Thị trường cà phê hòa tan: Cuộc chơi xôm tụ

HỒNG NGA| 11/04/2014 08:42

Với doanh thu dự kiến sẽ tăng lên 213 triệu USD vào năm 2016, thị trường cà phê hòa tan đang hút các thương hiệu ngoại.

Thị trường cà phê hòa tan: Cuộc chơi xôm tụ

Với doanh thu dự kiến sẽ tăng lên 213 triệu USD vào năm 2016, thị trường cà phê hòa tan đang hút các thương hiệu ngoại.

Đọc E-paper

Thêm nhiều tên tuổi mới

Cuối tháng 3/2014, thị trường cà phê hòa tan trở nên "nóng" hơn khi coffee Dao của Dao Boonheuang Group (DHG) đến từ Lào chính thức ra mắt tại Việt Nam. Dao đặt mục tiêu đạt doanh số 5 triệu USD trong năm 2014 này.

Ông Trần Xuân Định, Tổng giám đốc Công ty Blue Star, đơn vị phân phối độc quyền Dao tại Việt Nam tự tin cho rằng, có thể đạt được con số trên bởi Dao sẽ xuất hiện tại khoảng 60.000 điểm bán hàng tại hệ thống siêu thị, cửa hàng và đại lý cà phê trong cả nước.

> Vinacafé xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan 3.200 tấn/năm

> Cà phê hòa tan G7 đứng đầu thị trường

> Thị trường cà phê hòa tan: Thế chân vạc

> (Infographic) Khảo sát thị trường cà phê hòa tan 2013

Hơn nữa, Dao là thương hiệu cà phê lớn nhất của Lào và hiện sản phẩm của Tập đoàn đã được xuất khẩu đến những thị trường khó tính như Nhật, Thụy Sỹ, Ý và nhiều nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Campuchia trước khi đến Việt Nam.

Theo bà Boonheuang Litdang, Phó chủ tịch DHG, thị trường cà phê hòa tan Việt Nam dù có sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu nổi tiếng nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp mới như DHG. Hơn nữa, hiện nay, thị trường cà phê trong nước chủ yếu là cà phê robusta trong khi Dao Hueang chuyên sản xuất cà phê Arabica 3 in 1 nên sẽ mang lại một hương vị mới cho người tiêu dùng.

Trước Dao, Tchibo - nhãn hiệu cà phê đến từ Đức cũng đã xuất hiện trên kệ hàng của các siêu thị. Đầu năm 2014, nhà sản xuất nước giải khát đến từ Nhật là URC Việt Nam cũng nhanh chân thâm nhập lĩnh vực này. Sản phẩm của URC Việt Nam là cà phê sữa pha sẵn Blend 45 đóng chai với dung tích 180ml.

Trong khi đó, Công ty Ajinomoto (công ty chuyên sản xuất bột ngọt, bột nêm) cũng đã cho ra đời cà phê Birdy hòa tan đóng gói dành cho khách hàng nữ (trước đó, cà phê Birdy có dạng pha sẵn đóng lon).

Công bố của Công ty Nghiên cứu thị trường Mintel (vào tháng 3/2013), thị trường cà phê Việt Nam đã đạt 90 triệu USD trong năm 2008 và tăng lên 147 triệu USD trong năm 2012. Dự đoán, thị trường này sẽ tăng đến 213 triệu USD vào năm 2016. Việt Nam đứng thứ 4 (sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan) trong 5 quốc gia đứng đầu châu Á về tiêu thụ cà phê, với mức bình quân đầu người đạt 1,15kg.

Việt Nam là quốc gia tiêu thụ cà phê lâu đời, có ngành công nghiệp kinh doanh cà phê phát triển mạnh và người Việt Nam hình thành sở thích, khẩu vị cà phê riêng.

Còn theo Nielsen Việt Nam, thị trường cà phê hòa tan vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Năm 2012, ngành cà phê hòa tan tăng 34% về giá trị so với năm 2011. Con số này chỉ vào khoảng 7,9% vào năm 2003-2008 (theo nghiên cứu của Euromonitor). Và hiện tại, Việt Nam có khoảng 20 công ty chuyên sản xuất cà phê hòa tan.

Sức hấp dẫn này đã khiến nhà sản xuất trái cây sấy lớn nhất Việt Nam là Vinamit cũng không đứng ngoài cuộc. Tuy cà phê hòa tan V-Coffee của Vinamit đang xuất sang các nước nhưng DN này cũng tính việc cung cấp thị trường nội địa.

Hai nhà bán lẻ Metro và Big C cũng ra mắt các nhãn hiệu cà phê Fine Good và Big C. Ngoài cà phê sản xuất theo hàng nhãn riêng, Metro còn bán cà phê Rioba nhập khẩu từ Ý.

Thay đổi thị phần?

Trước sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu mới, để giữ thị phần, các doanh nghiệp liên tục đưa ra thị trường các sản phẩm mới, đẩy mạnh quảng cáo, khuyến mãi trực tiếp đến người tiêu dùng. Có thể thấy độ nóng bỏng của cuộc cạnh tranh trên thị trường này đang diễn ra khốc liệt giữa những tên tuối lớn trong ngành là Nestlé, Trung Nguyên, Vinacafé...

Lâu nay, thị trường cà phê hòa tan Việt Nam có 2 dòng sản phẩm chính là cà phê hòa tan 2 trong 1 (2 in 1) và 3 trong 1 (3 in 1) nhưng hiện nay, sản phẩm đã được các nhà sản xuất liên tục đa dạng hóa.

Cụ thể, sau thành công của dòng sản phẩm "Wake up Sài Gòn" vào giữa năm 2012, Vinacafé đã tiếp tục ra mắt "Wake up hương chồn" và "New Vinacafe" vào cuối năm 2013 và hiện tại là cà phê Phinn. Nestlé giới thiệu "Cà phê Việt" - dòng cà phê dạng nước đậm đặc với 2 loại cà phê đen đặc và cà phê sữa đá. Không chịu thua kém, Trung Nguyên ra mắt dòng G7 - Gu mạnh X2 và cà phê tươi đóng chai.

Mới đây nhất, Trung Nguyên giới thiệu sản phẩm White Coffee được cho là dòng sản phẩm duy nhất tại Việt Nam hiện nay và cà phê 4 trong 1 Passiona. Bên cạnh đó, các thương hiệu ở "kèo dưới" như Mê Trang, Phú Thái, Thu Hà... cũng không ngừng đưa ra thị trường các sản phẩm mới.

Cùng với việc giới thiệu sản phẩm mới, các nhà sản xuất đẩy mạnh đầu tư vào việc xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất. Năm 2013, Nestlé khánh thành nhà máy trị giá hơn 320 triệu USD ở Đồng Nai, Vinacafé đưa vào hoạt động nhà máy công suất 3.200 tấn ở Long Thành (Đồng Nai).

Công ty TNHH Cà phê Ngon (Ấn Độ) khánh thành nhà máy cà phê hòa tan có công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm. Trong khi đó, Trung Nguyên không mở nhà máy mới nhưng đầu tư hệ thống công nghệ rang xay RFB hiện đại cho 5 nhà máy sản xuất. Cùng với đó, Trung Nguyên cũng đã dành một nguồn ngân sách lớn để tưởng thưởng cho đội ngũ bán hàng.

Sự kiện trao giải thưởng cho các nhà phân phối xuất sắc vào cuối tháng 2 vừa qua (với tổng giải thưởng trị giá 14 tỷ đồng) của Trung Nguyên đã trở thành đợt trao giải lớn nhất dành cho nhà phân phối trên thị trường bán lẻ.

Để tiếp tục trong cuộc chiến giành thị phần, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên cho biết, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng độ phủ Trung Nguyên tại Việt Nam và trên thế giới. Bước đột phá trong năm nay là Công ty sẽ ra mắt Siêu thị Trung Nguyên - kênh bán hàng online tại thị trường nội địa và quốc tế.

Dù tốn kém chi phí nhưng cuộc chiến giành thị phần dường như chưa bao giờ dừng lại trong ngành cà phê hòa tan. Trên các kênh truyền hình, "cà phê Phinn", "cà phê Việt" vẫn liên tục xuất hiện với những mẫu quảng cáo ấn tượng.

Theo báo cáo tài chính quý III/2013, cuộc đua tung sản phẩm mới, tăng đầu tư và quảng cáo khiến chi phí bán hàng của Vinacafé tăng 89% so với cùng kỳ năm trước dẫn đến lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2013 giảm 25% so với cùng kỳ. Sau khi có sự đầu tư của Tập đoàn Masan, có vẻ như Vinacafé "mạnh tay" hơn trong quảng cáo.

Với kỳ vọng khá lớn nhưng sự xuất hiện của Dao và các nhãn hãng mới vẫn chưa thể chia lại thị trường. Bởi, theo số liệu từ Cộng đồng khảo sát trực tuyến Vinaresearch (Công ty THHH W&S), năm 2013, thị trường vẫn thuộc về ba thương hiệu lớn là Trung Nguyên, Nestlé, Vinacafé.

Trong đó, Trung Nguyên được sử dụng nhiều nhất với 26,3% thị phần, Vinacafe đứng thứ hai với 22,8% và Nestlé chiếm 21,7%. Nghĩa là dù có cố gắng thì những thương hiệu mới và thương hiệu cà phê nhỏ chỉ có thể cạnh tranh trong 29,2% thị phần còn lại của thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường cà phê hòa tan: Cuộc chơi xôm tụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO