Thị trường bán lẻ: Năng nhặt chặt bị

ĐỖ PHƯƠNG - HỒNG NGA| 11/12/2013 09:59

Cùng với sự phát triển của hàng loạt hệ thống cửa hàng tiện lợi như Circle K, Shop&Go, FamilyMart..., 5 năm trở lại đây, các thương hiệu lớn trong ngành bán lẻ đều mở thêm các cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ.

Thị trường bán lẻ: Năng nhặt chặt bị

Cùng với sự phát triển của hàng loạt hệ thống cửa hàng tiện lợi như Circle K, Shop&Go, FamilyMart..., 5 năm trở lại đây, các thương hiệu lớn trong ngành bán lẻ đều mở thêm các cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ. Đây là mô hình "lai" giữa siêu thị và cửa hàng tiện lợi, vừa giảm thiểu khó khăn về chi phí mặt bằng, vừa là cách để những doanh nghiệp bán lẻ lớn xoay chuyển vốn nhanh hơn, giảm hàng tồn kho và mở rộng độ phủ cạnh tranh.

Đọc E-paper

Đánh lớn xen đánh điểm

Saigon Co.op, BigC, Tổng công ty TM Sài Gòn, Citimart đều triển khai những cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ, len lỏi trong các khu dân cư nhằm khuếch trương thương hiệu, giảm hàng tồn kho và mở độ phủ cạnh tranh.

Theo Nielsen Việt Nam, hiện TP.HCM có 500 cửa hàng tiện lợi, trong đó, 60% số cửa hàng này thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, nếu nói về mô hình cửa hàng thực phẩm quy mô nhỏ (food stores) thuộc hệ thống các siêu thị lớn thì chỉ có: Co.op Food, Satrafoods, New Chợ và Vissan. Ngoài ra, còn có các cửa hàng chuyên doanh về chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp như Guardian và các cửa hàng tiện lợi.

Năm 2008, 4 cửa hàng thực phẩm Co.op Food đầu tiên do Công ty TNHH MTV Thực phẩm Saigon Co.op, trực thuộc Liên hiệp HTX TM TP.HCM (Saigon Co.op) mở. Đến nay, đã có 70 cửa hàng Co.op Food với khoảng 10.000 mặt hàng nhưng chủ yếu là nhóm hàng thực phẩm, phủ khắp các quận huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM.

Với mô hình Co.op Food, Saigon Co.op luôn đặt mục tiêu mở rộng hai mảng: siêu thị và các cửa hàng thực phẩm. Bình quân, nhà phân phối này mở từ 10 - 12 siêu thị/năm. Đến thời điểm này, con số tăng trưởng của hệ thống Co.opmart đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ.

Mục tiêu hướng tới là con số 100 siêu thị, cửa hàng tiện lợi vào năm 2015 và dự kiến, đến năm 2020 sẽ có khoảng 20 đại siêu thị phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Thay vì phát triển mô hình siêu thị truyền thống, Saigon Co.op đang mở ra nhiều mô hình mới, trong đó có mô hình cửa hàng thực phẩm nhỏ nhưng linh hoạt hơn. Tiêu chí các cửa hàng thực phẩm Co.op Food là có quy mô từ 100 - 500m2, phục vụ cho dân cư trong vòng bán kính 500m.

Song, những cửa hàng Co.op Food sau này lại được mở rộng diện tích hơn. Chẳng hạn, Co.op Food ở KCN Vĩnh Lộc có diện tích 1.000m2, vốn đầu tư 5 tỷ đồng, với 10.000 mặt hàng.

Gần đây, hệ thống cửa hàng Satrafoods thuộc Tổng công ty TM Sài Gòn cũng không ngừng mở rộng. Từ năm 2011 đến nay cũng đã có 29 cửa hàng đi vào hoạt động, với gần 2.000 mặt hàng thực phẩm thiết yếu, hàng gia dụng... và hàng bình ổn giá (gạo, đường, dầu ăn, trứng, thịt gia súc...). Dự kiến sẽ có thêm 3 cửa hàng tiếp tục được mở trong tháng 12/2013.

Kế hoạch dài hạn của DN phân phối là mở rộng mạng lưới và địa bàn:
-Mở rộng địa bàn TP.HCM: 78%
-Mở rộng địa bàn trong vùng: 22%
-Mở rộng địa bàn trên toàn quốc: 11%
-Mở rộng địa bàn ra nước ngoài: 11%
(Nguồn: Quang Minh Research & Consulting)

Trong khi đó, với BigC, thuộc Tập đoàn Casino Group (Pháp), sau khi mở các siêu thị, nhà bán lẻ này cũng bắt đầu mở các thương hiệu trực thuộc có quy mô nhỏ hơn như 5 cửa hàng New Chợ (diện tích từ 300 - 500m2/ cửa hàng).

Đồng thời, năm ngoái, nhà phân phối này cũng đã mở thêm concept (mô hình) mới là cửa hàng tiện lợi C Express. Chiến thuật của Big C Việt Nam với chuỗi New Chợ và C Express là giúp thương hiệu Big C phủ rộng đến các khu dân cư.

Hệ thống siêu thị Citimart cũng đầu tư vào các cửa hàng nhỏ bằng cách mua lại hệ thống Family Mart của Malaysia tại các trung tâm mua sắm Parkson, TP.HCM. Song song đó, Citimart cũng đang phát triển hệ thống 8 cửa hàng tiện lợi thương hiệu B&B (Best&Buy).

Chia sẻ về chiến lược sắp tới, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ đầu tư hệ thống siêu thị Citimart, cho hay: "Chiến lược của Citimart không chỉ mở siêu thị mà còn phát triển cửa hàng nhỏ, siêu thị mini để khai thác tất cả các phân khúc bán lẻ trên thị trường. Hiện tại, 4 cửa hàng Family Mart tại 4 trung tâm Parkson và 8 cửa hàng B&B vẫn hoạt động khá tốt. Không dừng lại ở số lượng trên, phía Citimart còn đang muốn mở rộng hệ thống phân phối trên nhiều lĩnh vực".

Đầu năm 2010, FamilyMart đã hợp tác với Tập đoàn Phú Thái để mở cửa hàng Family Mart đầu tiên ở TP.HCM. Sau một thời gian kinh doanh, cùng với việc đóng cửa cửa hàng tại TP.HCM, có nhiều thông tin cho rằng Family Mart sẽ rút khỏi Việt Nam.

Tuy nhiên, tháng 7/2013, FamilyMart đã mở cửa trở lại và theo kế hoạch, đến hết năm 2013, Family Mart sẽ mở tổng cộng 20 cửa hàng, để đến cuối năm 2014, lấn sân thị trường Hà Nội. Cùng với việc mở cửa hàng trở lại, FamilyMart cũng đang tìm kiếm đối tác Việt Nam để thành lập liên doanh mới, cùng phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi.

Nhỏ dễ lách

Hơn 1.000 địa điểm bán lẻ hiện đại trong cả nước là con số còn khiêm tốn và chưa đáp ứng đủ nhu cầu của 90 triệu dân. Vì thế, những chuỗi bán lẻ nhỏ vẫn có nhiều cơ hội phát triển.

Số liệu của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho thấy, tổng mức doanh số bán lẻ 9 tháng đầu năm 2013 tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2012, thấp hơn mức tăng từ 17,3 - 22% của các năm trước. Tỷ lệ hàng tồn kho cao như đồ uống tăng 165,6%; thuốc, hóa dược và dược liệu 54,8%; các sản phẩm từ giấy tăng 38,2%; thực phẩm 23,2%...

Hiệp hội này cũng phân tích, hình thức kinh doanh nhỏ linh hoạt như siêu thị mini, cửa hàng tiện ích sẽ hợp lý hơn. Sức mua giảm, chi phí mặt bằng tăng... khiến người tiêu dùng chuyển dịch từ những đại siêu thị sang cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini với số lượng tăng đến chóng mặt.

Theo Hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đang có mức tăng trưởng tới 74% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mức tăng trưởng ở các siêu thị và đại siêu thị chỉ khoảng 6%. Theo thống kê, mỗi tháng có thêm từ 2 - 3 siêu thị mini mới được thành lập.

"Thế mạnh cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước cần căn cứ vào ba yếu tố: hàng hóa, đặc tính hàng hóa và cửa hàng. Riêng về đặc tính hàng hóa, các doanh nghiệp nội địa hơn hẳn đối thủ nước ngoài về giá, dòng hàng và dịch vụ khách hàng.

Còn về thương hiệu và quảng cáo, khuyến mãi, khối nội vẫn luôn ghi điểm", ông Lê Văn Hà, Giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Phát triển Quang Minh (Quang Minh Research & Consulting), phân tích.

Nhận định về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, cho biết thêm, sự khác biệt của chuỗi cửa hàng tiện lợi Việt Nam nằm ở nhóm hàng đồ dùng cơ bản hằng ngày, trong đó thực phẩm chiếm 60 - 70%.

Bên cạnh thuận lợi về đi lại, giá cả ở những siêu thị tiện lợi cũng phải chăng, rẻ hơn các siêu thị lớn từ 5 - 10% do chi phí thấp và có nhiều sản phẩm thiết yếu với đời sống hằng ngày của người dân.

Trong khi, các cửa hàng tiện lợi của nước ngoài kinh doanh thực phẩm khô và các mặt hàng liên quan đến y tế, thực phẩm chức năng. Điển hình là hệ thống các cửa hàng Guardian thuộc Tập đoàn Dairy Farm (nhà bán lẻ hàng đầu châu Á, đang hoạt động với hơn 5.000 cửa hàng bán lẻ trong khu vực) và đang mở rộng tại thị trường Việt Nam.

Hai chuỗi cửa hàng New Chợ và C Express được Big C hợp tác với đối tác vì thế hàng hóa, dịch vụ, các hoạt động kinh doanh đều được Big C Việt Nam cung ứng, hỗ trợ và tư vấn.

Hiện nay, trên thế giới, Casino Group (Pháp) đang phát triển các concept siêu thị mini mang thương hiệu Mini BigC, cửa hàng giảm giá (DIS) và cửa hàng chuyên doanh về chăm sóc sức khỏe và làm đẹp (mang thương hiệu Pure).

Tại Thái Lan, đến giữa năm 2012, chỉ còn thiếu mô hình cửa hàng giảm giá, cửa hàng tiện lợi; trong khi đó, Mini BigC đã phát triển được 75 cửa hàng và Pure là 69 cửa hàng. Nếu so với thị trường Thái Lan, số lượng cửa hàng, cũng như loại hình cửa hàng tại Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn.

Trong 6 mục tiêu phát triển, Casino Group nhắm vào việc mở rộng sự hiện diện tại các thị trường mới nổi, nhiều tiềm năng, trong đó có Brazil, Colombia, Thái Lan và dĩ nhiên là không thể thiếu Việt Nam. Tại Việt Nam, Casino Group đặt trọng tâm tiếp tục mở rộng trên cơ sở mô hình kép là các đại siêu thị và cửa hàng tiện lợi C Express.

Một công đôi việc

Đầu tư thấp, thu hồi vốn nhanh khiến mô hình các cửa hàng bán lẻ được nhiều chuỗi bán lẻ tận dụng để gia tăng lợi nhuận trong thời điểm khó khăn.

Ông Đinh Đăng Khoa, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Bách Sơn (đơn vị phân phối sản phẩm hàng tiêu dùng), cho rằng "đối với làm thương mại, ai quản lý hàng tồn kho tốt sẽ thắng".

Các nhà phân phối mở ra nhiều mô hình khác nhau không chỉ giúp việc luân chuyển hàng hóa nhanh, giảm hàng tồn kho mà còn tạo sức cạnh tranh về độ phủ.

Theo phân tích của các chuyên gia trong ngành bán lẻ, siêu thị phải cần từ 5 - 10 năm (tại khu vực trung tâm đông dân cư) và 10 - 15 năm (khu vùng ven) mới thu hồi vốn.

Trong khi đó, các cửa hàng nhỏ hơn như food stores hay minimart chỉ mất một năm là thu hồi vốn và sau hai năm là có thể thu lãi. Một cửa hàng tiện lợi được gọi là hiệu quả khi đạt doanh thu 20 triệu đồng/ngày.

Thực tế, với 80 - 90% là hàng thực phẩm, các cửa hàng Co.op Food với diện tích nhỏ cũng đạt doanh thu 30 triệu đồng/ngày. Trong khi những cửa hàng lớn hơn doanh thu lên đến 50 - 70 triệu đồng/ngày. Với đà tăng trưởng tốt, Saigon Co.op lên kế hoạch phủ dày hơn các cửa hàng này với tốc độ 15 cửa hàng mới/năm.

- Thương mại bình quân đầu người năm 2012 đạt khoảng 26,2 triệu đồng/người, bình quân 1 tháng đạt gần 2,2 triệu đồng; năm 2013 đạt khoảng 29,2 triệu đồng/người, bình quân 1 tháng đạt trên 2,4 triệu đồng.
- Một số tên tuổi lớn trên thế giới sẽ sớm có mặt tại thị trường bán lẻ Việt Nam, gồm: Lotte Mart (đã quyết định tăng đầu tư vào Việt Nam đến 50 triệu USD), Takeshimaya (đã thuê mặt bằng rộng 15.000m² tại trung tâm quận 1 TP.HCM), Aeon (đầu tư Trung tâm mua sắm Aeon Tân Phú, TP.HCM trị giá 109 triệu USD). Auchan - tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Pháp công bố sẽ đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam. Wal-Mart và Carrefour cũng đang ngấp nghé đầu tư.

Dù rằng, phát triển với mục tiêu tăng độ phủ, phục vụ chương trình bình ổn giá, nhưng những cửa hàng Satrafoods đều có doanh thu bình quân trên 20 triệu đồng/ ngày. Những cửa hàng lớn tại khu vực đông dân cư doanh thu đạt từ 60 - 70 triệu đồng/ ngày.

Đánh giá về tính hiệu quả của chuỗi cửa hàng Satrafoods, ông Phạm Bá Minh Lộc, Trưởng phòng Marketing, Trung tâm Điều hành Cửa hàng Thực phẩm tiện lợi Satrafoods, cho biết, nếu tính theo số lượng bán lẻ thì lãi gộp không cao, nhưng các cửa hàng Satrafoods giải quyết tốt vấn đề vòng quay vốn, tạo được doanh số cao bù nên cũng đắp lại.

"Cách làm này đang rất phù hợp với hình thức mua sắm mới, nên thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng nhiều hơn do thực phẩm tươi, chất lượng, giá tốt đặc biệt là yếu tố khoảng cách ngắn (gần nhà, chỗ làm...) đã trở thành ưu điểm mà các food stores vượt hơn so với mô hình siêu thị và chợ truyền thống", ông Lộc cho biết.

Theo thống kê của Quang Minh Research & Consulting, các DN bán lẻ đa số có doanh thu trên 200 tỷ đồng/năm chiếm 88,89%. Đồng thời, 89,9% DN bán lẻ có lãi trong 3 năm qua. DN bán buôn, bán lẻ nhận định đối thủ cạnh tranh là các DN tư nhân trong nước.

Trong đó, công ty, DN tư nhân trong nước chiếm 78%, 22% là công ty tập đoàn nhà nước; 33% là công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 11% là hộ gia đình. Tuy nhiên, thương hiệu vẫn là yếu tố lớn nhất quyết định lợi thế cạnh tranh cho DN phân phối; tiếp sau đó là việc kết hợp vào chuỗi cung cấp dịch vụ hàng hóa của công ty mẹ.

Dù không kinh doanh bán lẻ nhưng từ nhiều năm nay, Vissan cũng tham gia rất mạnh vào kênh bán hàng này. Kể từ cửa hàng Vissan đầu tiên được mở tại TP.HCM, đến nay, Vissan có 105 cửa hàng tại TP.HCM, 10 cửa hàng tại Đà Nẵng và 10 cửa hàng ở Hà Nội.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết, các cửa hàng này đã mang doanh số, lợi nhuận và tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Mặc dù xác định đây là cửa hàng giới thiệu sản phẩm nhưng Vissan đầu tư như một cửa hàng tiện lợi với đầy đủ các nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu từ tươi sống đến đồ khô và thậm chí có cả các mặt hàng hóa mỹ phẩm, công nghệ.

Ông Mười cho rằng, ngoài việc quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm mới, cửa hàng còn là nơi khảo sát thị trường, xu thế tiêu dùng. Bên cạnh đó, cửa hàng còn là nơi đối trọng với thị trường bên ngoài, thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá của thành phố.

"Kinh doanh trong thời điểm này không hề dễ dàng. Mặc dù cửa hàng ở vùng ven, nhưng mỗi tháng chi phí mặt bằng cũng lên đến 20 triệu đồng, đó là chưa kể chi phí, điện, nước, nhân viên... Tuy nhiên, các cửa hàng Vissan đã có lãi và tự nuôi bộ máy quản lý. Do đó, dù có khó khăn Vissan vẫn tiếp tục đẩy mạnh, phát triển hệ thống cửa hàng này", ông Mười nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường bán lẻ: Năng nhặt chặt bị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO