Thương hiệu riêng trong hình ảnh chung

CÁC NGỌC| 28/10/2009 00:23

Cho dù đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý hay chưa, những đặc sản địa phương (ĐSĐP) hầu như mặc nhiên được nhìn nhận về chất lượng.

Thương hiệu riêng trong hình ảnh chung

Những tên gọi như bưởi Năm Roi, sầu riêng Cái Mơn, nho Ninh Thuận, thanh long Bình Thuận, nước mắm Phú Quốc, tôm khô Vinh Kim, mắm Châu Đốc, rau Đà Lạt... luôn khiến người tiêu dùng VN nghĩ về những đặc sản địa phương nổi tiếng. Việc tiêu thụ những loại nông sản, sản phẩm làng nghề đặc thù này đang có xu hướng tăng, nhưng người tiêu dùng đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng lẫn mẫu mã bao bì.

Cho dù đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý hay chưa, những đặc sản địa phương (ĐSĐP) hầu như mặc nhiên được nhìn nhận về chất lượng. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng đòi hỏi chất lượng ngày một cao, việc sử dụng thương hiệu chung chưa đủ tạo lợi thế thị trường cho các hộ, cơ sở sản xuất trong cùng địa phương hay làng nghề.

Sản xuất ở làng, lên thành làm thương hiệu

Tết năm nay sẽ có khoảng 1.500 trái bưởi hồ lô có khắc chữ Tài - Lộc được đưa lên TP.HCM

Ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu, nhiều tỉnh đã hướng dẫn cho các hộ, cơ sở sản xuất đăng ký nhãn hiệu tập thể hoặc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho ĐSĐP, như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long Bình Thuận, nước mắm Phú Quốc, mắm Châu Đốc... Một số hợp tác xã (HTX) đã làm tốt việc phát triển thương hiệu tập thể. Đáng chú ý hơn, nhiều hộ biết chắc sản phẩm của mình ngon nhất hoặc khác hẳn về hương vị nên cũng mày mò đăng ký độc quyền nhãn hiệu hàng hóa, như sầu riêng Chín Hóa, Ri 6, bưởi da xanh Ba Rô, bưởi Hoàng Gia, nho Ba Mọi, mắm Bà giáo Khỏe... Họ khẳng định, cần phải xây dựng thương hiệu riêng vì nếu các hộ, cơ sở sản xuất đều sử dụng thương hiệu chung thì khó quảng bá sản phẩm. Một điểm chung có thể nhận thấy, với thương hiệu riêng bên cạnh chỉ dẫn địa lý, dù là HTX hay cá thể, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn, mục tiêu hướng tới đều là thị trường đô thị, nhất là TP.HCM, Hà Nội để bán giá cao.

Cách đây 4 - 5 năm, giá vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cao nhất là 30.000 - 35.000đ/chục 14 trái, còn những trái loại thường tới mùa rộ bán chừng 4.000 - 5.000đ/chục. Không ai có thể ngờ vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã lần lượt soán ngôi măng cụt, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc để trở thành “trái vua”, hiện nay, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim bán sỉ cho hệ thống siêu thị Metro là 60.000đ/kg, bán cho tiểu thương chợ Long Biên (Hà Nội) có loại lên đến 100.000đ/kg. Có được giá bán cao như vậy là do ngay từ đầu, HTX đã xác định nhắm đến thị trường cao cấp ở thành thị, nên đặt ra yêu cầu khắt khe về chất lượng cho nhà vườn muốn tham gia chuỗi cung ứng này.

Cách làm thương hiệu của HTX là tham gia những hội chợ ở TP.HCM, Hà Nội, công bố quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn toàn cầu GlobalGAP. Hy sinh sản lượng để chú trọng chăm sóc từng trái vú sữa cho đến khi thu hoạch đạt độ đồng đều từ kích cỡ, độ bóng đến hương vị, năm 2008 lần đầu tiên chỉ có 7ha vú sữa của HTX được chứng nhận đạt tiêu chuẩn với sản lượng 70 tấn, đưa ra thị trường (không quảng cáo ồn ào), giá đã lên đến 60.000 - 100.000đ/kg. Năm nay, HTX đã có 52,4ha đạt tiêu chuẩn, thu hoạch khoảng 500 tấn, vẫn với giá bán cao như vậy mà chưa đủ cung ứng cho người tiêu dùng.

Theo các siêu thị ở TP.HCM, nhu cầu ĐSĐP hiện nay tăng cao, nhưng người tiêu dùng có khuynh hướng chọn sản phẩm có thương hiệu riêng nổi bật, chấp nhận mua giá cao hơn, nếu chắc chắn hàng mình mua là tốt nhất trong loại đặc sản đó.

Hiện nay, một số sản phẩm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã hội đủ yếu tố khác biệt, nhưng chính các cơ sở sản xuất không nhận ra. Đó là trường hợp của bánh tét Hai Lý nổi bật trong làng nghề bánh tét Trà Cuôn ở Trà Vinh vì được làm bằng nếp sáp hòa với màu xanh tự nhiên vò ra từ lá bồ ngót; bánh tét Chín Cẩm ở Cần Thơ có màu lá cẩm hòa với nếp, nhân bánh có thịt nạc và trứng muối; quýt đường ở ấp Long Trị, xã Bình Phú, huyện Càn Long, Trà Vinh có vị ngọt mặn hòa quyện đậm đà; bưởi Năm Roi hình dạng hồ lô của nhà vườn ở Hậu Giang. Những cơ sở sản xuất này đang được các chuyên gia hỗ trợ xây dựng thương hiệu để đưa hàng vào kênh siêu thị vào dịp Tết này.

Tạo khác biệt thôi chưa đủ

Người tiêu dùng TP.HCM đã dám bỏ ra vài trăm ngàn đồng để mua một cặp dưa hấu vuông chưng trong dịp Tết năm ngoái. Ông Võ Trung Thành cùng 22 hộ trong Câu lạc bộ Khuyến nông Phú Trí ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang đã thấy được lợi nhuận gấp 3 - 4 lần khi bán thử nghiệm 100 trái bưởi Năm Roi có hình dạng hồ lô với giá từ 200.000 - 300.000đ/cặp. Bưởi Năm Roi hợp với đất Châu Thành, Hậu Giang nên cho trái rất ngon, thế nhưng từ khi DN Hoàng Gia ở Vĩnh Long làm thương hiệu bưởi Năm Roi Hoàng Gia rồi thì nhà vườn ở Hậu Giang thấy khó làm thương hiệu nữa, bởi hình dạng bên ngoài và chất lượng bưởi không khác gì nhau.

Tình cờ phát hiện những trái bưởi bị kẹt trong cành có hình dạng hồ lô, vẫn lớn, ruột trái vẫn ngon bình thường, ông Thành đã nghĩ đến việc tạo sự khác biệt cho trái bưởi của hai xã Phú Tân và Phú Hữu, gắn cho nó hình ảnh “quà biếu lễ nghĩa”. Câu lạc bộ Khuyến nông Phú Trí cùng thử nghiệm đã cho kết quả tốt, Tết năm nay sẽ có khoảng 1.500 trái bưởi hồ lô có khắc chữ Tài - Lộc được đưa lên TP.HCM. Có sản phẩm khác biệt, nhưng ông Thành vẫn thấy lúng túng trong việc tạo giá trị gia tăng cho bưởi hồ lô sao cho nó thật sự hấp dẫn để duy trì giá bán tốt. Mặt khác, ông băn khoăn cách làm thương hiệu và bảo hộ độc quyền sáng chế loại bưởi này bởi ông đã từng nghe vụ tranh chấp độc quyền sáng chế dưa hấu vuông.

Tình trạng không khuếch trương được thương hiệu chung và cùng giữ vị trí số một cho làng nghề khi chính địa phương mình là nơi sản xuất sản phẩm đầu tiên đã xảy ra đối với làng nghề bánh phồng Cái Bè, Tiền Giang. bánh phồng sữa ăn liền xuất phát từ Cái Bè và nổi tiếng trước, nhưng làng nghề này chưa chú ý đến thương hiệu. Đến khi các cơ sở ở Bến Tre “nâng cấp” loại bánh này với chất lượng ngon hơn, làm bao bì đẹp hơn, tên bao bì còn in ba thứ tiếng Việt - Hoa - Anh, có cả hình ảnh và câu kêu gọi giữ vệ sinh môi trường, thì một số cơ sở sản xuất bánh phồng sữa Ở Cái Bè lo chống hàng giả bằng cách in chân dung chủ nhân lên bao bì hơn là tạo sắc thái mới cho thương hiệu của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương hiệu riêng trong hình ảnh chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO