Thượng đỉnh Mỹ - Triều và cơ hội kinh doanh

PHAN THẾ HẢI| 27/02/2019 09:00

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội  đang là tâm điểm của dư luận thế giới. Triều Tiên, nền kinh tế yếu nhất khu vực sẽ thay đổi ra sao khi có cuộc gặp với nhân vật quyền lực nhất thế giới, Tổng thống Donal Trump? Thỏa thuận Hà Nội sẽ tác động thế nào đến kinh tế, chính trị toàn cầu và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp?

Thượng đỉnh Mỹ - Triều và cơ hội kinh doanh

Theo hãng tin Bloomberg, trong những năm 1970, nền kinh tế Triều Tiên có nhiều mặt vượt trội Hàn Quốc, nhưng khi Hàn Quốc có những chính sách kinh tế phù hợp đã tạo ra những bước phát triển vượt bậc, Triều Tiên đã nhanh chóng tụt lại phía sau và nhiều năm người dân nước này phải đối mặt với nạn đói.

Tính đến đầu năm 2019, thu nhập bình quân của Triều Tiên ước tính vào khoảng 1.300USD/người/năm, thấp hơn 20 lần so với Hàn Quốc. Ý thức được sứ mệnh chấn hưng đất nước, nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn tìm kiếm con đường hợp lý để đưa nền kinh tế đất nước này thoát khỏi trì trệ, trong đó đã cho phép thành lập doanh nghiệp tư nhân. 

Ông Kim đã có lần tiết lộ với truyền thông, Việt Nam không chỉ thành công về phát triển kinh tế mà còn về tái hội nhập quốc tế sau quãng thời gian dài bị cấm vận, cô lập. Một thập niên sau chiến tranh, Việt Nam đã đưa ra chính sách đổi mới với trọng tâm là thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân.

Lựa chọn Hà Nội cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, Ông Kim Jong- un muốn được tận mắt nhìn thấy sự phát triển của Việt Nam. Khác với hội nghị thượng đỉnh ở Singapore vào tháng 6/2018, trong hai ngày 27 và 28/2, tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ đi sâu vào các thỏa thuận cụ thể.

"Tuyên bố Hà Nội" tới đây sẽ đặt nền móng cho các nỗ lực hòa bình, bãi bỏ lệnh cấm vận và tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Khi bán đảo này được phi hạt nhân, những nước láng giềng sẽ không còn sống trong tâm trạng lo âu về một cuộc chiến tranh hủy diệt. Lúc đó các quốc gia sẽ toàn tâm toàn ý vào việc phát triển kinh tế mà không sa lầy vào những cuộc chạy đua vũ trang tốn kém.

thuong-dinh-my-trieu-va-co-hoi-9313-7037

TS. Nguyễn Thạc Hoát - Trưởng Khoa Tài chính - Đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thương hiệu quốc gia là vô cùng quan trọng, đặc biệt là với những nước đang phát triển và mới hội nhập quốc tế như Việt Nam. Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực không ngừng nhằm quảng bá hình hành quốc gia, thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch trên thế giới.

Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế không chỉ là một thành viên có trách nhiệm mà còn là một nước có vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế. Điều này đã được chứng minh bằng sự có mặt của hàng ngàn nhà đầu tư từ các quốc gia đến làm ăn, buôn bán.

Một trong những cách mà nhiều nước vẫn làm là đăng cai các giải đấu thể thao lớn như Thế vận hội hay World Cup nhưng phải đầu tư rất lớn. Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội với sự có mặt của hàng ngàn nhà báo của các nước sẽ giúp cho thế giới có thông tin đầy đủ và khách quan hơn không chỉ với Hà Nội mà còn với cả Việt Nam.

TS. Phạm Tất Thắng - nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Công Thương chia sẻ: Vấn đề bán đảo Triều Tiên được Mỹ và CHDCND Triều Tiên chọn Hà Nội để đàm phán cho thấy uy tín quốc gia của Việt Nam đã được những nước lớn thừa nhận. Hà Nội không chỉ là nơi đảm bảo an ninh cho các sự kiện lớn mà còn là nơi có thể quy tụ được những nhà lãnh đạo có chính kiến khác nhau ngồi lại để bàn chuyện hòa hợp.

Trong mấy thập niên qua, Việt Nam đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do và tăng trưởng kinh tế ở mức trung bình 6,6% suốt từ năm 2000 tới nay, nâng thu nhập bình quân đầu người trong 18 năm qua từ 400USD lên 2.600USD/năm.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội không chỉ củng cố uy tín của Việt Nam mà còn cho thấy Hà Nội càng được biết đến như một thành phố vì hòa bình.

Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế không chỉ là một thành viên có trách nhiệm mà còn là một nước có vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế và giải quyết các vấn đề quốc tế. Điều này đã được chứng minh bằng sự có mặt của hàng nghìn nhà đầu tư từ các quốc gia đến làm ăn, buôn bán. Chẳng hạn, trong năm 2018, vốn FDI tăng cao, đạt 35,46 tỷ USD, khu vực kinh tế FDI chiếm xấp xỉ 20% GDP của cả nước. Bước vào năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đổ về Việt Nam ngày một đông và đang trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiều dự án lớn.

Kinh nghiệm từ Singapore cho thấy, việc đăng ký hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần trước đã để lại nhiều ảnh hưởng tích cực đối với ngành khách sạn, nhà hàng và văn phòng cho thuê. Số người tới Singapore trong thời gian trong và xung quanh sự kiện ấy đã tăng hàng nghìn, bao gồm các đoàn chính phủ, an ninh, tùy tùng đi theo hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un, chưa kể hàng nghìn nhà báo.

Các chuyên gia kinh tế tính toán, mỗi vị khách tới Singapore đóng góp khoảng 1.500USD vào doanh thu của ngành dịch vụ, du lịch. Trước thềm cuộc gặp Mỹ - Triều, các doanh nghiệp Singapore đã có cơ hội kiếm tiền nhờ vào "cơn sốt thượng đỉnh", bao gồm tổ chức sự kiện, bán đồ lưu niệm... Dĩ nhiên là chính phủ của nước đăng cai phải đảm bảo về chi phí an ninh.

Kinh nghiệm từ Singapore là vậy, còn với Việt Nam, khi tổ chức tốt hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, không chỉ uy tín, thương hiệu quốc gia được nâng lên mà còn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thượng đỉnh Mỹ - Triều và cơ hội kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO