Thương hiệu ngoại cũng gặp khó trên thị trường bán lẻ Việt Nam

HỒNG NGA - THANH NGÂN| 30/10/2018 08:28

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các thương hiệu bán lẻ lớn thế giới đã có mặt tại Việt Nam, thế nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thành công.

Thương hiệu ngoại cũng gặp khó trên thị trường bán lẻ Việt Nam

Parkson tiếp tục thu hẹp kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Q.Hòa

Parkson - thương hiệu bán lẻ với các trung tâm mua sắm cao cấp đến từ Malaysia là câu chuyện điển hình. Từng thành công rực rỡ và trở thành hiện tượng của thị trường bán lẻ Việt Nam trước đây, nhưng hiện nay Parkson đang phải thu hẹp hệ thống kinh doanh với số lượng còn chưa đến một phần ba so với trước.

Cụ thể, đầu tháng 10/2018, Parkson đã đóng cửa Parkson Cantavil - trung tâm mua sắm có vốn đầu tư 8 triệu USD với mặt bằng thương mại lên đến hơn 17.000m2, gồm một tầng hầm và 5 tầng kinh doanh, được đưa vào khai thác hồi tháng 12/2013. Là một trung tâm thương mại bề thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, khu mua sắm này trở nên vắng vẻ và các gian hàng thời trang liên tục đổi chủ, giảm giá, thanh lý hàng tồn.

Trước đó, 2 trung tâm mua sắm của đơn vị này là Parkson Flemington (quận 11) và Parkson Paragon (quận 7) cũng đã đóng cửa, trả mặt bằng cho chủ đầu tư. Hiện ở TP.HCM, Parkson chỉ còn 3 trung tâm đang hiện diện, gồm Parkson Saigon Tourist (quận 1), Parkson CT Plaza (Tân Bình) và Parkson Hùng Vương (quận 5). Trước đó, 4 trung tâm mua sắm của thương hiệu này tại Hà Nội cũng đã đóng cửa.

Theo báo cáo tài chính quý I/2018 của Parkson Retail Asia - Tập đoàn sở hữu và vận hành chuỗi Parkson tại Việt Nam, đơn vị này lỗ 24 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 7 liên tiếp thua lỗ tại thị trường Việt Nam. Trong năm tài chính 2016 - 2017 (bắt đầu từ tháng 7 năm trước và kết thúc vào tháng 6 năm sau), Parkson Việt Nam lỗ 67 tỷ đồng. Trước đó, năm 2015, công ty mẹ Parkson Retail Asia cũng lỗ đến gần 1.300 tỷ đồng tại Việt Nam.

Link bài viết

Thuộc Tập đoàn Lion Group của Malaysia, Parkson đã có mặt tại nhiều nước như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Campuchia... Vào Việt Nam năm 2005 bằng việc ra mắt trung tâm thương mại đầu tiên đặt tại quận 1, TP.HCM và sau đó phát triển ra Hà Nội, Hải Phòng. Thời đỉnh cao, thương hiệu này có đến 12 trung tâm, nằm tại các khu "đất vàng" và hàng hóa của Parkson từng được xem là chuẩn mực của sự cao cấp tại Việt Nam.

Thế nhưng, sau một thời gian kinh doanh, hầu hết các trung tâm của Parkson đều rơi vào tình trạng vắng vẻ và lần lượt đóng cửa.

Theo các chuyên gia phân tích thị trường, sở dĩ Parkson thất bại vì có chiến lược và mô hình kinh doanh không phù hợp với thực tế phát triển tại Việt Nam. Báo cáo về thị trường bất động sản gần đây của Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam cho thấy, xu hướng bán lẻ trong tương lai dự kiến sẽ tập trung hơn cho việc tạo ra những trải nghiệm mua sắm mới, các trung tâm thương mại trở thành địa điểm vui chơi, giải trí, trải nghiệm và trưng bày thay vì nơi mua sắm đơn thuần như trước.

Sự thay đổi về mặt "khẩu vị" của tầng lớp tiêu dùng mới khiến "nguồn cung" Parkson không gặp được khách hàng. Đã vậy, sự xuất hiện của các thương hiệu bán lẻ mới với mô hình kinh doanh hiện đại, cung cấp cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn gần đây đã khiến Parkson mất khách.

Không chỉ có nhà đầu tư đến từ Malaysia, thương hiệu đến từ Nhật Bản là Aeon cũng gặp không ít thử thách tại thị trường Việt Nam. Sau 10 năm có mặt tại Việt Nam, và 4 lần hợp tác với các đối tác trong nước nhưng đến nay chưa có "cái kết ngọt" cho nhà đầu tư đến từ xứ sở mặt trời mọc. Dù hiện nay, Aeon với phong cách mua sắm "tất cả trong một" đang rất thành công nhưng các mảng bán lẻ khác của thương hiệu này lại không hiệu quả. Điển hình là những thương vụ M&A với Fivimart, Citimart, Trung Nguyên mà doanh nghiệp này đã thực hiện thời gian qua.

Cụ thể, tháng 10/2018, sau 3 năm "kết duyên" cùng Công ty CP Nhất Nam (Fivimart), Tập đoàn Nhật Bản Aeon đã chuyển nhượng toàn bộ hệ thống bán lẻ Fivimart cho Vingroup. Không tiết lộ con số nhưng theo các chuyên gia là không nhỏ vì Fivimart có 23 siêu thị tại phía Bắc và TP.HCM.

Thời gian đầu, việc hợp tác với Aeon đã giúp doanh thu Fivimart tăng trưởng mạnh, có thời điểm lên trên 20%. Thế nhưng, sau đó mọi hoạt động của doanh nghiệp này không như tính toán và năm 2016, Fivimart lỗ 60 tỷ đồng, năm 2017 tiếp tục lỗ 23 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế của Fivimart đến cuối năm 2017 gần 200 tỷ đồng.

Trong khi đó, hiện tại Aeon vẫn còn mối lương duyên với Citimart nhưng hoạt động của hệ thống siêu thị này cũng không hiệu quả. Năm 2015, Citimart báo lỗ 91 tỷ đồng, đến năm 2016 tiếp tục lỗ 33 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của Citimart đến cuối năm 2016 lên 157 tỷ đồng.

Năm 2011, trước khi mua cổ phần tại 2 hệ thống siêu thị Citimart và Fivimart, đơn vị con của Aeon là Ministop đã hợp tác với hệ thống G7 của Trung Nguyên ra mắt chuỗi cửa hàng tiện lợi G7 - Ministop. Thế nhưng hoạt động không hiệu quả và chỉ sau đó 4 năm, Ministop đã ngừng hợp tác với Trung Nguyên và chuyển sang bắt tay đối tác Nhật Bản Sojitz.

Thật ra, khi vào Việt Nam, Aeon đã xây dựng chiến lược bài bản bằng việc kết hợp với các nhà bán lẻ địa phương để xây dựng hệ thống chân rết của mình ở những địa điểm chiến lược, nhất quán. Bằng việc kết hợp với 2 nhà bán lẻ Fivimart (có chuỗi 20 siêu thị trong cả nước) và Citimart (có 30 siêu thị ở phía Nam) cùng với kế hoạch phát triển hệ thống siêu thị Aeon cho thấy tham vọng của nhà đầu tư này rất lớn. Thế nhưng, vì chưa tìm được tiếng nói chung với đối tác mà chiến lược này phải tạm dừng.

Trong thông cáo công bố dừng hợp tác với Fivimart, Aeon xác nhận "phương hướng, tư tưởng, tầm nhìn chiến lược của 2 công ty có sự khác nhau". Vẫn xác định Việt Nam là thị trường quan trọng nhất tại Đông Nam Á, Aeon đang tiếp tục đầu tư các trung tâm mua sắm mới với kế hoạch đạt 20 trung tâm đến năm 2025. Hiện Aeon có 4 trung tâm mua sắm tại TP.HCM và đang xây dựng thêm 2 trung tâm thương mại mới tại Hà Nội và Hải Phòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương hiệu ngoại cũng gặp khó trên thị trường bán lẻ Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO