Thỏa thuận về thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU trong EVFTA

KIM THỦY| 08/12/2015 06:50

Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.

Thỏa thuận về thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU trong EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa chính thức kết thúc đàm phán vào ngày 2/12 tại Brussels (Bỉ) hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả hai bên về hoạt động kinh doanh, đầu tư, tạo thêm việc làm tại Việt Nam và EU. 

Sau đây là một số nội dung quan trọng về thương mại hàng hóa trong Hiệp định:

1. Bỏ 85,6% thuế nhập khẩu hàng Việt Nam vào EU

EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU

Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.

Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại (bao gồm: một số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao, tinh bột sắn, cá ngừ đóng hộp), EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan (TROs) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

 Sản phẩmCam kết của EU 
 Dệt may Xóa bỏ thuế trong vòng 7 năm
Lưu ý:
Quy tắc xuất xứ: phải sử dụng vải sản xuất tại Việt Nam
Đặc biệt: được phép sử dụng vải sản xuất tại Hàn Quốc
 Giày dép Xóa bỏ thuế trong vòng 7 năm
 Thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên) Xóa bỏ thuế trong vòng 7 năm
 Cá ngừ đóng hộp Hạn ngạch thuế quan
 Gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm Hạn ngạch thuế quan
 Gạo tấm Xóa bỏ thuế theo lộ trình
 Sản phẩm từ gạo Xóa bỏ thuế trong vòng 7 năm
 Ngô ngọt Hạn ngạch thuế quan
 Tinh bột sắn Hạn ngạch thuế quan
 Mật ong Xóa bỏ thuế ngay
 Đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao Hạn ngạch thuế quan
 Rau củ quá, rau của quả chế biến, nước hoa quả Phần lớn xóa bỏ thuế quan ngay
 Tỏi Hạn ngạch thuế quan
 Túi xách, vali Phần lớn xóa bỏ thuế quan ngay
 Sản phẩm nhựa Phần lớn xóa bỏ thuế quan ngay
 Sản phẩm gốm sứ thủy tinh Phần lớn xóa bỏ thuế quan ngay

 (Nguồn: Ủy ban châu Âu, Bộ Công Thương Việt Nam)

2. Việt Nam xóa bỏ 65% số dòng thuế cho hàng hóa của EU

Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan ngay sau khi EVFTA có hiệu lực cho hàng hóa của EU thuộc 65% số dòng thuế trong biểu thuế.

Trong vòng 10 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ trên 99% số dòng thuế trong biểu thuế. Số dòng thuế còn lại sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan với mức thuế trong hạn ngạch là 0%.

Nguồn: Ủy ban châu Âu, Bộ Công Thương Việt Nam

3. Xóa bỏ hầu hết thuế xuất khẩu hàng hóa sang EU

Việt Nam cam kết xóa bỏ hầu hết các loại thuế xuất khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu sang EU, và cam kết không tăng thuế đối với các sản phẩm còn lại (trong đó có dầu thô và than đá)

4. Cam kết về hàng rào phi thuế quan

- Rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT)

Hai bên thỏa thuận tăng cường thực hiện các quy tắc của Hiệp định về các Rào cản kỹ thuật đối với thương mại của WTO (Hiệp định TBT), trong đó Việt Nam cam kết tăng cường sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong ban hành các quy định về TBT của mình.

Hiệp định có 1 phụ lục riêng quy định về các hàng rào phi thuế đối với lĩnh vực ô tô, trong đó Việt Nam cam kết công nhận Chứng chỉ họp chuẩn đối với ô tô (COC) của EU sau 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực

Việt Nam cam kết chấp nhận nhãn “Sản xuất tại EU” (Made in EU) cho các sản phẩm phi nông sản (trừ dược phẩm) đồng thời vẫn chấp nhận nhãn xuất xứ cụ thể ở một nước EU.

- Các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS)

Việt Nam và EU đạt được thỏa thuận về một số nguyên tắc về SPS nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại đối với các sản phẩm động thực vật

Đặc biệt, Việt Nam công nhận EU như một khu vực thống nhất khi xem xét các vấn đề về EPS.

- Các biện pháp phi thuế quan khác

Hiệp định cũng bao gồm các cam kết theo hướng giảm bớt hàng rào thuế quan khác (ví dụ cam kết về cấp phép xuất khẩu/nhập khẩu, thủ tục hải quan…) nhằm tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai Bên.

5. Phụ lục về dược phẩm

Hiệp định có một Phụ lục riêng về dược phẩm (sản phẩm xuất khẩu quan trọng của EU, chiếm 9% tổng nhập khẩu từ EU và Việt Nam), trong đó: 

- Hai bên cam kết về một số biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương mại dược phẩm giữa EU và Việt Nam. 

- Việt Nam cam kết cho phép các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được nhập khẩu và bán thuốc cho các nhà phân phối và các nhà bán buôn ở Việt Nam

- Việt Nam có các cam kết về việc cho phép nhà thầu EU tham gia các gói thầu dược phẩm.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU đã tăng từ 17,75 tỷ USD vào năm 2010 lên 36,8 tỷ USD năm 2014.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng thương mại hai chiều đạt 19,4 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 14,9 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt 4,5 tỷ USD.

Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.

Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ta sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản.

EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam.

Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2015, đã có 23 trong số 28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với hơn 2.100 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 38,4 tỷ USD.

Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.

(Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương)​

>Chính thức kết thúc đàm phán EVFTA

>EVFTA: Báo chí châu Âu nói gì về thị trường Việt Nam?

>EVFTA: EU sẽ xóa bỏ 85,6% số dòng thuế của Việt Nam

>Thanh toán bằng nội tệ - Rào cản xuất khẩu trong EVFTA

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thỏa thuận về thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU trong EVFTA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO