Thực phẩm VietGAP: Chưa thể "về đích"

HỒNG NGA| 20/12/2015 02:12

Thực phẩm VietGAP đã được người tiêu dùng quan tâm khi số lượng tiêu thụ tại các siêu thị ngày càng tăng. Thế nhưng, để thực phẩm VietGAP "phủ chợ" thì còn phải... chờ!

Thực phẩm VietGAP: Chưa thể

Thực phẩm VietGAP đã được người tiêu dùng (NTD) quan tâm khi số lượng tiêu thụ tại các siêu thị ngày càng tăng. Thế nhưng, để thực phẩm VietGAP "phủ chợ" thì còn phải... chờ!

Đọc E-paper

Khó xuống chợ

Ở kênh thương mại hiện đại, thực phẩm VietGAP rất được NTD chào đón và số lượng tiêu thụ ngày càng tăng. Chẳng hạn như tại hệ thống siêu thị Co.opmart, mỗi ngày, có khoảng 45 - 50 tấn rau được bán ra, trong đó rau theo tiêu chuẩn VietGAP chiếm 90%.

Tại hệ thống siêu thị Vinmart, rau theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP do Vingroup trồng thời gian qua đã gần như thay thế hoàn toàn rau thông thường trước đây. Hệ thống siêu thị Big C cũng thế, rau củ quả mua từ các trang trại rau VietGAP ở Lâm Đồng luôn thu hút khách hàng.

Trong khi thực phẩm VietGAP được tiêu thụ mạnh ở các siêu thị thì tại các chợ, mặt hàng này vẫn đang gặp khó.

Bà Nguyễn Hồng Thắm - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, cho biết, dù rất được NTD quan tâm nhưng trước sức ép của tiểu thương chợ Hòa Bình, hai sạp bán thịt heo VietGAP của An Hạ phải thay bảng hiệu VietGAP lớn bằng bảng hiệu nhỏ.

Không chỉ vậy, An Hạ còn gặp khó trong việc quản lý khâu phân phối và nguy cơ trà trộn thịt heo không đạt chuẩn VietGAP.

Trước nay, An Hạ chỉ đóng dấu kiểm dịch heo VietGAP trên heo mãnh (heo nửa con) nhưng khi pha lóc, dấu hiệu nhận biết không còn và như vậy, khả năng bị trà trộn hàng là rất cao.

Ngoài ra, một trong những cam kết "chỉ bán heo VietGAP của An Hạ” không nhiều tiểu thương đáp ứng được. Để giải quyết việc này, An Hạ phải tốn thêm chi phí để cử nhân viên đến bán, đóng gói sẵn sản phẩm để phân phối cho người mua, mở dịch vụ giao hàng tận nơi...

Bà Nguyễn Hồng Thắm cho biết, lượng thịt heo VietGAP bán tại chợ chỉ là một phần rất nhỏ trong 20 tấn thịt heo VietGAP mà Công ty đang cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn mỗi ngày.

Do những trở ngại trên nên thay vì đưa vào các sạp chợ như ở chợ Hòa Bình, An Hạ chỉ mở các cửa hàng bên ngoài chợ. "Sau chợ Hòa Bình, chúng tôi đã đưa thịt heo VietGAP đến 5 chợ nữa nhưng chỉ có thể bán ở cửa hàng mặt tiền chợ", bà Hồng Thắm cho biết.

Trước An Hạ mấy năm, với sự tài trợ của dự án SIDA, thịt heo VietGAP của HTX Chăn nuôi Tiên Phong (TP.HCM) đã được đưa ra thị trường.

Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, Tiên Phong phải dừng kế hoạch cung ứng thịt heo VietGAP vì các nhà phân phối lớn e ngại nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho biết, một trong những lý do khiến thịt heo VietGAP chưa đến được nhiều với NTD là sự kết nối giữa người chăn nuôi và các DN cũng như hệ thống các siêu thị chưa thành công.

Cũng như thịt heo, rau VietGAP đã được triển khai từ nhiều năm nay nhưng sức mua cũng không mấy khả quan. Các DN trồng rau VietGAP cho biết, rau VietGAP mới chỉ được tiêu thụ ở các siêu thị và cửa hàng rau quả lớn với số lượng khiêm tốn. Việc tiêu thụ ở chợ vẫn còn khó khăn.

Một trong những điều hạn chế của rau VietGAP là do đầu tư theo tiêu chuẩn cao nên giá thành cao và như vậy rất khó cạnh tranh với rau bán đầy chợ. Đó là chưa kể khâu bảo quản ở các chợ vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP.

Thiếu đầu ra

Điều mà các nhà sản xuất lo lắng nhất là đầu ra cho sản phẩm VietGAP. Vào năm 2008, Bộ NN&PTNT triển khai mô hình trồng rau VietGAP dựa trên 4 tiêu chí: kỹ thuật sản xuất đúng tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm (không có hóa chất, chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch), môi trường làm việc phù hợp với sức lao động của người nông dân và đảm bảo nguồn gốc sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Chương trình được nông dân hào hứng tham gia nhưng rồi sau đó phải quay về với phương thức sản xuất cũ vì trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP khá tốn kém lại phải tuân thủ quy trình sản xuất ngặt nghèo nhưng đầu ra chỉ gói gọn ở các hệ thống siêu thị.

Ông Trần Thanh Tâm - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Nhuận Đức (Củ Chi, TP.HCM), cho biết, trước nhu cầu rất lớn của người dân TP.HCM, Nhuận Đức đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi 23ha rau củ quả sản xuất theo kiểu truyền thống sang tiêu chuẩn VietGAP.

Mỗi ngày HTX sản xuất và cung ứng ra thị trường 10 tấn rau của quả tiêu chuẩn VietGAP nhưng mới chỉ tiêu thụ được 2 tấn thông qua các siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch. Số còn lại đành phải "giao phó” cho thương lái và luôn trong tình trạng bị ép giá.

Khó hơn HTX Đức Nhuận, cà chua bi và dưa lưới của Công ty nông nghiệp Kiên Tường (huyện Củ Chi) được trồng theo hình thức thủy canh, công nghệ Israel với chi phí đầu tư cao hơn khoảng 20% so với trồng thông thường nhưng do chưa kết nối được với các siêu thị nên phải bán cho thương lái trong tình trạng bị ép giá.

Đã vậy, lãnh đạo Kiên Tường còn lo ngại tình trạng trộn các loại cà chua bi và dưa lưới trồng theo phương pháp thông thường của thương lái.

Cũng như rau, bên cạnh yếu tố đầu ra, thịt heo VietGAP còn gặp khó vì chi phí sản xuất, chăn nuôi cao, khó cạnh tranh về giá với các loại thịt thường và thịt ngoại. Theo các tính toán, cả người chăn nuôi và đơn vị phân phối thịt VietGAP đều trong tình trạng hòa vốn.

"Chúng tôi phải cắt giảm lợi nhuận để định vị heo VietGAP trên thị trường. Khi ổn định, chúng tôi sẽ tăng giá bán và khi đó mới có thể tăng giá thu mua cho các hộ chăn nuôi", bà Nguyễn Hồng Thắm cho biết.

Chia sẻ về những trở ngại của thực phẩm VietGAP, ông Lê Văn Khoa - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, để triển khai được chuỗi hệ thống phân phối TPAT là điều không đơn giản vì nguồn cung các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP vẫn chưa dồi dào.

"Với 246 điểm bán mà 5 đơn vị đầu tiên đăng ký thực chất là thành phố đang triển khai theo dạng cuốn chiếu, vừa làm vừa rút kinh nghiệm chứ không thể làm một cách đại trà. Để ổn định nguồn cung, Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các nhà cung cấp, trước mắt ưu tiên sản phẩm VietGAP cho các cửa hàng tham gia chuỗi. Nếu TP.HCM không quyết tâm thực hiện thì không biết khi nào chuỗi đề án mới mang lại kết quả”, ông Khoa bộc bạch.

Trong kế hoạch mở rộng mạng lưới phân phối, đưa sản phẩm sạch đến NTD, Sở Công Thương TP.HCM đã chỉ đạo chợ Bến Thành và chợ đầu mối nông sản Tân Xuân (Hóc Môn) tiếp tục triển khai chương trình này.

Hy vọng sau hai chợ này, thực phẩm sạch sẽ tiếp tục được đưa vào các chợ truyền thống và ngày càng nhân rộng chứ không gặp trình trạng "vẫn đâu vào đấy" như rau VietGAP trước đây. 

>Thực phẩm VietGAP: Khi Nhà nước và doanh nghiệp chung tay

>Thịt heo sạch VietGAP: Xuống chợ

> Trồng ớt tiêu chuẩn VietGap lãi 300 triệu đồng/ha

>Thủy sản đuối với VietGAP

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thực phẩm VietGAP: Chưa thể "về đích"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO