Thị trường nước giải khát vào cuộc đua mới

MINH HÀO| 23/04/2018 09:27

Đã qua thời kỳ tăng trưởng nóng nhưng tiềm năng tăng trưởng ở mức gấp 3 lần các nước châu Á, thị trường nước giải khát Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư.

Thị trường nước giải khát vào cuộc đua mới

Ảnh: X.Thảo

Kido nhập cuộc

Tập đoàn Kido mới đây công bố sẽ thâm nhập thị trường nước giải khát bằng trà thảo dược, trà thanh nhiệt, trà sữa, sữa bắp, sữa đậu xanh đóng chai. Ông Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc Tập đoàn Kido cho biết, Kido đang hoàn tất các thủ tục hợp tác với một đối tác Thái Lan.

Trong giai đoạn một, đối tác Thái Lan sẽ sản xuất sản phẩm tại Thái Lan, còn Kido phân phối ra thị trường. Giai đoạn hai, khi mọi thứ đã ổn định, Kido sẽ xây nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Toàn bộ sản phẩm được làm từ nguyên liệu an toàn và tiện lợi cho người tiêu dùng. Sản phẩm sẽ có giá cạnh tranh so với các sản phẩm hiện có trên thị trường. "Mảng trà sữa và nước giải khát khá tiềm năng, dự kiến sẽ mang về hàng tỷ đồng doanh thu cho chúng tôi trong năm 2018", ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ.

Không phải đến bây giờ Kido mới thấy được tiềm năng thị trường mà từ những năm 2000, doanh nghiệp này đã gia nhập ngành hàng nước giải khát khi sở hữu cổ phần chi phối tại Tribeco. Dù hợp tác không hiệu quả nhưng nhờ đó, lãnh đạo của Kido hiểu sâu hơn về ngành và có chiến lược bài bản cho sự trở lại.

Chuẩn bị cho sự ra mắt của ngành hàng mới, Kido đã chi hàng chục tỷ đồng để mời 2 tuyển thủ trẻ của U23 Việt Nam Nguyễn Quang Hải và Bùi Tiến Dũng làm đại sứ thương hiệu độc quyền trong năm 2018. Ông Bùi Thanh Tùng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido cho biết, Tập đoàn đặt mục tiêu mở rộng các ngành hàng hiện có đồng thời thâm nhập ngành hàng mới nên việc chọn các tuyển thủ trẻ là nhằm mang hình ảnh đầy năng lượng của các sản phẩm Kido đến gần hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ.

Thống kê của ngành công thương cho thấy, hiện có hơn 1.800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nước giải khát. Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khi số liệu của BMI (một tập đoàn khảo sát thị trường Anh) dự báo doanh thu ngành hàng nước giải khát có tốc độ tăng bình quân 2 con số. Thống kê của Hiệp hội Bia rượu - Nước giải khát Việt Nam, bình quân một người Việt tiêu thụ trên 23 lít nước giải khát mỗi năm và tiếp tục tăng trong những năm tới.

Chia sẻ với báo giới, ông Uday Shankar Sinha - Tổng giám đốc Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam cho rằng, thị trường nước giải khát Việt Nam có sức hút đối với các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản. Ở một số nước châu Á, nhà đầu tư ngoại kỳ vọng mức tăng trưởng tại thị trường nội địa khoảng 2% nhưng ở Việt Nam những năm gần đây luôn duy trì ở mức 6 - 7%.

Doanh nghiệp ngoại tăng tốc

Tháng 3 vừa qua, Coca-Cola Việt Nam đưa ra thị trường loại Coca-Cola thêm cà phê. Bên cạnh việc đa dạng khẩu vị, Coca-Cola điều chỉnh và cải tiến công thức nhằm mang đến những thức uống có lợi cho sức khỏe người dùng. Từ năm 2017, nắm bắt xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam, Coca-Cola đã đa dạng danh mục sản phẩm với các loại thức uống hoa quả và trà đóng chai Fuzetea+, cà phê đóng lon Georgia.

Link bài viết

Bà Phạm Nhã Uyên - Giám đốc Tiếp thị Coca-Cola khu vực Đông Dương cho biết, với mục tiêu trở thành thương hiệu nước giải khát dành cho mọi người, bên cạnh việc đưa ra những trải nghiệm khẩu vị mới lạ, Coca-Cola đồng thời cắt giảm lượng đường và calories trên rất nhiều sản phẩm.

Không chỉ chú trọng về sản phẩm, từ năm 2013 đến nay, doanh nghiệp này liên tiếp đầu tư các dây chuyền sản xuất với công nghệ tiên tiến nhất để tăng năng suất. Cũng theo bà Phạm Nhã Uyên, Coca-Cola sẽ đưa vào vận hành nhà máy sản xuất thông minh.

Trong đó, nhà máy ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất, số hóa và đồng bộ cơ sở dữ liệu cùng hệ thống cảm biến thông minh kiểm soát chỉ tiêu chất lượng, tạo quy trình sản xuất khép kín, ổn định để cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao. Toàn bộ dây chuyền sản xuất được tự động hóa và điều khiển bằng robot. Hệ thống kho cũng ứng dụng công nghệ thông minh, xuất nhập hàng tự động cùng hệ thống quản lý vận tải tích hợp hệ thống định vị toàn cầu.

Trong khi đó, trong 4 năm qua (từ 2013 - 2017), Suntory PepsiCo đã đầu tư thêm vốn tại thị trường Việt Nam lớn hơn cả 10 năm về trước. Hiện Công ty có 5 nhà máy, 3.000 nhân viên cùng 450 điểm phân phối và hơn 1,1 triệu điểm bán lẻ thông qua kênh phân phối trực tiếp và gián tiếp.

Cách nay 10 năm, Suntory PepsiCo xây dựng được hệ thống phân phối với 25.000 tủ lạnh và nay đã tăng thành 65.000 tủ lạnh. Ông Uday Shankar Sinha cho rằng, nhờ sự đầu tư này mà Công ty liên tục duy trì mức tăng trưởng 2 con số trong suốt 12 năm qua, và năm nay, đặt mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu.

Sự đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài chắc chắn sẽ tạo áp lực đối với doanh nghiệp trong nước. Tuy thế, ở một số chủng loại, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm ưu thế. Theo nghiên cứu của Nielsen tháng 12/2017, về thị phần, các doanh nghiệp nội đang chiếm ưu thế trong ngành hàng thực phẩm và nước giải khát với tỷ lệ lần lượt là 69% và 45%. Và nhờ hệ thống phân phối rộng khắp và duy trì liên tục trong thời gian dài, sản phẩm của công ty trong nước luôn sẵn sàng đến tay người tiêu dùng không chỉ ở thành phố mà còn ở vùng sâu, vùng xa để thúc đẩy sự tăng trưởng.

"Người tiêu dùng hiện nay đối diện với nhiều sự chọn lựa sản phẩm hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp đa quốc gia gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nội địa trên nhiều phương diện như chất lượng, giá cả cũng như chiến lược marketing tập trung đến các phân khúc khách hàng mục tiêu cụ thể hơn", ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam nhận định. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường nước giải khát vào cuộc đua mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO