Tiềm năng bỏ ngỏ từ trái gấc

CẨM TÚ/DNSGCT| 27/02/2017 03:31

Nhiều tiềm năng nhưng ngành trồng gấc ở Việt Nam vẫn còn rất manh mún.

Tiềm năng bỏ ngỏ từ trái gấc

Gần 2 tháng trước, ông Go Ichiro - giám đốc một công ty phân phối thực phẩm có trụ sở tại tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) đến Việt Nam để tìm nhà cung cấp bột gấc chất lượng cao. Yêu cầu doanh nghiệp này đưa ra là sản phẩm bột gấc phải có bản test COA (certificate of analysis).

Đọc E-paper

Go Ichiro đã gặp gỡ nhiều nhà sản xuất bột gấc tại Việt Nam, tuy nhiên rất ít các nhà cung cấp có thể thỏa mãn được tiêu chí trên và khối lượng sản phẩm thu gom không được như ông mong muốn.

Những năm qua, lượng gấc xuất khẩu của nước ta liên tục tăng và hiện chưa có đối thủ. Theo nghiên cứu của Công ty cổ phần Nông nghiệp Đông Phương, sản lượng gấc Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đạt bình quân 500 - 1.000 tấn/năm, vào Ấn Độ khoảng 11 ngàn tấn/năm, vào Nhật 4,2 triệu tấn/năm, vào Thái Lan khoảng 1 triệu tấn/năm, vào châu Âu khoảng trên 2 triệu tấn/năm.

Các hãng dược phẩm lớn của Mỹ ví trái gấc là loại quả đến từ thiên đường và là thần dược cho sức khỏe. Một hãng thực phẩm chức năng cao cấp hàng đầu của Mỹ đã cho ra loại nước trái cây có thành phần chính là trái gấc Việt Nam và bán ra khắp thế giới với giá khoảng 70 USD/lít (đủ một người uống trong một tuần).

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư sản xuất các sản phẩm từ gấc để xuất khẩu cũng như cung cấp cho thị trường nội địa. Trên các tỉnh thành từ Bắc đến Nam cũng đã có những hộ nông dân khấm khá lên nhờ trồng gấc.

Gấc là loại cây rất dễ trồng, dễ sống, không sâu bệnh, tuổi thọ lên đến 15 - 20 năm. Một hecta gấc trồng đúng cách có thể cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.

Tiềm năng thế nhưng ngành trồng gấc ở Việt Nam vẫn còn rất manh mún. Trong khi các doanh nghiệp luôn than thở rằng nguồn nguyên liệu hiện chưa đáp ứng được đơn hàng lớn của nước ngoài thì tại một số địa phương, các hộ nông dân phải tạm gác kế hoạch trồng gấc do không tìm được đầu ra ổn định.

Cũng như các loại trái cây khác, trái gấc muốn vào được các thị trường khó tính thì cần có vùng nguyên liệu và quy trình kiểm tra chất lượng chặt chẽ. Những yếu kém trong tổ chức sản xuất, thu mua, quảng bá khiến con đường phát triển của trái gấc cũng gập ghềnh như xoài, thanh long, vú sữa…

>>Son môi từ... gấc

Trở lại với thị trường trong nước, mặc dù những năm qua người Việt chi tiêu cho các sản phẩm sức khỏe ngày càng nhiều (điển hình là lượng sâm nhập khẩu từ Hàn Quốc mỗi năm tăng gần 20%) nhưng lượng sản phẩm từ gấc được tiêu thụ trong nước vẫn còn khiêm tốn.

Theo nghiên cứu của Đại học Califonia (Mỹ), gấc chứa nhiều beta-caroten, lycopen và các hợp chất khác có tác dụng vô hiệu hóa 75% các tác nhân gây ung thư, chống oxy hóa, chống lão hóa tế bào, dưỡng da, chống suy dinh dưỡng và thiếu vi chất cho trẻ em… Các nhà sản xuất trong nước cũng nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm từ gấc với dầu gấc, nước ép, viên uống…

Tuy nhiên vì hoạt động quảng bá còn yếu nên nhiều người vẫn chưa biết đến công dụng của các chế phẩm từ loại trái đặc biệt này.

Quan sát cách người Hàn Quốc quảng cáo tiếp thị cho sâm, ta có thể hiểu vì sao mỗi năm Hàn Quốc thu đến vài tỷ đô la Mỹ từ loại cây trên. Sản phẩm từ sâm ở Hàn Quốc rất phong phú đa dạng, có hàng trăm chủng loại bày bán rộng rãi tại các cửa hàng trên phố, đại lý bán lẻ, siêu thị, hiệu thuốc, các chợ truyền thống cho đến cửa hàng online… Bên cạnh việc đầu tư bài bản vào vùng nguyên liệu – nghiên cứu và phát triển sản phẩm, ngành sản xuất sâm nước này còn nhận được sự hỗ trợ quảng bá ra toàn cầu từ phía chính phủ. Hằng năm, lễ hội nhân sâm tại tỉnh Geumsan luôn thu hút được lượng du khách lớn…

>>Tiềm năng lớn từ xuất khẩu cá cảnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiềm năng bỏ ngỏ từ trái gấc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO