Thanh toán điện tử: Nở rộ cùng Internet

SONG QUỲNH| 19/12/2015 06:32

Dù thanh toán bằng tiền mặt vẫn là chủ yếu nhưng thanh toán thẻ phát triển mạnh trong những năm gần đây đã khiến các thương hiệu lớn tính đến các chiến lược sản phẩm mới cho thị trường Việt Nam.

Thanh toán điện tử: Nở rộ cùng Internet

Dù thanh toán bằng tiền mặt vẫn là chủ yếu nhưng thanh toán thẻ phát triển mạnh trong những năm gần đây đã khiến các thương hiệu lớn tính đến các chiến lược sản phẩm mới cho thị trường Việt Nam. 

Đọc E-paper

Thị trường thanh toán điện tử Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh. Hiện tại, có đến 40% dân số Việt Nam sử dụng internet, trong đó có 60% số thuê bao di động mua hàng trực tuyến.

Nghiên cứu của Ken Research cho thấy, tổng doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 4 tỷ USD và sẽ đạt 7,5 tỷ USD vào năm 2019.

Điển hình cho sự phát triển của thị trường thanh toán điện tử Việt Nam là sự thành công của các thương hiệu Visa, MasterCard... Theo ông Sean Preston - Giám đốc Visa Khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia, Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của Visa trên thế giới.

Tổng giá trị thanh toán và tổng số giao dịch của Visa tại Việt Nam đã tăng 44% và 41% trong các năm qua. Điều đáng nói là người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ sử dụng thẻ Visa để mua sắm trực tuyến tăng lên đến gần 50% trong mấy năm gần đây.

Số liệu thống kê của MasterCard cũng cho kết quả tương tự. Trong vòng 3 tháng qua, có đến hơn 80% chủ thẻ tín dụng của thương hiệu này mua hàng thanh toán qua mạng. Trong đó, các website được giới trẻ Việt Nam chọn mua hàng trực tuyến nhiều nhất là iTunes, Paypal, Amazon.

Đánh giá về thị trường này, ông Sean Preston, cho rằng: "Thị trường đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử khi người tiêu dùng Việt Nam hướng đến sự tiện nghi, giá cả cạnh tranh và sự đa dạng của hàng hóa bán trên mạng. Dữ liệu về số dân đang sở hữu điện thoại thông minh là cơ sở để kỳ vọng vào sự phát triển của công nghệ thanh toán tại Việt Nam".

Thanh toán điện tử không chỉ phát triển với thẻ quốc tế mà ngay các doanh nghiệp trong nước, tỷ lệ mua hàng trực tuyến thông qua thẻ ghi nợ nội địa cũng tăng nhanh trong thời gian qua.

Theo số liệu của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, tính đến 30/6/2015, cả nước có gần 75 triệu thẻ nội địa và 2,65 triệu thẻ tín dụng quốc tế, tăng lần lượt là 20% và 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh số sử dụng thẻ ghi nợ nội địa đạt 700.000 tỷ đồng (tăng 22,5%), thẻ tín dụng quốc tế tăng đến 38% với doanh số 24.000 tỷ đồng.

Riêng tại DongABank, tính đến cuối tháng 10/2015, ngân hàng này đã có 8,5 triệu thẻ ATM và 40.000 thẻ tín dụng. Tổng chi tiêu qua thẻ của DongABank đã tăng 9% trong 6 tháng qua.

Ngoài yếu tố về công nghệ số, nhiều lý do khiến các doanh nghiệp tin rằng Việt Nam sẽ là thị trường tiềm năng cho thanh toán điện tử.

Đó là Việt Nam có dân số đông, đa phần là người trẻ cộng với nền kinh tế tăng trưởng nhanh mà trong đó lưu lượng tiền mặt trong thanh toán vẫn còn nhiều.

Đây cũng là những lý do để các tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, Sony, LG... tính đến các chiến lược sản phẩm mới cho thị trường Việt Nam.

Với dịch vụ thanh toán điện tử Samsung Pay - cho phép người dùng thanh toán bằng thiết bị di động tại các máy hỗ trợ thẻ tín dụng (ra mắt trong tháng 8 vừa qua), Samsung có ý định phát triển ở các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, Sony bằng sản phẩm Felice với kế hoạch triển khai công nghệ thanh toán không tiếp xúc cho ngành giao thông công cộng ở châu Á cũng đang có ý định hỗ trợ Việt Nam ứng dụng công nghệ này.

Theo đại diện của Sony, sau Nhật Bản, Hong Kong và Indonesia, nơi tiếp theo được hãng này triển khai là Việt Nam. Nếu ý định này thành hiện thực thì trong tương lai gần, Felice sẽ được sử dụng để thanh toán trong các tuyến xe buýt ở các thành phố lớn của Việt Nam.

>Cơ hội lớn cho thanh toán điện tử

>Thanh toán điện tử: 105 triệu thuê bao tiềm năng

> Robot kho hàng - Giải pháp năng suất cho thương mại điện tử

>15 startup thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thanh toán điện tử: Nở rộ cùng Internet
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO