Thị trường Lào - Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

HOÀI THƯƠNG| 31/12/2007 04:35

Lâu nay chỉ doanh nghiệp nhà nước “xây dựng chiến lược” ở Lào, thì nay, miền đất này bắt đầu hút sự chú ý của các doanh nghiệp tư nhân.

Thị trường Lào - Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Dân du lịch nước ta bắt đầu sang Lào sau khi đã chán các nơi phồn hoa đô thị như Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Trung Quốc… Lâu nay chỉ doanh nghiệp nhà nước “xây dựng chiến lược” ở Lào, thì nay, miền đất này bắt đầu hút sự chú ý của các doanh nghiệp tư nhân.

Những ngày cuối năm 2007, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đổ quân đi khám phá vùng đất của người anh em láng giềng thân thiết. Ngày 13/10 - Ngày Doanh nhân Việt Nam, ít ai ngờ rằng, ở nước Lào lại có một bữa tiệc dành cho doanh nhân Việt Nam với sự có mặt của hơn 60 doanh nghiệp từ VN và Việt kiều.

Một góc thủ đô Vientiane

Nơi cuộc sống thanh bình

Chúng tôi sang Lào bằng đường bộ qua cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị, hơn ngàn cây số đến tỉnh Savanakhet rồi tới thủ đô Vientiane, những rừng cây xanh mọi nẻo đường. Gió Lào sang Việt Nam, do bị chặn hết hơi nước bởi dãy Trường Sơn nên thành gió nóng, còn ở Lào, đây là những cơn gió mát lành.

Chúng tôi đi qua một vùng đất rộng lớn tươi sức sống nhưng dân cư thưa thớt, canh tác nhỏ lẻ, lạc hậu. Nếu đây là vùng đất của người Việt Nam, chắc chắn ít nhất nó đã biến thành nông trang với mô hình VAC (vườn - ao - chuồng), còn hơn nữa sẽ là những vùng kinh tế nông nghiệp phát triển với các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Đến Lào đúng dịp Quốc khánh (2/12) nhưng thủ đô Vientiane vẫn chẳng thể ồn ào. Ông chủ khách sạn Mina, nơi chúng tôi ở, là người Việt Nam sang Lào từ những năm 70, cho biết Vientiane có hơn 500.000 dân, nhưng có đến 500 ngôi chùa. Người dân rất hiền lành, không bon chen, nếu xảy ra trộm cắp thì không phải do người Lào gây án...

Mỗi dịp lễ, Tết, người Lào không đổ ra đường mà cùng gia đình ở nhà hoặc đi du lịch ở ngoại ô thành phố. Có một vài điểm vui chơi như sàn nhảy nhưng đa phần chỉ múa lăm vông chứ không nhảy disco. Nếu khách nước ngoài muốn “ồn ào” thì vào các khách sạn 5 sao.

Đang ở một thành phố kẹt xe liên miên thì Vientiane quả thật là một thiên đường. Sự êm đềm, thanh bình, không khí trong sạch của Vientiane cho ta cảm giác đây là vùng đất để sống khoẻ và thanh thản. Xe cộ qua lại không nhiều nhưng rất trật tự, đa phần là ôtô và xe tuk tuk, xe máy và xe đạp ít ngang nhau. Ngã tư đèn đỏ, chỉ một hướng được đi, ba hướng đứng chờ. Dù phía trước không có người nhưng chẳng có bên đèn đỏ nào vượt ẩu.

Tiềm năng của Lào ở đâu?

Theo giới thiệu của Bộ Ngoại giao VN, chúng tôi đến Thương vụ VN tại Lào, nằm trên con phố được gọi là “Vietnam Town”. Lại những hình ảnh quen thuộc với các tấm biển bún bò, thịt chó, lẩu dê, cà phê giải khát được vẽ sơ sài và treo vươn ra vỉa hè.

Chúng tôi gặp ông Hồ Đức Phương, Tham tán Thương mại VN tại Lào. Đây là nhiệm kỳ thứ 2 của ông nên có thể nói, ông “sành” chuyện Lào hơn chuyện VN. Thông tin của ông Phương cho thấy, tài nguyên của Lào là gỗ, các mỏ khoáng sản như bôxít, thạch cao, vàng, sắt, thiếc, đồng...

Có thể liên hệ trực tiếp với ông Hồ Đức Phương
theo địa chỉ: 76 đường Sisangvone - Naxay- Vientiane - Lào.
ĐT: 856-21- 413410;
Fax: 856-21 4313115;
Mobile: 20.5512875;
e-mail:
hoducphuong@mot.gov.vn

Hiện các doanh nghiệp VN đang hoạt động trong các lĩnh vực chế biến gỗ, khai thác khoáng sản, trồng cao su. Tập đoàn Than và Khoáng sản VN đang khai thác mỏ than nâu ở Udamxay, khai thác than và xây đập thủy điện ở Nậm Ngân.

Tập đoàn dầu khí vừa trúng thầu 2 dự án lớn là xây dựng dự án thủy điện Luang Phrabang 1.400 KW và thăm dò dầu khí ở Pacxe trong khu vực rộng 1.700 km2... Các công ty chế biến và bán hàng tiêu dùng như Bitis, Thiên Long, Kymdan, xe máy Shifa... cũng đang nổi tiếng ở Lào.

Dự tính năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước có thể lên đến 350 triệu USD, trong đó VN xuất sang Lào hàng dệt may (4,5 triệu USD), than đá (1,7 triệu USD), đồ nhựa và sản phẩm bằng chất dẻo (1,3 triệu USD), giày dép (1 triệu USD), dây cáp điện (800.000 USD). Nhập từ Lào: gỗ (79,6 triệu USD), kim loại thường (52,6 triệu USD), thuốc lá (320.000 USD).

Tháng 8/2007, Thương vụ VN tại Lào đã tổ chức hội chợ hàng hóa Việt - Lào. Có 65 doanh nghiệp VN và 205 doanh nghiệp Lào tham gia, trong 7 ngày thu hút hơn 20 vạn lượt người. Lào là một nước đang phát triển, ở nhiều lĩnh vực còn chưa được doanh nghiệp VN nhìn đến như kinh doanh bất động sản, xây dựng đô thị, hệ thống bán lẻ...

Đặc biệt, du lịch tại Lào đang là thị trường bỏ ngỏ. Với xu hướng du lịch sinh thái hiện nay, Lào được đánh giá là điểm đến “nhiều bí ẩn” với du khách VN và phương Tây. Đến nay, các cơ quan nhà nước về du lịch của Lào cũng chưa có hoạt động gì đáng kể để quảng bá du lịch nhưng họ có rất nhiều tiềm năng.

Về điều này, chúng tôi với vai là du khách, đã được chứng kiến. Công ty du lịch VN dẫn khách qua đều phải báo cáo với cơ quan quản lý du lịch tại Lào. Cơ quan này cử một “hướng dẫn viên” người Lào đi cùng nhưng chàng tour guide nước bạn chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là... đi theo.

Theo Hải quan cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), lượng khách Việt Nam đi Lào du lịch qua cửa khẩu này ngày một tăng cao. Tuy nhiên, tại Lào chưa có một đại diện công ty du lịch của VN nào. Ngay tại Việt Nam, nếu bạn muốn đi Lào, bạn có thể đăng ký ở nhiều công ty du lịch khác nhau, nhưng rồi, tất cả sẽ được tập hợp lại để công ty Vitour dẫn đi từ Huế.

Kinh doanh tại Lào, nên biết

Cả nước Lào không có một chiếc taxi. Một doanh nghiệp Việt Nam đã nhìn thấy “cơ hội làm ăn lớn” ở Thủ đô Vientiane, coi đây là một khám phá về thị trường của mình ở vùng đất có nửa triệu dân này. Tuy xăng ở đây khoảng 1USD/lít nhưng xe ô tô ở Lào rẻ hơn Việt Nam gần một nửa, các chi phí khác về nhân công, chỉ số giá tiêu dùng đều thấp hơn ở nhà...

Taxi V.H nổi danh khắp vùng nhưng... không ai đi! Vì sao? Doanh nghiệp đã bỏ quên “môi trường sống” của người Vientiane: Những ai có đủ tiền đi taxi đều đã có ô tô riêng (doanh nhân thì giàu có rồi, còn công chức từ cấp trưởng phòng trở lên đều được chính phủ cấp ô tô); người nghèo ở Lào đi tuktuk hoặc xe buýt. Vậy là taxi V.H đành “tự sản - tự tiêu”!

Cùng với câu chuyện về V.H taxi, ông Hồ Đức Phương cũng kể cho chúng tôi nghe chuyện bán mì ăn liền không thành của một công ty của Nghệ An, chuyện Công ty nhựa Sài Gòn đến hăng hái với dự án xây dựng một nhà máy nhựa rồi cũng... về luôn, chuyện Kymdan ban đầu sang làm ăn rất “hoành tráng” sau thì để hết hàng lại cho đại lý... “Hàng mang sang gửi bà con Lào bán nhưng tiền thu lại không được vì “đại lý” trót tiêu mất rồi. Đòi một lần, hai lần, 10 lần mà họ chưa có để trả... thì lấy vốn đâu mà đưa hàng sang bán tiếp?”, ông Phương lý giải.

Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Lào, doanh nghiệp VN khi sang thị trường này cần chú ý: tìm hiểu kỹ thông tin về nhu cầu của người Lào về ngành hàng, loại hình kinh doanh nhưng phải gắn liền với phong tục tập quán, ngôn ngữ (90% người Lào theo đạo Phật Tiểu thừa, kiêng bị sờ đầu, kiêng tráng cốc khi uống nước...), phong cách sống và làm việc của người dân địa phương; tìm hiểu Luật Đầu tư nước ngoài về kinh doanh các lĩnh vực (vùng nào, ngành gì được ưu đãi); tìm hiểu đối tác thật kỹ để tránh bị chiếm dụng vốn.

Thường các doanh nghiệp VN bị yêu cầu đặt cọc tiền 5-15%. Nếu không cẩn thận, số tiền đặt cọc này sẽ bị đối tác tiêu mất, trong khi dự án chưa triển khai hoặc gặp trục trặc. Nên đưa người Việt Nam sang làm việc vì cách làm việc của người Lào bản xứ không chăm chỉ bằng người Việt, tính tình ôn hòa nhưng ít kỷ luật.

Nên đến ở tại Khu vực Thương vụ VN tại Lào để tiện thu thập thông tin, kịp thời giải quyết các vướng mắc, vừa gặp được nhiều doanh nghiệp VN kinh doanh ở Lào lâu năm. Đồng thời, đây là phố người Việt nên đồ ăn và các sinh hoạt rất phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường Lào - Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO