Thương mại điện tử: Bỏ Beta, thẳng tiến 2.0

PHƯƠNG QUYÊN - ĐẶNG QUÝ YÊN| 27/11/2012 01:01

Trong xu hướng mới, TMĐT Việt Nam bỗng trỗi dậy với hàng loạt dự án đầu tư trong và ngoài nước, hứa hẹn sẽ làm bùng nổ thị trường với hàng loạt mô hình mới như: groupon, 123.vn, Lazada.vn, Zalora.vn...

Thương mại điện tử: Bỏ Beta, thẳng tiến 2.0

Dù "người khổng lồ” eBay đã vào Việt Nam khá lâu nhưng vẫn không đủ sức để kích thương mại điện tử (TMĐT) phát triển. Trong xu hướng mới, TMĐT Việt Nam bỗng trỗi dậy với hàng loạt dự án đầu tư trong và ngoài nước, hứa hẹn sẽ làm bùng nổ thị trường với hàng loạt mô hình mới như: groupon, 123.vn, Lazada.vn, Zalora.vn... Nếu ví như cuộc chạy vượt rào thì dường như ở thời điểm này, còn rất ít các rào cản đối với TMĐT, nên vấn đề là các doanh nghiệp (DN) phải biết chọn mô hình thích hợp để chạy nhanh hơn đối thủ.

E-paper

Dành hẳn 250 nhân lực, VNG quyết đánh lớn cho TMĐT và chọn đây là một trong ba mảng kinh doanh quan trọng nhất, dù trước đó mô hình 123mua.vn dường như chỉ là sự thử nghiệm.

VNG: Nuôi lại giấc mộng 123

Cuối tháng 10, VNG âm thầm khởi nghiệp một bộ phận mới: website TMĐT 123.vn, hoạt động theo mô hình kinh doanh B2C (Business to Customer), chuyên kinh doanh các sản phẩm chính hãng. Sau đó vài ngày, phiên bản nâng cấp của 123mua.vn, một trang web TMĐT hoạt động theo mô hình C2C (Customer to Customer), được thành lập từ năm 2006, cũng được ra mắt.

Có thể gọi đây là một cuộc ra quân tổng lực của VNG trong chiến trường TMĐT, địa hạt ghi dấu thất bại của rất nhiều DN nhiều năm qua, trong đó có cả VNG.

"Nếu như ngày trước, những người làm TMĐT phải đối diện với nhiều rào cản thì hiện nay, những rào cản cũ đã gần như được tháo dỡ", ông Nguyễn Hoành Tiến, Phó tổng giám đốc VNG, người trực tiếp điều hành hoạt động mảng TMĐT, nhận định.

Theo ông Tiến, điểm thuận lợi đầu tiên cho TMĐT là thói quen mua hàng trên mạng đã hình thành và đang lan truyền rất nhanh.

Không chỉ là nhân viên văn phòng, sinh viên, học sinh... mà ngay cả tiểu thương cũng bắt dầu tìm hiểu hoạt động giao thương trên internet để tìm cơ hội cũng như nắm bắt được xu hướng mua bán của người dùng để có thể đẩy mạnh hơn công việc kinh doanh của mình.

Bên cạnh đó, trong điều kiện cắt giảm chi phí để "sinh tồn" trong giai đoạn kinh tế khó khăn, các nhà sản xuất cũng đã bắt đầu chú ý kênh phân phối trực tuyến. Hiện nay, hầu như tất cả các đơn vị sản xuất đều đã góp mặt trên những "cửa hàng ảo".

"Điều đáng chú ý hơn cả là bản thân ngành cũng đã phát triển nhờ đội ngũ nhân lực chuyên môn đã có. Ngoài ra, cơ chế lẫn công cụ thanh toán đều đã tương đối hoàn chỉnh", ông Tiến nhận xét.

Chính vì những điều này mà VNG mạnh dạn thành lập một bộ phận riêng, chuyên trách về TMĐT. Đơn vị này vừa tuyển dụng hơn 250 nhân lực, thuê kho bãi và văn phòng riêng, tách biệt hẳn với "đại bản doanh" VNG nằm ở tòa nhà Flemington, Q.11, TP.HCM.

"Trong năm 2013, TMĐT chính là một trong ba mảng kinh doanh quan trọng nhất của VNG. Chúng tôi đầu tư cho mảng này hơn 2,5 lần so với năm 2011", ông Tiến tiết lộ.

Minh chứng cụ thể cho quyết tâm này là việc vận hành song song hai website TMĐT để không bỏ sót đối tượng khách hàng nào: 123mua tạo môi trường cho người mua, người bán gặp nhau và 123.vn - một trung tâm thương mại ảo, tập hợp sản phẩm của các thương hiệu, VNG sẽ là đơn vị trực tiếp bán, giao nhận hàng.

Không dừng lại ở đó, bản thân các DN hiện cũng đang âm thầm đẩy mạnh đầu tư TMĐT ngay trên chính website của mình để hỗ trợ kinh doanh.

Hầu hết các DN bán lẻ hiện nay đều có kênh TMĐT. Thậm chí, các website tin tức, báo chí cũng đều có mảng TMĐT hoặc đẩy mạnh các quảng cáo liên quan đến mua bán trực tuyến.

Ra mắt công cụ thanh toán SohayPay, cả VC Corp. và Techcombank đều cho rằng, những năm trở lại đây, TMĐT đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 DN đã có doanh thu từ TMĐT, chiếm trung bình 15% tổng doanh thu.

Bà Hoàng Ngọc Vy, Tổng giám đốc Viễn Thông A, chia sẻ, doanh thu từ kênh bán hàng trực tuyến hiện đang đóng góp 10% vào doanh thu của Viễn Thông A và vẫn đang trên đà phát triển.

Trên thực tế, nếu khách hàng mua sắm trực tuyến tiết kiệm được từ 100 - 500 ngàn đồng thì DN cũng tiết kiệm được chừng ấy tiền nhờ mô hình trực tuyến cho phép DN tiết giảm được rất nhiều chi phí. Ngoài chi phí kho bãi, giao nhận, DN không mất thêm các khoản phí "ngất trời" khác như mặt bằng, cơ sở vật chất, nhân viên...

"Do vậy, khi khách hàng đã có nhu cầu thì DN sẽ vào cuộc", bà Vy tiết lộ. Hiện, DN này đang đẩy mạnh đầu tư để trong năm 2013, con số tăng trưởng giao dịch điện tử tăng thêm 50%, nghĩa là sẽ đóng góp được khoảng 15% doanh thu toàn công ty.

Vẫn chưa đến giờ G

Nếu cách đây vài năm, TMĐT Việt Nam chỉ có cái tên eBay, Chợ điện tử là lớn nhất, thì hai năm trở lại đây, hàng loạt các thương vụ đầu tư lớn đã đổ vào thị trường này.

Đình đám nhất là IDG Ventures Việt Nam công bố sáp nhập hai công ty công nghệ thông tin là Nhóm Mua (nhommua.com) và Địa Điểm (diadiem.com) thành tập đoàn MJ Group.

Kèm theo việc sáp nhập này là thỏa thuận đầu tư trị giá 60 triệu USD của IDG Ventures Việt Nam, Rebate Networks, ru - Net Global vào MJ Group. Việc đầu tư của những tập đoàn hàng đầu thế giới vào MJ Group nhằm tiếp sức để MJ trở thành tập đoàn TMĐT lớn trong ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Theo nguồn tin không chính thức, mặc dù hiện tại, VC Corp. đã và đang sở hữu 6 kênh TMĐT đứng nhất, nhì thị trường, song, trong kế hoạch sắp tới sẽ còn ra mắt thêm 10 sản phẩm nữa.

Tuy nhiên, vụ lùm xùm tranh chấp nội bộ có nguy cơ dẫn đến tan vỡ Nhóm Mua và tương lai bấp bênh của mô hình groupon đem lại cái nhìn nghi ngại cho TMĐT đang có những động lực mới.

Theo báo cáo của Cimigo, có hơn 31% dân số Việt sử dụng internet và 95% trong số đó thuộc độ tuổi 15 - 24, lứa tuổi đam mê và nhạy cảm với công nghệ, cũng là những khách hàng chủ chốt của thị trường bán lẻ trực tuyến trong tương lai rất gần. Đó chính là lý do năm 2012 các DN đầu tư vào TMĐT để đón đầu xu thế.

Theo ông Ngô Quốc Dũng, Giám đốc Công ty Quảng cáo Jodric, đơn vị đang triển khai hàng loạt các dự án kinh doanh TMĐT, trong đó www.diathan.vn là dự án đầu tiên, nhờ sự bùng nổ và tác động của các trang groupon trên mạng internet mà TMĐT tại Việt Nam phát triển rất tốt và thói quen mua hàng trên mạng đã được hình thành.

Tuy nhiên, nó cũng hình thành luôn cả quan niệm mua hàng trên mạng là phải rẻ, phải "sale up" và đôi khi là mua hàng trên mạng thì chất lượng không đảm bảo.

Chính điều này sẽ gây khó khăn cho các DN kinh doanh TMĐT trong thời điểm hiện nay và cả trong tương lai.

Một thực tế không thể phủ nhận khác là phần lớn những trang mua bán trực tuyến trước nay đều thuộc sở hữu của các DN nhỏ và vừa. Điều này cho thấy mức độ và quy mô của ngành chưa xứng với tiềm năng. Trong năng lực hạn chế của mình, các DN nhỏ và vừa không thể đẩy mạnh đầu tư để môi trường TMĐT chuyên nghiệp hơn.

Phần đông các DN chưa thể liên kết, sử dụng dịch vụ giao nhận mà vẫn "tự thân vận động" là một ví dụ. "Tất cả cho thấy mầm mống của sự bùng nổ TMĐT ở tương lai gần. Trong bối cảnh như thế, việc các DN lớn đổ tiền đầu tư vào TMĐT hiện nay vẫn là bài toán tính trước nửa bước.

Nghĩa là, đầu tư để TMĐT phát triển để hưởng lợi về sau chứ hiện tại vẫn chưa là thời điểm gặt hái của TMĐT dù Việt Nam đã gieo hạt giống này hơn 10 năm qua", ông Nguyễn Hoành Tiến nhận định.

Điểm danh, nạp nhiên liệu

Chủ động nguồn hàng, thanh toán đơn giản và giao hàng đúng hẹn - các kênh TMĐT có sự đầu tư của nước ngoài đã giải quyết được những hòn đá tảng của TMĐT Việt Nam. Thị trường đang và sẽ chứng kiến cuộc đối đầu giữa hàng loạt tên tuổi như Zap.vn, Lazada, Zalora và Chợ ĐiệnTử/eBay và 123.vn.

Zap.vn còn khởi động, Lazada đã cán đích 10 triệu Lazada và Zalora đã tạo được chỗ đứng trên thị trường.

Tháng 2/2012, Công ty TNHH Một thành viên Giờ Giải Lao được thành lập, đưa Lazada và Zalora, thương hiệu của trang bán hàng trực tuyến khá phổ biến ở khu vực Đông Nam Á, bao gồm: Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia..., vào hoạt động tại Việt Nam.

Sau 4 năm hình thành và phát triển với đội ngũ nhân viên kinh doanh hung hậu và đội ngũ kỹ thuật chất lượng cao, Ngân Lượng.vn đã có hơn 300 nghìn tài khoản ví với 3,5 triệu người dùng, kết nối trực tiếp với hầu hết các ngân hàng và tổ chức thanh toán trong nước, hỗ trợ thanh toán cho hơn 10.000 website TMĐT và nội dung số, ước tính chiếm hơn 55% thị phần cả nước.

Được sáng lập bởi tập đoàn chuyên kinh doanh bán lẻ trực tuyến hàng đầu đến từ Đức, Lazada (tên miền tại Việt Nam là www.lazada.vn) có hẳn những công thức để chinh phục thị trường quốc tế nhưng riêng với thị trường Việt Nam, tập đoàn đã phải có những phương pháp riêng đề thích ứng.

Bà Phạm Quế Anh, Giám đốc Thương hiệu Lazada Việt Nam, cho biết, theo nghiên cứu điều tra PayPal, có 43% người tiêu dùng được hỏi không chọn hình thức mua hàng qua mạng vì lo sợ rủi ro.

Hiểu thói quen mua sắm của ngườiViệt Nam là ngại mua hàng khi chưa thể tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm và thị trường thì vẫn đang bị động trong cách thanh toán, trang web bán lẻ trực tuyến lazada.vn chấp nhận hoạt động hơi "phi TMĐT", nghĩa là cung cấp đầy đủ thông tin về sản phầm, rao bán, quảng bá... trên môi trường internet nhưng vẫn cho phép khách hàng thanh toán sau khi nhận hàng.

Trong trường hợp khách hàng không hài lòng về sản phẩm sau khi tiếp xúc, lazada.vn sẽ thu hồi mà hoàn toàn không thu một khoản phí nào.

"Nhờ chính sách đổi, trả hàng trong vòng 14 ngày sau khi nhận hàng, người tiêu dùng yên tâm về tính chủ động trong mua sắm không thua gì mua sắm theo phương thức truyền thống, mà còn hơn hẳn về tính tiện ích", bà Quế Anh chia sẻ.

Nhờ điều này mà chỉ sau 8 tháng hoạt động, Lazada đã cán mức 10 triệu lượt khách hàng tại thị trường Việt Nam. Điều đáng chú ý là Lazada không hề tận dụng lại đối tác của tập đoàn, mà triển khai kinh doanh độc lập, tìm kiếm đối tác lẫn khách hàng riêng của thị trường Việt Nam.

Chỉ trong một thời gian ngắn, thương hiệu này đã là đối tác của nhiều nhà sản xuất, có lượng hàng lên đến hơn 9.000 sản phẩm. "Chúng tôi cập nhật sản phẩm mới lên trang web hàng giờ để luôn tạo bất ngờ cho khách hàng", bà Quế Anh khẳng định.

Phân chia để có thể phục vụ đúng đối tượng, bên cạnh Lazada, trang web bán hàng trực tuyến, tập trung vào mảng thời trang, làm đẹp..., Zalora.vn cũng được tập đoàn đưa vào hoạt động.

Sau hơn 6 năm hoạt động, 123Mua.vn đã có 5.000 gian hằng trực tuyến hoạt động thường xuyên và số lượng này tiếp tục tăng trưởng 30% hàng năm. Mỗi tháng, 123Mua.vn tiếp nhận khoảng 7,5 triệu lượt người truy cập trên 80 triệu trang thông tin sản phẩm khác nhau, tạo nền tảng quảng bá và bán hàng trực tuyến tốt cho các chủ shop.

Thế mạnh của trang này là tính bảo chứng cho sản phẩm, bởi các sản phẩm, từ giày dép, quần áo..., kinh doanh ở trang ngoài những thương hiệu nổi tiếng còn có những sản phẩm mang thương hiệu riêng của Zalora.

Theo ông Charles Debonneuil, CEO Lazada Việt Nam, ngoài chất lượng sản phẩm, phương thức phù hợp..., bí quyết để có thể làm tốt TMĐT là tận dụng các công cụ quảng bá trực tuyến để cộng đồng người dùng internet biết đến thương hiệu.

Bản thân lazada.vn tốn khá nhiều chi phí để quảng bá trên các mạng xã hội Facebook, Zing, Google+... cùng các trang tin điện tử trong nước.

"Bản thân trang web của mình cũng phải được thiết kế thân thiện, dễ thao tác, nhiều hình ảnh, video... để hấp dẫn người dùng", ông Charles chia sẻ.

Một kho hàng lớn ở Bình Tân, TP.HCM, một đội ngũ nhân viên đông đảo, chỉ tính riêng Lazada đã lên đến gần 300 người, marketing liên tục..., có thể nói, đây chính là đối thủ "đáng gờm" cho DN trong nước.

Đợi một kết cục khác

Đối lập với công thức thích nghi mà những đơn vị nước ngoài sử dụng, DN trong nước lại hướng đến việc nâng mình lên, hoàn thiện các dịch vụ như mô hình kinh doanh TMĐT ở các nước phát triển.

Công ty PeaceSoft, đơn vị sở hữu Chodientu.vn là đơn vị tiên phong trong phong trào này. Để xử lý khâu thanh toán, PeaceSoft tiến đến việc phối hợp với Ngân hàng Sacombank và CyberSource thuộc Tổ chức Thẻ quốc tế VISA, trở thành Cổng thanh toán Thẻ quốc tế cấp một.

Khi mua hàng trực tuyến tại trang này, người mua chỉ cần nhập trước thông tin thẻ (Visa, MasterCard, JCB...) một lần duy nhất vào Ví điện tử, sau đó đăng nhập vào tài khoản Ví để thanh toán tại các website bán hàng chấp nhận thanh toán bằng NgânLượng.vn mà không cần nhập lại thông tin thẻ.

Ở khâu giao nhận, Peacesoft liên kết với 5 hãng chuyển phát nhanh, đưa công cụ shipchung.vn vào hoạt động, giúp các DN đang kinh doanh trên Chodientu.vn có thể dùng dịch vụ để giao nhận hàng hóa.

Với những đầu tư về mặt dịch vụ như thế, có thể nói, các bước của một quy trình TMĐT đã hoàn toàn khép kín.

Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, đã có khoảng 130 DN nộp hồ sơ đăng ký sàn giao dịch TMĐT, trong đó Cục đã xác nhận đăng ký cho 35 website sàn giao dịch. Từ 35 sàn giao dịch đã đăng ký, đến cuối năm 2011, Cục đã thống kê được lưu lượng giao dịch trực tuyến rất khả quan, với hơn 1,5 triệu giao dịch được ghi nhận trên 30 sàn, đạt tổng trị giá giao dịch hơn 4.130 tỷ đồng.

"Trong tương lai, việc các DN mở website bán hàng riêng sẽ phát triển song song với việc mở gian hàng trên các sàn giao dịch điện tử, tận dụng được nguồn khách hàng đông đảo của sàn để vừa giới thiệu, kinh doanh sản phẩm, vừa quảng bá website riêng của mình. Do vậy, đầu tư để khép kín các quy trình là chiến lược đón đầu", ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc Công ty Peacesoft, nhận định.

Bên cạnh đó, khi mở gian hàng trên các sàn giao dịch, DN được hỗ trợ nhiều công cụ quảng bá như SEO, Email Marketing, chạy quảng cáo trên mạng quảng cáo trực tuyến Adnet... sẽ giúp DN tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng hơn.

"Thực sự, với quy mô còn khá nhỏ như hiện nay, dù có sự tham gia của các tập đoàn quốc tế thì mức độ cạnh tranh trong ngành vẫn còn ở mức vừa phải, chưa khắc nghiệt", ông Nguyễn Hoành Tiến, Phó tổng giám đốc VNG, nhận xét.

Tuy nhiên, với những đầu tư và phương pháp đổi mới như hiện nay, đã có thể thấy được phần nào quyết tâm của các DN cả trong lẫn ngoài nước với TMĐT Việt Nam.

Không một chuyên gia trong ngành nào nhận định về tương lai của TMĐT Việt Nam trong thời điểm này. Bởi vì, đã có quá nhiều phát ngôn trước đó, phổ biến nhất là cụm từ "ba năm nữa, TMĐT cất cánh", nhưng không nhận định nào thành hiện thực cho đến tận bây giờ.

Đáng mừng là thay vì tiếp tục chờ đợi như trước nay, DN đã tiến đến, như lời ông Tiến, "đầu tư trước nửa bước". Rất có thể sẽ có một kết cục khác cho TMĐT Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương mại điện tử: Bỏ Beta, thẳng tiến 2.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO