Thanh toán không dùng tiền mặt: Còn nhiều rào cản

SONG ANH| 09/12/2017 06:49

Thị trường dịch vụ thanh toán trên smartphone ở Việt Nam đã sôi động vào nửa cuối năm nay, nhưng để đến gần hơn mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, phải tháo bỏ những nút thắt.

Thanh toán không dùng tiền mặt: Còn nhiều rào cản

Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển dịch vụ thanh toán di động bởi thị trường mở và trình độ dân trí ngày một nâng cao. Thị trường bán lẻ của Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh, nằm trong top 3 điểm đến tại châu Á được các nhà đầu tư quan tâm. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2016, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 2.670.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 118 tỷ đô la Mỹ, tăng 10,2% so với năm 2015.

Trong khi đó, theo báo cáo thị trường Mobile Việt Nam tháng 4/2017 của Appota - nhà cung cấp các nền tảng trên smartphone, đến năm 2016, cả nước có 72% dân số dùng smartphone (tỷ lệ này của năm 2013 là 20%). Tính đến hết tháng 6/2017, Việt Nam có khoảng 48 triệu thuê bao di động băng rộng gồm cả 3G và 4G.

Thẻ ngân hàng và smartphone ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý II/2017, đã có hơn 110 triệu thẻ ngân hàng được phát hành tại Việt Nam, dự báo sẽ tiếp tục tăng đến 150 triệu thẻ trong năm 2018.

Alipay của Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) đã tham gia dịch vụ thanh toán di động tại thị trường Việt Nam. Ông Thomas Ko - Phó tổng giám đốc Samsung Global chia sẻ, không ngại Alipay hay các đối thủ khác, thậm chí sẵn sàng "bắt tay" để tạo dựng một hệ sinh thái thanh toán di động tại Việt Nam. Trong bối cảnh Chính phủ đang rất coi trọng mục tiêu thanh toán không tiền mặt vào năm 2020, Samsung Pay là đơn vị tiên phong cung cấp dịch vụ mới này trên diện rộng cho các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Ông Thomas Ko cho biết, điều quan trọng trong thanh toán di động là "độ phủ", cho nên việc thay đổi hành vi người dùng là rất quan trọng.

Link bài viết

Dù vậy, kinh doanh một lĩnh vực mới không phải khi nào cũng thuận lợi. Theo Phó tổng giám đốc Samsung Global, Samsung cũng gặp nhiều lúng túng khi bắt đầu triển khai Samsung Pay tại Việt Nam. Pháp luật Việt Nam chỉ mới có những quy định cụ thể cho các đơn vị làm trung gian thanh toán. Bản thân Samsung Pay không phải là đơn vị làm trung gian mà là đơn vị cung cấp các nền tảng, ứng dụng cũng như giải pháp thanh toán. Do vậy, để áp quy định pháp luật hiện hành liên quan vào dịch vụ của Samsung Pay là không dễ dàng.

"Mọi phát triển về mặt công nghệ luôn liên quan về mặt pháp lý” - ông Ko nhận định. Theo ông Ko, phát triển Samsung Pay cũng giống như những phát triển công nghệ khác, Samsung phải chấp nhận rủi ro. Nhưng với kinh nghiệm đã triển khai tại 18 quốc gia, Samsung đi từng bước, phối hợp với các cơ quan nhà nước của Việt Nam tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thanh toán di động.

Việt Nam có hơn 50% dân số thuộc độ tuổi lao động với thu nhập đầu người ở mức trung bình. Trong số đó, hiện chỉ có gần 40% dân số tiếp cận các dịch vụ tài chính và phần lớn là người thành thị. Mỗi người dân thành thị đang cùng lúc sở hữu nhiều thẻ ngân hàng nên số lượng thẻ chiếm tỷ lệ rất cao so với khu vực nông thôn. Tuy nhiên, thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, số lượng giao dịch phi tiền mặt bình quân đầu người của Việt Nam chỉ là 4,9%, thấp hơn nhiều so với Thái Lan ở mức 59,7 hoặc Malaysia mức 89, hay Trung Quốc là 26,1%.

Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản đối với mục tiêu thanh toán không tiền mặt. Một khảo sát của WB cho thấy, có 65% số người lớn gửi, nhận tiền ngoài hệ thống chính thức hoặc trả tiền học phí, tiền hóa đơn bằng tiền mặt. Một vài rào cản quan trọng là 6,2 triệu người lớn không tiếp cận được dịch vụ tài chính, 2,2 triệu người cho rằng quá đắt để sử dụng, 2,3 triệu người thấy khó khăn về mặt giấy tờ khi mở tài khoản và 1,1 triệu người không có niềm tin vào hệ thống tài chính.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Nhà nước vẫn phải có kế hoạch cụ thể và sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, các định chế tài chính, các công ty Fintech để thay đổi thói quen chi tiêu bằng tiền mặt của người dân. Các hình thức thanh toán không tiền mặt hiện vẫn còn nhiều điểm hạn chế, nhưng việc đầu tiên phải làm là nâng cao sự hiểu biết của người dân về các phương thức thanh toán mới.

Samsung Pay chỉ là dịch vụ cộng thêm cho các trải nghiệm trên điện thoại di động của Samsung. Do đó, những rủi ro về pháp lý nếu có xảy ra cũng không ảnh hưởng nhiều đến tập đoàn này. Nhưng theo nghiên cứu của McKinsey Global Institute, việc tích hợp kỹ thuật số vào hệ thống tài chính có thể tăng 6%, hoặc 3.700 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu vào năm 2025. Việt Nam là một trong 25 quốc gia mà WB ưu tiên trong nỗ lực giúp nhiều người tiếp cận hệ thống tài chính chính thức, bao gồm những dịch vụ tiết kiệm, thanh toán, tín dụng và bảo hiểm.

Một điểm tích cực là người Việt thể hiện thái độ cởi mở với các phương thức thanh toán mới. Theo báo cáo của tổ chức Visa, có 9 trên 10 người tiêu dùng sẵn sàng thử các phương thức thanh toán mới, với 88% nói rằng họ rất có thể sẽ sử dụng smartphone để thanh toán, 83% số người cho biết họ sẽ chọn thanh toán không tiếp xúc (nếu có) thay cho tiền mặt. Theo đó, điện thoại thông minh vẫn sẽ là công cụ hỗ trợ tích cực người dùng Việt Nam tiếp cận các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thanh toán không dùng tiền mặt: Còn nhiều rào cản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO