Tiền đồng không mất giá

QUỲNH VŨ thực hiện| 30/07/2009 08:25

Tiền đồng của VN đã giảm xuống mức kỷ lục sau khi có những đồn đoán rằng một số công ty đang găm giữ USD bởi lo ngại tình trạng lạm phát sẽ gia tăng nhanh chóng.

Tiền đồng không mất giá

Tiền đồng của VN đã giảm xuống mức kỷ lục sau khi có những đồn đoán rằng một số công ty đang găm giữ USD bởi lo ngại tình trạng lạm phát sẽ gia tăng nhanh chóng. Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu Ngân hàng Nhà nước không có các biện pháp mạnh mẽ. Mặc dù vậy, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính đầu tư, nhận định rằng, tỷ giá USD/VND đang mạnh không phải do VND mất giá mà do USD được giải nén sau nhiều năm bị kiềm giá.

* Tỷ giá tiền đồng đã xuống tới mức thấp nhất là 17.860 đồng/USD. Như vậy, tính tới thời điểm này, đồng nội tệ của VN đã giảm 2,1% so với đầu năm. Ông nhận định vấn đề này như thế nào?

- Thực tế diễn biến tỷ giá USD/VND thời gian vừa qua chính là do nhu cầu mua USD từ một bộ phận dân cư. Tâm lý này bắt nguồn từ những thông tin không thuận lợi như tỷ lệ lạm phát tiếp tục tăng cao trong những tháng cuối năm 2009. Theo quan điểm của tôi, VND không bị mất giá.

Tôi cho rằng, thời điểm hiện tại, USD đang được giải nén sau nhiều năm bị kiềm giá. Mức tăng giá USD hiện nay vẫn chưa tương xứng và trong thời gian tới, tỷ giá này sẽ còn được điều chỉnh nhưng điều chỉnh có mức độ. Ngân hàng Nhà nước đang sử dụng phương án nới lỏng biên độ tỷ giá từ 3% lên 5% và sẽ để cho VND ở thị trường tự do (chợ đen) hạ giá trước, sau đó mới hạ giá VND thông qua tỷ giá hối đoái VND/USD để tránh những cú sốc mạnh.

* Theo ông, nguy cơ tăng trưởng bong bóng có xảy ra không khi các lĩnh vực chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu tăng nóng?

- Theo tôi, bong bóng bất động sản khó thể xảy ra trong năm 2009 này. Bởi hầu hết các kênh tín dụng về bất động sản đều bị Chính phủ kiểm soát chặt và linh hoạt. Nếu như năm 2007-2008, bình quân tín dụng bất động sản của các ngân hàng từ 25% nhảy vọt lên 50 - 70% khiến thị trường bất động sản được đánh giá là bong bóng thì năm nay, điều đó không thể xảy ra. Hầu hết các ngân hàng đều siết mạnh tín dụng bất động sản nên không thể tạo ra nguồn tiền ào ạt như trước.

Còn về lĩnh vực chứng khoán, thị trường vẫn có thể tạo được những đợt sóng lớn và bong bóng có thể xảy ra vào những tháng cuối năm 2009. Nếu VN-Index có thể tăng khoảng 600 điểm thì bong bóng chứng khoán sẽ xuất hiện.

* Theo ông, tính hiệu quả của các biện pháp chống lạm phát hiện nay như thế nào?

- Cho đến thời điểm này, chúng ta chỉ có thể gọi là lộ trình điều hành cân đối tiền tệ quốc gia và hạn chế lạm phát, chứ không thể gọi là các biện pháp chống lạm phát. Theo đó, Chính phủ đang áp dụng hài hòa rất nhiều biện pháp trong giai đoạn sau khủng hoảng, như chính sách tiền tệ linh hoạt, cân đối ngân sách (hạ tầng, an sinh xã hội...), điều tiết về giá (dầu, điện, giá thực phẩm...). Nếu thời điểm này của năm 2008, nhập siêu của VN khoảng 30 - 35% của GDP, thì nay chỉ ở mức gần 15% GDP (đã loại vàng ra). Tức là cán cân thương mại được cải thiện và chính sách hạn chế nhập siêu của Chính phủ đã phát huy tác dụng.

* Vậy theo ông, bản chất những “biến động” vừa qua có đáng lo ngại?

- Từ nay đến cuối năm, lạm phát có thể 8 - 10%, lãi suất sinh lời bình quân của các DN ở mức12 - 15%, trong khi lãi suất ngân hàng ở mức trên dưới 10%. Vậy có thể nói, kinh tế chưa có hiện tượng nào bất bình thường. Điều đáng lo ngại chính là tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của dân cư và DN, gây xáo trộn phần nào các hoạt động huy động vốn ngoại tệ và nội tệ. Song, quy mô của thị trường tự do so với thị trường chính thức là rất nhỏ, nên không thể gây nên những xáo trộn.

* Xin cảm ơn ông! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiền đồng không mất giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO