Thịt heo an toàn ngày càng hút khách

MINH HÀO| 07/12/2017 01:45

Nhu cầu tiêu dùng thịt heo an toàn, thịt heo có truy xuất nguồn gốc đang tăng cao và đó cũng là nền tảng để các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào chăn nuôi, sản xuất.

Thịt heo an toàn ngày càng hút khách

Các chuyên gia cho rằng, ngoài nhu cầu tiêu thụ trong nước, một trong những lý do thu hút doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực cung cấp thịt heo an toàn là tiềm năng xuất khẩu.

Tìm thị phần mới

Ngày 28/11, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã khai trương cửa hàng bán sỉ thịt heo mảnh đầu tiên tại TP.HCM. Cửa hàng đặt cạnh chợ Bà Chiểu, mở cửa xuyên đêm để cung cấp cho tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống, nhà hàng, khách sạn, trường học.

Ông Nguyễn Ngọc An - Tổng giám đốc Vissan cho biết, sau thời gian nghiên cứu, Công ty nhận thấy chợ đầu mối cung cấp thịt heo nằm khá xa các chợ truyền thống, trong khi đó nhu cầu của người bán buôn và người tiêu dùng ngày càng cao nên quyết định mở chuỗi cửa hàng bán sỉ thịt heo.

Trong thời gian đầu, mỗi ngày cửa hàng cung cấp 50 con heo và sẽ tăng lên tùy theo nhu cầu. Mục tiêu của Vissan là năm 2018 sẽ mở 5 cửa hàng bán sỉ cạnh các chợ truyền thống. Nguồn hàng cung cấp cho cửa hàng cam kết thu mua từ các trang trại nuôi heo VietGAP và được bảo quản ở nhiệt độ 0 - 4oC.

Cung ứng thịt sạch cho thị trường không chỉ có Vissan mà còn nhiều doanh nghiệp khác. Từ tháng 10/2015, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ đã mở 2 sạp bán thịt heo sạch đầu tiên theo tiêu chuẩn "thực hành chăn nuôi tốt" (VietGAP) tại chợ Hòa Bình (quận 5, TP.HCM). Đến giữa năm 2016, An Hạ đã mở 9 cửa hàng với sản lượng tiêu thụ mỗi ngày gần 3 tấn thịt heo theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để đưa thịt sạch đến gần hơn với người tiêu dùng, năm ngoái, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) đã ra mắt thịt heo thảo mộc tại TP.HCM. Giá bán thịt heo thảo mộc của Sagri cao hơn 20% so với thị trường nhưng vẫn tiêu thụ mạnh.

Từ giữa năm 2016, 100% thịt heo của Vissan bán tại 309 điểm ở siêu thị, 146 điểm ở các chợ truyền thống và các cửa hàng riêng ở TP.HCM đều đạt chuẩn VietGAP. Theo ông Nguyễn Ngọc An, hiện nay, lượng cầu về thực phẩm tươi sống an toàn rất lớn. Vissan mỗi ngày bán ra khoảng 1.000 con heo VietGAP nhưng chỉ chiếm 10% lượng thịt heo tiêu thụ tại thị trường TP.HCM.

Bên cạnh mua lẻ thì nhu cầu mua sỉ trong khu vực nội thành rất cao vì hiện nay hầu hết các chợ bán lẻ đều lấy hàng từ 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, mà 2 chợ này thì khá xa. Đó là chưa kể việc vận chuyển thịt từ các chợ đầu mối đến các chợ lẻ khó đảm bảo vệ sinh thực phẩm, trong khi đó Vissan sử dụng xe chuyên dùng, thịt heo mảnh được treo trên xe với nhiệt độ từ 0 - 4oC. Với mô hình bán lẻ thịt heo giá sỉ, Vissan được cho là sẽ tăng được thị phần.

"Chúng tôi muốn đưa mô hình của hàng bán sỉ thịt heo mảnh đến các thành phố lớn. Nhưng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngoài chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển đảm bảo tiêu chuẩn thì khâu đóng gói là rất quan trọng và đang được Công ty nghiên cứu", ông Nguyễn Ngọc An cho biết.

Tăng đầu tư

Mới đây, Tổ chức Chứng nhận Quốc tế Control Union đã trao giấy chứng nhận GlobalGAP cho Công ty CP Anova Farm (thành viên của Tập đoàn Anova). Đây là trang trại nuôi heo thịt đầu tiên đạt chứng nhận này, mở ra tiêu chuẩn mới cho ngành chăn nuôi Việt Nam.

Theo đại diện Công ty Anova Farm, trong giai đoạn 1, mỗi năm Công ty cung cấp ra thị trường hơn 5.000 heo hậu bị, hơn 55.000 con heo thịt. Công ty sẽ mở thêm trang trại để hướng đến việc xuất khẩu. Với việc đầu tư khép kín từ con giống đến thức ăn chăn nuôi cũng như hệ thống quản lý hiện đại, Công ty tự tin sản xuất ra thịt heo với giá thành cạnh tranh và xuất khẩu.

Trước đó, Tập đoàn Thủy sản Hùng Vương đã đầu tư 2.000 tỷ đồng để phát triển hệ thống chăn nuôi khép kín, từ con giống đến tiêu thụ sản phẩm. Theo kế hoạch, đến năm 2018, Hùng Vương sẽ có 100.000 con heo giống bố mẹ, 3 triệu con heo thương phẩm.

Không đứng ngoài cuộc, Masan Consumer cũng đầu tư vùng chăn nuôi, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi đồng thời với việc sở hữu cổ phần tại Vissan để tham gia vào thị trường thịt heo sạch tại TP.HCM.

Cũng trong cuộc đua này, Vissan triển khai cụm công nghiệp chế biến thực phẩm khép kín từ khâu giết mổ, pha lóc thịt tươi đến chế biến và các nhà máy phụ trợ (đóng gói, chế biến gia vị) với vốn đầu tư 150 triệu USD. Ông Nguyễn Ngọc An cho biết, vào đầu năm 2018, Công ty sẽ khởi công xây dựng cụm công nghiệp này, dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ đưa vào giết mổ và cuối năm 2019 sẽ hoàn chỉnh nhà máy, kể cả sản xuất thực phẩm chế biến.

Và bên cạnh thịt heo theo tiêu chuẩn VietGAP, hiện tại, Vissan đang chuẩn bị để đưa ra thị trường thịt heo không kháng sinh, được bán tại một hệ thống riêng để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết.

Theo Tổng cục Thống kê, mỗi năm Việt Nam cung cấp hơn 4 triệu tấn thịt heo hơi. Từ năm 2011 - 2016, số lượng heo nuôi tăng trung bình 3%/năm. Riêng trong năm 2016, sản lượng đàn heo đạt khoảng 54,5 triệu con. Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos Business Consulting (IBC) công bố hồi tháng 8, sản lượng thịt heo của Việt Nam năm 2017 ước đạt 2,75 triệu tấn, đứng thứ 6 trên thế giới, sau Trung Quốc, EU, Mỹ, Brazil và Nga.

Tại diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu thịt heo hồi cuối tháng 10, ông Gabor Fluit - Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus Châu Á cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vì các nước này gần Việt Nam và nhu cầu đang đứng hàng top trên thế giới. Nhưng để xuất hàng vào các quốc gia này, Việt Nam cần đẩy mạnh xúc tiến, ký kết các hiệp định song phương, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thịt heo an toàn ngày càng hút khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO