Thị trường viễn thông: Cuộc đua 4G của các nhà mạng

LỮ Ý NHI| 17/09/2015 08:29

Dịch vụ viễn thông di động đang cạnh tranh gay gắt và các doanh nghiệp luôn so kè nhau trong từng dịch vụ.

Thị trường viễn thông: Cuộc đua 4G của các nhà mạng

Dịch vụ viễn thông di động đang cạnh tranh gay gắt và các doanh nghiệp luôn so kè nhau trong từng dịch vụ.

Đọc E-paper

"Cuộc chiến" gói cước di động

Bị Viettel vượt lên và chiếm thị phần lớn nhất nhờ áp dụng giá cước thấp cùng nhiều gói cước linh hoạt, hai nhà mạng Mobifone và VNPT-VinaPhone cũng tăng tốc tung ra các gói cước khuyến mãi.

Từ đầu năm đến nay, cứ trung bình 5 - 10 ngày, VNPT-VinaPhone lại có chương trình khuyến mãi 50% giá trị thẻ nạp với thuê bao trả trước và ngày 11/8 đã ra mắt chương trình ưu đãi tặng 100% giá trị thẻ nạp cho thuê bao trả trước. Ngay lập tức, Viettel công bố chương trình tặng 100% giá trị thẻ nạp cho một nhóm khách hàng.

Mobifone cũng giới thiệu gói cước Sim1+, theo đó cứ mỗi phút gọi ngoại mạng, thuê bao sẽ được tặng 1.000 đồng. Trước ngày 10 hằng tháng, cứ mỗi giây gọi liên mạng trong nước trong tháng liền trước, thuê bao sẽ được tặng 16,67 đồng/giây vào tài khoản.

Cuộc chạy đua về khuyến mại đã từng diễn ra từ những năm 2010 và VNPT-VinaPhone đi đầu trong việc tung ra "Ba ngày vàng", tặng 100% cho thẻ cào.

>>Nhà mạng lách khuyến mãi thẻ cào cuối năm

Lập tức, Viettel cũng thực hiện chương trình tương tự, cũng kéo dài 3 ngày với mức tặng 100%. Tiếp đến là Mobifone cũng thực hiện chương trình khuyến mãi này nhưng kéo dài tới 5 ngày.

Mới gia nhập sau nhưng cuối tháng 6 vừa qua, Vinamobile đã tung ra gói cước S20: chỉ với 20.000 đồng, các thuê bao có cơ hội thỏa mãn cả 3 nhu cầu là gọi nội mạng, ngoại mạng và internet trong suốt một tuần. Người dùng được sử dụng 200 MB data cho dịch vụ internet 3G.

Đặc biệt, Vietnamobile còn giới thiệu thêm các gói cước lớn hơn như 40.000 đồng, 60.000 đồng, 80.000 đồng cùng ưu đãi tăng tương ứng cho nhu cầu sử dụng cao hơn.

Trước đó, đầu tháng 6, Vinamobile đã tung ra sản phẩm "Sim Thạch Sanh" kéo dài trong 3 tháng, với ưu đãi hấp dẫn gọi 1 giờ tính tiền 1 phút và không tính cước phí hằng ngày.

Sở dĩ các nhà mạng phải cạnh tranh gay gắt vì theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 6 năm nay, cả nước có 136,9 triệu thuê bao di động, trong khi dân số khoảng 97 triệu người.

Có nghĩa số thuê bao di động đã ở mức bão hòa. Vì vậy dư địa để các nhà mạng mở rộng thị phần bằng cách nhắm vào đối tượng chưa sử dụng điện thoại gần như không còn nữa.

>>Từ cuối 2015, thuê bao di động có thể chuyển mạng giữ số

Tuy nhiên, ông Đỗ Minh Phương - Phó tổng giám đốc Viettel, phân tích: "Giá cước hiện không còn là yếu tố quyết định dẫn dắt thị trường. Để cạnh tranh lâu dài và bền vững, các doanh nghiệp phải cạnh tranh về chất lượng, dịch vụ, kênh phân phối, vùng phủ sóng để thu hút người dùng".

Giờ G của cuộc đua 4G

Để nâng chất lượng và tiếp tục cạnh tranh, tháng 6/2015, Viettel đã đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông cho thử nghiệm 4G có thu phí vào tháng 10/2015 và dự kiến sẽ cung cấp 4G vào đầu năm 2016.

Theo thông tin từ Viettel, chậm nhất đến quý I/2016, nhà mạng này sẽ có 12.000 trạm 4G trên cả nước.

Để tăng chất lượng dịch vụ, Viettel đang trình quy hoạch tần số 700 MHz để triển khai mạng 4G.

Với chiến lược 4G, Viettel sẽ đầu tư vùng phủ sóng rộng như từng làm với 2G, 3G. Nhà mạng này cũng khẳng định, với công nghệ 4G, khách hàng sẽ được sử dụng dịch vụ cao hơn, tốc độ nhanh hơn nhưng giá cước chỉ bằng 3G.

>>Nhà mạng lo sập bẫy 4G

Mobifone cũng tiết lộ trong kế hoạch kinh doanh 2015 - 2020 với dự kiến đầu năm 2016 sẽ triển khai 4G LTE trên băng tần 1800 MHz.

Để chuẩn bị cho mạng 4G hoạt động, thời gian qua, Mobifone đã xây dựng kế hoạch cung cấp các giá trị gia tăng trên nền hạ tầng 4G, tập trung quy hoạch mạng lưới, đặc biệt là mạng 4G, tính toán tối ưu hóa chi phí và tiến hành nền tảng cần thiết để kinh doanh 4G.

Tham gia cuộc đua này, Qualcomm cho biết: "Một trong những chiến lược trọng tâm phát triển sắp tới của Qualcomm tại Việt Nam là hỗ trợ triển khai 4G".

Theo ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia: "Đây là thời điểm thích hợp để triển khai 4G và mọi thứ đã được sẵn sàng cả về chính sách lẫn công nghệ, hạ tầng mạng. Việc triển khai 4G không chỉ góp phần tăng doanh thu cho nhà mạng mà tất cả đối tác nằm trong mảng di động cũng được hưởng lợi".

Cũng theo Qualcomm, từ nay đến năm 2018, có rất nhiều thiết bị không phải smartphone nhưng vẫn cần kết nối không dây.

>>Qualcomm mở rộng danh mục đầu tư sản phẩm

Và hiện nay, 4G LTE đã được tích hợp vào phần lớn các chipset của Qualcomm, kể cả chipset dành cho thiết bị giá bình dân. Ở phân khúc cao hơn, Qualcomm có các dòng Snapdragon 400, 600 và 800.

Thông tin từ VNPT-VinaPhone cho biết, dự kiến sẽ cung cấp thử nghiệm dịch vụ 4G vào tháng 10 hoặc chậm nhất là tháng 11.

Về giá cước 4G, VinaPhone sẽ duy trì mức tương đương với dịch vụ 3G hiện nay và khách hàng khi sử dụng dịch vụ 4G không cần phải thay sim trong khi trước đó, Viettel cho biết khi sử dụng 4G, người dùng sẽ phải thay sim và vẫn giữ nguyên số.

Động thái của VinaPhone cho thấy các nhà mạng đã bắt đầu vào cuộc đua với những ưu thế riêng.

Mặc dù đến thời điểm này chưa có nhà mạng nào được cấp phép 4G nhưng rõ ràng việc khởi động dưới chiêu thức "thử nghiệm có thu phí” của Viettel đã mở đầu cho một cuộc cạnh tranh mới khiến các đối thủ cạnh tranh cũng phải nhanh chóng nhảy vào cuộc đua.

Bởi cũng như 3G, nhà mạng nào có đông khách hàng đầu tiên sử dụng 4G thì sẽ có lợi thế kinh doanh 4G sau này.

>>Đón sóng 4G

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường viễn thông: Cuộc đua 4G của các nhà mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO