Thị trường dầu ăn: Thêm đầu tư, tăng "tự vệ”

LỮ Ý NHI| 17/10/2014 04:08

Dù sản lượng và doanh thu sụt giảm, các thương hiệu dầu ăn trong nước vẫn tăng tốc đầu tư, mở rộng sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu và phát triển sản phẩm mới.

Thị trường dầu ăn: Thêm đầu tư, tăng

Dù sản lượng và doanh thu sụt giảm, các thương hiệu dầu ăn trong nước vẫn tăng tốc đầu tư, mở rộng sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu và phát triển sản phẩm mới.

Kết quả kinh doanh năm 2013 cho thấy không ít công ty dầu ăn trong nước đã bị tụt giảm doanh thu, thậm chí ngừng sản xuất, như: Dầu ăn Happi Koki của Công ty CP Thực phẩm An Long chỉ đạt gần 80% doanh thu so với năm 2012; dầu ăn Ông Địa của Công ty TNHH TM DV Đóng gói Trường Phát có doanh thu chỉ bằng 30% so với 2011; dầu thực vật Tân Bình lỗ 2,3 tỷ đồng; Golden Hope Nhà Bè lỗ lũy kế đến cuối năm 2013 là 190 tỷ đồng; cuối năm 2013, Công ty Vina Acecook cũng đã ngưng mảng sản xuất dầu ăn mang thương hiệu Đệ Nhất...

Tuy nhiên, Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor lại dự báo lạc quan: trong giai đoạn 2011-2020, nhu cầu dầu ăn của người dân Việt Nam có thể cao nhất khu vực châu Á, tốc độ tiêu thụ dầu ăn tăng nhanh theo từng năm.

Trước tiềm năng còn lớn, các DN dầu nội địa vẫn mạnh dạn đầu tư. Chẳng hạn, năm nay, Tường An sẽ tiếp tục triển khai các hạng mục đầu tư tại nhà máy tại Vinh, đồng thời khai thác hiệu quả công suất ở các nhà máy hiện có, đặc biệt là nhà máy tại Phú Mỹ để tăng thị phần nội địa.

Vocarimex cũng sẽ dự chi 600 tỷ đồng để bổ sung thêm thiết bị, máy móc cho các nhà máy dầu thực vật Vocarimex, dầu Hiệp Phước, Quảng Ninh, đồng thời xây dựng nhà máy tại khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) trị giá 1.500 tỷ đồng với công suất 495.000 tấn/năm. Mục tiêu đến cuối năm 2014, Vocarimex sẽ đạt công suất 1,1 triệu tấn/năm.

Mới đây, Tập đoàn Sao Mai An Giang (Sao mai Group) cũng đã đầu tư 500 tỷ đồng để xây dựng nhà máy ở Đồng Tháp với công suất từ nay đến năm 2015 đạt 100 tấn/ngày; năm 2015-2016, sẽ nâng công suất lên 200 tấn/ngày; và 300 tấn/ngày từ năm 2016 trở đi.

Có thể thấy các khoản lỗ của DN dầu ăn trong nước liên quan nhiều đến sự bất ổn của nguồn nguyên liệu nhạp khẩu. Chẳng hạn, đơn vị lớn nhất của ngành dầu ăn là Vocarimex vẫn phải nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu đầu vào. Để khắc phục điểm yếu này, Công ty Hùng Cá đã liên kết với tỉnh Đồng Tháp xây dựng vùng nguyên liệu đậu nành quy mô 10.000ha.

Tìm một hướng đi mới, Sao mai Group lại khai thác mỡ cá tra để phát triển dòng sản phẩm mới là dầu cá. Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Sao Mai Group, cho biết: "Vùng Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm cung cấp ra thị trường không dưới 140.000 tấn mỡ cá tra nhưng trước đây chỉ được dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, sản xuất dầu biodiesel và xuất khẩu thô với giá bán thấp.

Trong khi đó, Việt Nam đang chi hàng tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu dầu thực vật và nhu cầu này ngày càng gia tăng. Vì vậy, từ năm 2011, Sao Mai Group đã nhận chuyển giao công nghệ từ Desmet (châu Âu) với tổng giá trị đầu tư khoảng 15 triệu USD để độc quyền thiết bị tinh luyện dầu cá theo chất lượng tiêu chuẩn quốc tế FSSC, đặc biệt khử sạch mùi tanh mà vẫn giữ lại trọn vẹn các thành phần dinh dưỡng Omega 3,6,9 và Vitamin E tự nhiên".

Trong khi đó, để giữ ổn định nguồn nguyên liệu, đảm bảo giá thành dầu ăn sản xuất có giá cạnh tranh, năm 2014, Tập đoàn Quang Minh cũng ký hợp đồng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) để mua dự trữ 25.000 tấn đậu tương do Tập đoàn Luis Dreyfus cung cấp.

Bằng việc thay đổi chiến lược kinh doanh, đầu tư mạnh sản xuất, các DN dầu ăn trong nước đang có rất nhiều thuận lợi. Năm 2014, Tường An đã đặt ra lộ trình sẽ đạt 150 ngàn tấn sản phẩm tiêu thụ, bằng 91% so với năm 2013, doanh thu đạt 4.100 tỷ đồng, bằng 95,5% và lợi nhuận sau thuế đạt 50 tỷ đồng, bằng 76%.

Ông Đỗ Ngọc Khải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Vocarimex, cho biết, sau cổ phần hóa, dự kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của Vocarimex khoảng 7 - 8%/năm để hướng tới đạt 5.625 tỷ đồng doanh thu vào năm 2016.

Vocarimex đặt mục tiêu tổng doanh thu vào năm 2016 đạt 27.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 5 năm 2012 - 2016 là 3,4%/năm.

Ông Lê Thanh Thuấn cũng lạc quan: "Trong năm 2014, mảng kinh doanh dầu ăn Ranee dự kiến đem về 100 - 120 tỷ đồng doanh thu, tương đương với tổng sản lượng vào khoảng hơn 2.000 lít trong quý cuối năm. Dầu cá dự kiến sẽ đóng góp khoảng 20 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2014". Phân tích kỳ vọng và lợi thế của dự án Sao Mai, chuyên viên Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, kế hoạch này tương đối khả thi.

Bởi vì, giá nguyên liệu mỡ cá tra hiện đang ở mức khá thấp, vào khoảng 13.000 đồng/kg, trong khi đó, Sao Mai lại có khả năng tự chủ gần 60% nguyên liệu. Nhà máy tinh luyện mỡ cá tra của Sao Mai có công suất thiết kế 200 tấn nguyên liệu/ngày. Ngoài ra, với ưu thế là sản phẩm cao cấp, chất lượng khác biệt nhưng giá bán dầu ăn Ranee lại khá cạnh tranh so với hàng ngoại. Đây chính là lợi thế cạnh tranh để công ty hoàn toàn có cơ sở để lạc quan".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường dầu ăn: Thêm đầu tư, tăng "tự vệ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO