Thủy điện: Hết thời "chặn nước thu tiền"

THĂNG NGUYỄN| 25/04/2013 04:38

Sau làn sóng đầu tư và phát triển ồ ạt, từ mô hình "chặn nước thu tiền", thủy điện đã biến tướng, trở thành một hệ lụy kéo dài không dễ giải quyết đối với các tỉnh Tây Nguyên và nhiều địa phương khác.

Thủy điện: Hết thời

Sau làn sóng đầu tư và phát triển ồ ạt, từ mô hình "chặn nước thu tiền", thủy điện đã biến tướng, trở thành một hệ lụy kéo dài không dễ giải quyết đối với các tỉnh Tây Nguyên và nhiều địa phương khác.

Đọc E-paper

Nhiều nhà máy thủy điện đang tự "thắt cổ” những con sông ngay tại lãnh thổ nước mình. Trong số đó phải kể đến sông Ba (Gia Lai) đang kêu cứu trước sự hoạt động của thủy điện An Khê - Ka Nak.

Không kém phần nghiêm trọng, không ít nhà khoa học cảnh báo hạ lưu sông Đắk Snghé cũng như sông Đắk Bla (tỉnh Kon Tum) có thể trở thành "cánh đồng khô” nếu thủy điện thượng Kon Tum tích nước và chuyển dòng.

Thủy điện cũng đang giết chết rất nhiều rừng, không ngoại trừ rừng nguyên sinh hay rừng phòng hộ. Theo ông Nguyễn Đức Đạt, chuyên gia Hội đồng Khoa học Năng lượng - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cả nước tính đến tháng 7/2012 có gần 30 công trình thủy điện trên 100 MW và hơn 200 dự án thủy điện vừa và nhỏ tổng công suất gần 10.000 MW.

Gần như cùng lúc, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ năm 2006 đến khoảng cuối năm 2012, thủy điện đã lấy gần 20.000 ha rừng, trong đó có tới trên 7.500ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.

Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng có con số cụ thể hơn: phải mất 16ha rừng mới lấy lại 1MW điện từ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ.

Sự bất cân đối nghiêm trọng này nhất thiết phải được xem xét lại các dự án thủy điện, nhất là khi rừng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng sinh thái, ổn định thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng đến cuộc sống con người.

Lương thực là yếu tố tối quan trọng cần được đề cập trong các đánh giá tác động của thủy điện đến đời sống người dân. Hiện nay, các vựa lúa trong nước đang đối diện với những khó khăn mang tính hệ thống, trong đó có vấn đề khô hạn.

Điển hình như khu vực tỉnh Quảng Nam, người dân sản xuất nông nghiệp vẫn ngày đêm chờ nước, do nguồn nước bị chặn tại thủy điện Đắk Mi 4.

Bên cạnh đó, chưa có những đánh giá cụ thể nào về việc người trồng lúa khốn đốn khi hạn và nhiễm mặn đang diễn ra gay gắt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhưng đó cũng là một cảnh báo khi các con sông bị chặn đứng ở đầu nguồn.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tổng nhu cầu tiêu thụ điện toàn hệ thống trong tháng 4/2013 tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2012. Trong khi đó, việc đầu tư cho nhà máy thủy điện là rất lớn. Do đó, nhiều nhà máy thủy điện vẫn đang cố "phóng lao phải theo lao".

Tuy nhiên, nếu tiếp tục kéo dài tình trạng hiện nay thì "nước cạn, rừng tàn, lương thực cạn kiệt". Không phải vô cớ mà mới đây, UBND tỉnh Kon Tum đã có thông báo chính thức loại bỏ 21 vị trí thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch.

Trước đó, tỉnh Gia Lai đã tiến xa hơn bằng việc đề nghị Chính phủ cho dừng phát triển thêm các dự án thủy điện tại địa phương. Tuy nhiên, hiện tại tỉnh Kon Tum vẫn còn tới 48 dự án thủy điện vừa và nhỏ, còn tỉnh Gia Lai có tới gần 100 dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thủy điện: Hết thời "chặn nước thu tiền"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO