aeon Citimart...

Tất cả các điểm bán này đã được sơ đồ hóa trên phần mềm truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng sau khi tải phần mềm vào smartphone có thể dễ dàng tìm kiếm điểm bán trên ứng dụng đó.

>>Thế nào mới là thực phẩm sạch?

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, đề án này nhằm chỉ cho người tiêu dùng địa điểm bán thịt heo an toàn, bảo đảm có sự giám sát của cơ quan chức năng. Mặt khác, việc tổ chức chuỗi khép kín từ trang trại tới bàn ăn sẽ giúp người chăn nuôi chân chính bảo vệ thương hiệu và uy tín.

Cũng theo ông Hòa, chương trình sẽ được thí điểm đến ngày 1/3/2017 để tiếp tục có những điều chỉnh, bổ sung. Sau khi triển khai thành công tại các kênh bán lẻ hiện đại, việc truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng smartphone sẽ được áp dụng tại các chợ truyền thống.

Hiện tại, 100% tiểu thương và thương lái tại hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn đã đăng ký tham gia đề án này.

Đến lượt trứng gia cầm và rau an toàn

Không chỉ có thịt heo, trứng gà, trứng vịt và rau củ quả cũng được các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc. Tại Hội nghị Xây dựng ngành công nghiệp nông nghiệp Việt Nam do Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam) tổ chức ngày 18/12, DAA Việt Nam đã giới thiệu đề án ứng dụng công nghệ số trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm - “Sử dụng tem thông minh DAA STAMP truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thực phẩm an toàn”.

Đề án này sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng đầu vào của chuỗi sản xuất như phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật và người tiêu dùng cũng dễ dàng biết thực phẩm mình mua có nguồn gốc ở đâu, do ai nuôi trồng, chăm bón như thế nào.

Tại sự kiện, UBND TP. Hà Nội và TP.HCM đã ký kết 2 thỏa thuận hợp tác và khởi động mô hình thí điểm truy xuất nguồn gốc rau an toàn với DAA Việt Nam.

Công ty TNHH Thương mại xuất khẩu tổng hợp và Dịch vụ Hùng Nhơn (Bình Phước) và Công ty TNHH De Heus (thuộc Tập đoàn De Heus Hà Lan) cũng đã ký hợp tác đầu tư hơn 50 triệu USD (1.200 tỷ đồng) xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín an toàn, có truy xuất nguồn gốc mang tên “Thung lũng thực phẩm an toàn”.

Cụ thể, Hùng Nhơn và các đối tác sẽ mang đến cho người tiêu dùng thịt heo, trứng gà, rau củ quả, trái cây an toàn, có khả năng truy xuất nguồn gốc. Mỗi năm chương trình này có khả năng cung cấp ra thị trường 3 triệu con gà thịt, 1 triệu con gà đẻ, 1.600 con heo nái và 15.000 con heo thịt.

Cùng với thịt heo, gà, “Thung lũng thực phẩm an toàn” cũng đồng thời sản xuất và cung cấp rau củ quả có truy xuất nguồn gốc với sản lượng 900 tấn/năm.

>>Thị trường mùa Tết: Tăng nguồn thực phẩm an toàn

Đó là những hợp tác mới bắt đầu, còn hiện tại, Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đang thực hiện dự án trứng vịt có truy xuất nguồn gốc cùng với việc xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ trứng gia cầm để xuất khẩu.

Ông Trương Vĩnh Thiện - Giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, Công ty đang liên kết với các trang trại chăn nuôi vịt tại Đồng Tháp ứng dụng mô hình chăn nuôi vịt tập trung, có truy xuất nguồn gốc. Chi cục Thú y TP.HCM đã làm việc với Chi cục Thú ý Đồng Tháp tiến hành các thủ tục cần thiết để chứng nhận “Chuỗi thực phẩm an toàn” có truy xuất nguồn gốc.

“Việc đầu tư truy xuất nguồn gốc cho thực phẩm, mà cụ thể là với trứng gia cầm là xu thế tất yếu và là yêu cầu của thị trường. Với việc truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm của chuỗi sẽ có khả năng cạnh tranh cao, giúp trứng vịt không chỉ tiêu thụ tại Việt Nam mà còn xuất khẩu ra các nước”, ông Trương Vĩnh Thiện cho biết.

Không chỉ có Vĩnh Thành Đạt hướng đến việc xuất khẩu thực phẩm theo chuỗi an toàn mà lãnh đạo chương trình “Thung lũng thực phẩm an toàn” cũng nhắm đến thị trường phương Tây trong 2 năm tới. Theo đại diện của De Heus, sản phẩm của liên doanh này sẽ không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu, trước hết là ức gà, sau đó là các sản phẩm nông nghiệp khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tín hiệu vui từ thực phẩm an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO