Thị trường sữa: "Nhóm dưới" nổi dậy

LỮ Ý NHI| 26/12/2014 08:26

Với sự có mặt của các nhà đầu tư lớn, thị trường sữa Việt Nam sẽ có thêm những cạnh tranh "rát mặt" hơn từ nhóm dưới.

Thị trường sữa:

Với sự có mặt của các nhà đầu tư lớn, thị trường sữa Việt Nam - đang tạm được chia thành 3 nhóm, nhóm dẫn đầu có Vinamilk, Dutch Lady và TH true Milk; nhóm hai là các thương hiệu như: Ba Vì, Hà Nội Milk... và nhóm 3 có Long Thành, Mộc Châu... - sẽ có thêm những cạnh tranh rát mặt hơn từ "nhóm dưới".

Đọc E-paper

Nguyên liệu quyết định cuộc đua

Với sự đầu tư mới của Daiwa PI Partners, Công ty Sữa Quốc tế (IDP) rõ ràng không yên phận ở nhóm 2 của ngành sữa.

Trong khi đó, việc đầu tư của VinaCapital vào sữa Ba Vì sẽ chú trọng tái cấu trúc doanh nghiệp (DN), đẩy mạnh thương hiệu của sữa Ba Vì hơn là mong đợi những cơ hội khác. Thực chất VinaCapital cũng nhìn thấy nhiều cơ hội trong thị phần và sức hấp dẫn của thị trường có tới hơn 90 triệu dân...

Với cách đầu tư bài bản, chiến lược rõ ràng, tầm nhìn dài hơi, VinaCapital sẽ giúp Sữa Ba Vì tái cấu trúc một cách toàn diện, giúp DN này vững vàng hơn trên thị trường...

Ông Trần Bảo Minh - Tổng giám đốc IDP cũng cho biết: "Với sự đồng hành của 2 nhà đầu tư chiến lược, chúng tôi sẽ có thêm nguồn lực hỗ trợ để thực hiện kế hoạch kinh doanh trong 5 năm sắp tới, trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm sữa chất lượng cao, sản phẩm dinh dưỡng cao cấp cho phụ nữ và trẻ em.

Trong năm 2015, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, lựa chọn và phát triển các vùng nguyên liệu sữa tươi chất lượng cao, đẩy mạnh việc đầu tư quảng bá thương hiệu và hệ thống phân phối trên toàn quốc".

Daiwa PI Partners giúp kết nối IDP với các DN ngành sữa hàng đầu tại Nhật, giúp IDP tiếp cận với công nghệ sản xuất hiện đại và giúp các sản phẩm sữa cao cấp của Nhật Bản tiếp cận thị trường Việt Nam qua hệ thống phân phối của IDP và ngược lại.

So với hai đối thủ Vinamilk và TH true Milk có nguồn nguyên liệu sữa lớn nhất hiện nay, IDP muốn thay đổi vị trí, cũng buộc phải thực hiện được chiến lược chủ động 100% nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm của mình.

Để giải quyết bài toán nguyên liệu, nếu TH true Milk tự đầu tư trang trại, bò sữa thì Ba Vì sẽ đầu tư theo hướng ký hàng loạt hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các nông trại từ Bắc chí Nam.

Trên cơ sở này, chúng tôi sẽ cho ra thương hiệu chủ (hay nói đúng hơn là sản phẩm sữa mới) gắn với người nông dân Việt Nam. Song song việc hợp tác với nông dân, IDP cũng cho ra đời thương hiệu sữa mới hợp tác với các viện dinh dưỡng châu Âu, Mỹ để tạo ra những sản phẩm mà tại Việt Nam về mặt công nghệ chưa làm được.

Còn nhà máy tại Củ Chi (TP.HCM) được nhắm tới các kế hoạch chinh phục thị trường miền Nam, nơi chiếm đến 40% sản lượng sữa tiêu thụ và không bị chi phối bởi tính mùa vụ. Đây là thị trường được xem là có tính chất quyết định về doanh thu của tất cả các hãng sữa hiện nay.

Đi "đường tắt"

Biểu đồ tăng trưởng đàn bò sữa (đơn vị: triệu con)

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, năng suất sữa bò của Việt Nam rất thấp và phải đến 30 năm nữa Việt Nam mới đạt năng suất như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, cũng không dễ để đạt được mục tiêu này, bởi lẽ, để có đàn bò sữa tốt, quá trình chọn, tạo giống cần thời gian trên 100 năm.

Đây là khó khăn đối với bất cứ DN nào muốn tham gia vào thị trường sữa Việt Nam. Vì vậy, trong khi các DN chọn hướng liên kết, mở rộng đầu tư trong nước thì Nova Group lại đi theo chiến lược đầu tư ra nước ngoài thông qua việc đầu tư trên 50 triệu USD để hợp tác với Tập đoàn Kerry (Ireland) độc quyền phát triển sữa bột công thức dinh dưỡng cho trẻ em.

Theo đánh giá, đây là một cách đi tắt khá hiệu quả của Nova Group khi bắt tay với tập đoàn có thương hiệu nổi tiếng như Kerry trên thị trường quốc tế. Sở hữu Công ty CP Anova Milk, nhưng Tập đoàn Nova chưa đưa ra được sản phẩm tạo tiếng vang trên thị trường. Vì vậy, mới đây để tăng khả năng cạnh tranh, Nova Group đã chọn cách "đứng trên vai người khổng lồ” như Kerry.

Một số đánh giá cho rằng, Nova Group sẽ bất lợi khi tham gia và thị trường mới, cũng như cách đầu tư của VOF cho IDP thuần về đầu tư sinh lợi nhanh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hiếu Liêm, Phó chủ tịch Tập đoàn Nova Group, cho biết: "Việc chuyển hướng sang sản xuất sữa của Nova Group không hề đột ngột mà là tiếp tục và kế thừa lĩnh vực lâu nay chúng tôi có nhắm tới, có chuẩn bị nhưng chưa thật nổi bật bằng bất động sản".

Bước vào lĩnh vực mới, Nova Group chấp nhận cạnh tranh và tự tin về sản phẩm sữa của mình do 2 yếu tố: giá thấp hơn với cùng loại và chất lượng ở mức tốt nhất theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, Công ty có kế hoạch đầu tư trên 50 USD, bao gồm hợp tác xây dựng chuỗi quản lý trang trại bò hiện đại tiêu chuẩn Anka tại Ireland, nơi có lợi thế cạnh tranh về chất lượng sữa do điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng và khí hậu, xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm.

Việc hợp tác sẽ giúp Nova Group hiện thực hóa chiến lược phát triển phân khúc nhóm sản phẩm mới của Tập đoàn là (thịt, cá, trứng, sữa). Đại diện Nova Group cho biết dự kiến vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2015, sữa Anka Milk sản xuất tại Ireland sẽ ra mắt người dùng Việt với mức giá thấp hơn 20% các sản phẩm cùng chất lượng trên thị trường.

"Dòng sữa này sẽ được chúng tôi tập trung phân phối trong mảng thương mại điện tử nhằm giảm chi phí. Bên cạnh đó các kênh phân phối truyền thống và siêu thị vẫn được chú trọng nhằm giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm một cách dễ dàng và nhanh chóng", đại diện Nova Group chia sẻ.

> F&B vẫn "hút" vốn ngoại

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường sữa: "Nhóm dưới" nổi dậy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO