Thị trường hoa tươi: Không dễ "hốt bạc"

LÊ LOAN - ĐỖ PHƯƠNG| 26/02/2016 08:33

Hoa tươi được đánh giá là ngành công nghiệp công nghệ cao, siêu lợi nhuận, thế nhưng, không phải dễ "hốt bạc" từ lĩnh vực này.

Thị trường hoa tươi: Không dễ

Nếu đầu tư bài bản, hoa tươi được đánh giá là ngành công nghiệp công nghệ cao, siêu lợi nhuận. Thế nhưng, không phải dễ "hốt bạc" từ lĩnh vực này.

Đọc E-paper

90 triệu dân là thị trường lớn

Sau những nỗ lực từ năm 1994, đến nay Dalat Hasfarm đã có bốn trung tâm phân phối hoa tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Biên Hòa. Dalat Hasfarm được đánh giá là một trong 5 công trình mà doanh nghiệp (DN) nước ngoài đầu tư hoạt động hiệu quả nhất trên đất Lâm Đồng, được Tạp chí Flowers Tech (Mỹ) bình chọn là Công ty sản xuất hoa đứng đầu Đông Nam Á, chiếm 98% sản lượng hoa xuất khẩu của Đà Lạt.

Tuy chưa thể so sánh với Dalat Hasfarm, song những gì mà Công ty TNHH Hoa Mặt Trời, DN tư nhân đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu được hoa lan vũ nữ sang Nhật Bản từ năm 2015, được đánh giá cao ở thị trường này là cả một sự phấn đấu.

Với mong muốn có được lượng hoa lan vũ nữ lớn, chất lượng cao, cạnh tranh trên thị trường thế giới và xuất khẩu bằng đường biển, năm 2011, Hoa Mặt Trời đã chuyển giao kỹ thuật, tổ chức liên kết với hơn 40 hộ nông dân và một tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chuyên sản xuất loại hoa lan cắt cành này với 21,4 ha.

Điểm lại sơ bộ kết quả hoạt động năm 2015 của DN, ông Huỳnh Tấn Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Hoa Mặt Trời, chia sẻ: "Hoa Mặt Trời chỉ sản xuất hoa lan, là thế mạnh của Lâm Đồng và cũng là thế mạnh của DN. Theo đó, Công ty cung cấp giống bảo đảm tiêu chuẩn và một số dịch vụ đầu vào thiết yếu, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho tổ hợp tác và các hộ nông dân, đồng thời là đầu mối tập trung sản phẩm, đóng gói, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu. Phía tổ hợp tác và các hộ nông dân đầu tư cơ sở hạ tầng (đất đai, nhà lưới, hệ thống tưới), trồng và chăm sóc hoa. Với cách làm này, đến nay hoa lan của Hoa Mặt Trời đã tạo được "tiếng vang" ở thị trường Nhật với mức giá tốt. Hiện mỗi tuần DN xuất khẩu đều đặn một container sang Nhật. Trong hai năm tới, Hoa Mặt Trời sẽ mở rộng hơn việc cung ứng hoa lan cho thị trường này".

Mặc dù vậy, theo ông Sơn, nếu so sánh giá bán trên từng đơn vị thì tại thị trường nội địa vẫn cao hơn so với giá ở thị trường xuất khẩu.

"Tuy nhiên, vấn đề của thị trường trong nước là DN sản xuất nhiều, nhưng bán được rất ít, thừa nguồn cung, dẫn đến sẽ bị lỗ. Ngược lại ở thị trường xuất khẩu, chúng tôi bán giá thấp hơn, nhưng sản xuất được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.Thậm chí, sản xuất không kịp bán. Song, về lâu dài, Hoa Mặt Trời cũng sẽ đi song hành, vừa phát triển thị trường nội địa, vừa xuất khẩu. Dù gì thì 90 triệu dân là một thị trường lớn để DN Việt Nam tập trung phát triển", ông nói.

Đã đến lúc "đi cùng nhau"

Hiện tại, Nhật, Thái Lan, Hong Kong, Trung Quốc, Úc là những thị trường rất cần hoa Việt Nam, nhưng DN xuất khẩu hoa còn quá ít.

Theo ông Trần Huy Đường - Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Langbiang, DN hay nông dân không thể "làm nên chuyện" nếu không có sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước.

Đồng tình quan điểm này, ông Huỳnh Tấn Sơn cho hay, thị trường hoa hiện nay đang rất lớn nhưng cần có sự định hướng của chính quyền để cùng chung tay.

"Bởi vì hiện nay, chỉ cần loại cây đang trồng rớt giá là mùa sau nông dân sẵn sàng đốn bỏ để trồng loại cây khác. Cách làm này khiến DN trong nước không cạnh tranh được với DN các nước, cũng như hàng hóa Việt Nam không cạnh tranh được trên thế giới. DN "một mình một ngựa" khó bao quát được tình hình nếu không có sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước", ông Sơn nêu hiện trạng.

Khó khăn là vậy, chủ DN Hoa Mặt Trời không lo ngại sự có mặt ngày càng nhiều của các DN nước ngoài trong ngành hoa Việt Nam.

Trái lại, đại diện DN này khá lạc quan khi cho hay, cạnh tranh trên thương trường là điều khó tránh, nhưng không phải DN ngoại nào khi đầu tư sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam cũng thành công. Vấn đề của DN trong nước là phải biết chủ động trong mọi tình huống.

Ở góc nhìn khác, ông Trần Huy Đường một lần nữa nhấn mạnh sự lo ngại đối với các NĐT nước ngoài vào ngành hoa Việt Nam. Theo ông Đường, so với các "thủ phủ hoa" trên thế giới, Việt Nam vẫn còn thua xa về công nghệ lẫn nguồn giống. Khi các NĐT ngoại vào Việt Nam, nông dân sẽ được học hỏi công nghệ trồng hoa của họ.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý về vùng trồng cũng như những quy định về loại hoa được trồng. Lấy việc Trung Quốc hạn chế cấp phép đầu tư vào ngành hoa đối với DN nước ngoài, ông Đường cho hay, ở Trung Quốc, họ hạn chế mỗi DN nước ngoài chỉ được trồng một loại hoa, mỗi loại hoa chỉ có một DN được cấp phép.

DN được cấp phép phải mở cửa trang trại hoa cho khách tham quan. "Việt Nam nên học hỏi cách làm này nếu quyết định khơi dậy tiềm năng xuất khẩu hoa và đưa mặt hàng này lên bản đồ hoa của thế giới", ông Đường nói.

>Xuất khẩu hoa tươi: Dễ hay khó?

>Triển vọng xuất khẩu hoa tươi vào Hà Lan

> Xuất khẩu hoa cúc sang Nhật Bản

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường hoa tươi: Không dễ "hốt bạc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO