Thị trường bán lẻ hiện đại: Vẫn còn "xin - cho"

LÊ LOAN| 13/06/2016 00:30

Lo ngại hàng Việt Nam khó tồn tại ở những siêu thị do nhà bán lẻ tăng mức chiết khấu, đặc biệt là các nhà bán lẻ nước ngoài, nhiều DN còn cho rằng các siêu thị trong nước cũng chưa tạo điều kiện cho nhà cung ứng nội địa.

Thị trường bán lẻ hiện đại: Vẫn còn

Bên cạnh lo ngại hàng Việt Nam khó tồn tại ở những siêu thị do nhà bán lẻ tăng mức chiết khấu, đặc biệt là các nhà bán lẻ nước ngoài, nhiều doanh nghiệp (DN) còn cho rằng các siêu thị trong nước cũng chưa tạo điều kiện thông thoáng cho nhà cung ứng nội địa. 

Đọc E-paper

Vấn đề này đã được các DN chia sẻ tại hội thảo "Giải pháp cho thị trường bán lẻ hàng Việt phát triển bền vững" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM vừa tổ chức.

Theo bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó TGĐ Công ty CP Sài Gòn Food, hệ thống bán lẻ Việt Nam những năm gần đây phát triển mạnh nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, nên vô tình đã tạo ra "quyền lực" cho các nhà bán lẻ, cụ thể là các siêu thị. Viện dẫn điều này, bà Lâm cho hay, chỉ cần một DN đưa hàng ra khỏi siêu thị thì sẽ có hàng tá DN khác "xếp hàng thay thế”. Điều này vô tình xác lập quan hệ không công bằng, DN và nhà phân phối không còn là quan hệ đối tác mà phải "xin - cho".

"Từ một thống kê về mức chiết khấu của DN thủy sản cung cấp hàng hóa cho siêu thị cho thấy, với hệ thống bán lẻ Việt Nam cao nhất là 10%, còn với các siêu thị có vốn FDI là từ 10 - 30%. Kinh doanh trong thời điểm hiện nay lãi vài phần trăm đã khó, với mức chiết khấu cao như vậy nhưng vẫn có nhiều DN muốn đem hàng vào siêu thị, nên đã tạo ra quyền lực cho nhà phân phối", bà Lâm nói.

Từng gặp khó khăn trong việc thuê quầy kệ tại các siêu thị, ông Trương Phú Chiến, - TGĐ Công ty CP Bibica cho biết: "Hiện nay một số siêu thị cho thuê với mức giá từ 40 - 80 triệu đồng/kệ nhỏ/tháng. Năm 2014, Bibica thuê quầy, kệ tại một siêu thị với tổng giá 1,2 tỷ đồng, năm 2015 đã tăng 2,2 tỷ đồng. Không chịu nỗi số tiền lớn như vậy, giải pháp cuối cùng là Bibica phải rút hàng ra khỏi siêu thị đó”. Theo ông Chiến, cho đến thời điểm này vẫn chưa thấy một giải pháp tích cực nào của các siêu thị dành cho nhà sản xuất.

Đồng tình với ý kiến ấy, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Doanh nghiệp tư nhân Chế biến thực phẩm Hạnh Phúc chia sẻ, việc các siêu thị tăng mức chiết khấu thương mại đối với DN là có thật. Đó cũng là lý do Hạnh Phúc đã từ chối đưa nước mắm vào một số siêu thị, dù rằng được họ chào mời chứ không phải chủ động tìm đến.

Với các DN Việt như Hạnh Phúc, kênh bán hàng truyền thống vẫn giúp DN tồn tại và phát triển. Siêu thị được xem là kênh bán hàng tốt với điều kiện đáp ứng được tiêu chí "3 win", tức là có lợi cho nhà sản xuất, có lợi cho nhà bán lẻ và có lợi cho người tiêu dùng. Việc tăng mức chiết khấu thương mại quá cao, lại không chia sẻ cho người tiêu dùng nên chỉ có lợi cho mỗi nhà bán lẻ. Vì thế Hạnh Phúc không hợp tác.

>>Big C tăng chiết khấu, doanh nghiệp thủy sản điêu đứng

Ở góc độ nhà bán lẻ, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó TGĐ Saigon Co.op cho biết, dù đang đương đầu với nhiều khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, nhưng Saigon Co.op luôn khẳng định đồng hành cùng DN sản xuất. Hệ thống Co.opmart hiện có hơn 35.000 mặt hàng, trong đó hàng Việt Nam chiếm đến 90%. Đồng thời, Saigon Co.op cũng đẩy mạnh hợp tác với nhà sản xuất để sản xuất những mặt hàng mang thương hiệu Co.opmart. Đây được xem là mối quan hệ tương hỗ giúp DN sản xuất phát huy tối đa công suất máy móc, thiết bị.

"Nhiều nhà sản xuất có năng lực cao đồng tình trong việc phối hợp với Saigon Co.op sản xuất nhãn hàng riêng vì như vậy DN sẽ có thêm điều kiện quảng bá, tiếp cận thị trường. Đến nay, Saigon Co.op đã sở hữu trên 1.000 mặt hàng mang thương hiệu Co.opmart, bao gồm ngành hàng tiêu dùng, tươi sống, hóa mỹ phẩm, may mặc...", bà Thủy nói.

Để tìm giải pháp cho các DN sản xuất, ông Trương Phú Chiến kiến nghị, các DN ở những ngành hàng khác nhau có thể cùng xây dựng hệ thống phân phối để đưa hàng về vùng sâu vùng xa, thị trường nông thôn. Theo ông Chiến, Bibica đang sở hữu 125.000 điểm bán hàng. Do đó, các DN và một số hiệp hội ngành nghề nên xem xét việc "ngồi lại với nhau" để tìm giải pháp.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM phân tích: Quan hệ giữa nhà phân phối và nhà sản xuất là quan hệ giữa người mua và người bán. Thế mạnh sẽ nghiêng về phía chủ động, có lợi thế hơn trong quá trình đàm phán. Nhà sản xuất nếu muốn chiếm thế chủ động, phải đảm bảo chất lượng sản phẩm không những tốt mà còn có tính độc đáo và khác biệt.

"Làm được điều này chắc chắn các nhà bán lẻ sẽ đón nhận hàng hóa của DN. Kênh bán hàng hiện đại mới chiếm 25% trên tổng thị trường, do đó, nếu nhà sản xuất có kế hoạch phân phối trên cả kênh bán lẻ hiện đại và truyền thống, cũng như không để bị lệ thuộc vào bất kỳ một kênh phân phối nào thì vẫn có thể chủ động để điều hòa hàng hóa", ông Hòa chia sẻ.

>>"Nút thắt" của kinh doanh bán lẻ hiện đại

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường bán lẻ hiện đại: Vẫn còn "xin - cho"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO