Thị trường dịch vụ gọi xe công nghệ: Đua dịch vụ

LỮ Ý NHI| 02/07/2018 03:35

Hàng loạt "tân binh" tiếp tục gia nhập thị trường xe công nghệ với chi phí đầu tư và dịch vụ ngày càng cạnh tranh.

Thị trường dịch vụ gọi xe công nghệ: Đua dịch vụ

Sau khi Grab mua Uber, nhiều ý kiến cho rằng dịch vụ gọi xe công nghệ tại Việt Nam không còn hấp dẫn bởi Grab sẽ "một mình một chợ". Tuy nhiên, sau đó không lâu, thị trường đã nhanh chóng đón nhận những hãng xe công nghệ mới như Didi Chuxing (Trung Quốc), Go-Jek (Indonesia), Aber (nhóm kỹ sư trẻ người Việt du học Đức), FastGo (Công ty FastGo Việt Nam), T. NET (dịch vụ xe ôm), VATO (hãng xe Phương Trang) và sắp tới, MVLchain (Singapore) cũng sẽ vào Việt Nam.

Theo ông Huỳnh Lê Phú Phong - thành viên sáng lập Aber, "nhu cầu gọi xe công nghệ tại Việt Nam rất cao và chưa đến đỉnh điểm phát triển. Đó cũng là lý do ngay sau khi Uber thoái lui tại Việt Nam, Công ty CP Xe khách Phương Trang đã nhanh chân rót tiền triệu vào ứng dụng Vivu và đổi tên thành VATO với tham vọng lấp khoảng trống của hãng này.

Trung tuần tháng 8/2018, FastGo sẽ ra mắt và đặt mục tiêu sẽ có mặt ở 8 địa phương, thu hút 20.000 tài xế và 5 triệu khách hàng trong vòng 2 năm. Có mặt tại 4 quốc gia thành viên ASEAN từ tháng 10/2017, Go-Jek tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 500 triệu USD để gia nhập thị trường Việt Nam, Thái Lan, Malaysia.

Không chậm chân trước những đối thủ mới, Grab vừa đạt được thỏa thuận với Toyota Motor Corp để được đầu tư 1 tỷ USD mở rộng ứng dụng di động khắp Đông Nam Á, đưa Grab đến mục tiêu trở thành nền tảng di động một điểm đến (one-stop) tại ASEAN.

Trong thông cáo phát đi ngày 13/6, ông Ming Maa - Chủ tịch Grab cho biết: "Với doanh thu trên 1 tỷ USD, ứng dụng Grab đã được tải xuống trên hơn 100 triệu thiết bị di động, với hơn 6,6 triệu đối tác là tài xế và đại lý, là minh chứng cho năng lực bản địa hóa kinh doanh và cung cấp nền tảng ứng dụng hiệu quả nhất trong khu vực Đông Nam Á để Toyota đầu tư vào Grab".

Mới đây, dựa trên nền tảng công nghệ từ Đức, Aber đã triển khai dịch vụ tại thị trường TP.HCM, tiếp theo là Hà Nội, Đà Nẵng và sẽ triển khai dịch vụ ra cả nước.

Với nhiều đối thủ gia nhập, dịch vụ gọi xe công nghệ đang bước vào cuộc đua giành "thượng đế" và đối tác là tài xế với nhiều chính sách khác biệt cùng với các dịch vụ đi kèm. Ông Huỳnh Lê Phú Phong - Giám đốc Phát triển Aber cho biết: "Ngoài không thu chiết khấu lái xe, tặng tiền đặt xe cho khách hàng, Aber còn xây dựng bộ quy tắc ứng xử với khách hàng của tài xế".

Link bài viết

Sau khi thâu tóm Uber tại Đông Nam Á, Grab nhanh chóng mở rộng nền tảng di động bao gồm cả trực tuyến, ngoại tuyến. Với sự hợp tác của Toyota, Grab đang đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp di động mới và mở rộng dịch vụ di động O2O trong khu vực như GrabFood và GrabPay. Grab và Toyota còn phát triển các dịch vụ kết nối công nghệ trên nền tảng dịch vụ di chuyển Toyota (MSPF) như bảo hiểm cho người dùng, hỗ trợ tài chính, bảo trì dự phòng.

Tương tự, VATO cũng tạo ra những ứng dụng như thanh toán, gọi điện thoại, vận tải, giao hàng. Với 3 dịch vụ Fast Car, Fast Taxi và Fast Luxury, Hãng FastGo cũng đưa ra chính sách không thu phí chiết khấu đối với tài xế theo tỷ lệ phần trăm mà chỉ thu phí dịch vụ tối đa không quá 30.000 đồng/ngày. Nếu tài xế có thu nhập dưới 100.000 đồng/ngày sẽ được miễn phí và cam kết giữ giá ổn định, không nhân giá vào giờ cao điểm.

Hãng này cho biết sẽ phát triển hệ sinh thái bao gồm Fast Protection - gói bảo hiểm có giá trị 200 triệu đồng dành cho tài xế và taxi khi di chuyển cùng FastGo và Fast Pay - ví điện tử dùng để thanh toán dịch vụ trên ứng dụng và tích điểm để sử dụng về sau, tương tự dịch vụ GrabPay hiện nay.

Chọn cạnh tranh "khác biệt", Aber cho biết bản đồ ứng dụng là sản phẩm do Aber xây dựng, không dùng nền tảng của Google và có tính năng mới, như tài xế dễ dàng chuyển tiền trong tài khoản cho nhau. Dịch vụ hướng dẫn du lịch Aber Travel cũng được xem là một nét độc đáo của Aber, đồng thời hãng này cũng nhắm tới dịch vụ gọi xe tải, xe khách liên tỉnh là phân khúc hiện chưa hãng nào kinh daonh.

Để thu hút tài xế và người dùng, Aber không chỉ không chiết khấu doanh thu của tài xế mà còn tặng tiền cho những hành khách gọi xe qua ứng dụng, không tăng giá vào giờ cao điểm, không thu phí nếu thu nhập hằng tháng của tài xế xe ôm dưới 500.000 đồng và tài xế taxi dưới 5 triệu đồng, không trừ tiền sử dụng App nếu tài xế không đạt doanh thu đặt ra của Aber.

Có thể thấy, hầu hết cách cạnh tranh của các hãng "sinh sau đẻ muộn" đều dựa trên những điểm thiếu và hạn chế của Grab, Uber. Song, để chiến thắng trong cuộc đua này, ngoài nội lực, chính sách ưu đãi, quyền lợi dành cho đối tác tài xế, khách hàng thì việc bản địa hóa dịch vụ chính là công cụ tìm ra ngách thị trường.

Đến thời điểm hiện tại, các ứng dụng gọi xe ra mắt sớm nhất như Mai Linh Bike, VATO cũng vẫn chưa thật tạo dấu ấn dù đưa ra nhiều chính sách khuyến mãi và ưu ái hấp dẫn cho tài xế như chỉ thu 15% chiết khấu doanh thu chuyến đi, thấp hơn 5% so với GrabBike và không tăng giá vào giờ cao điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường dịch vụ gọi xe công nghệ: Đua dịch vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO