Thách thức ngân hàng số Việt Nam

TUYẾT ÂN| 25/05/2017 03:36

Với thị trường Việt Nam, ngân hàng số vẫn phải vượt qua nhiều rào cản lớn.

Thách thức ngân hàng số Việt Nam

Ngân hàng số phát triển đang làm thay đổi các phương thức cung cấp dịch vụ tài chính, tạo ra sự đa dạng kênh cung ứng và giảm đi sự cách biệt về các cơ hội tiếp cận của người dân. Nhưng với thị trường Việt Nam, ngân hàng số vẫn phải vượt qua nhiều rào cản lớn. 

Đọc E-paper

Những rào cản tiếp cận tài chính

Trong một khảo sát của WB về những nhân tố cản trở kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam thì 21,8% doanh nghiệp cho biết rào cản lớn nhất là về "tiếp cận tài chính", so với mức trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương yếu tố này chỉ chiếm 11,5%.

Một yếu tố khác làm giảm cơ hội tiếp cận tài chính tại Việt Nam là số liệu năm 2016 cho thấy chỉ 39,8% số người trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng, là mức thấp trong khu vực.

Các chỉ số tiếp cận tài chính cơ bản khác như số lượng chi nhánh ngân hàng thương mại và máy ATM tính bình quân trên 100.000 người trưởng thành của Việt Nam cũng ở mức thấp trong khu vực với lần lượt 14,25% và 24,01%.

Mặc dù doanh số sử dụng thẻ tại Việt Nam đạt đến 1,87 triệu tỷ đồng năm 2015, tăng hơn 300% so với năm 2010, nhưng TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính - ngân hàng nhấn mạnh, tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng của Việt Nam còn quá thấp, chiếm chưa đến 1% là một nghịch lý lớn với con số phát hành thẻ đạt được đến nay, hơn 111 triệu thẻ, gồm 99 triệu thẻ nội địa và 12 triệu thẻ quốc tế.

Dịch vụ tài chính là nhắm đến hỗ trợ người dân có thể quản lý chi phí, tiếp cận vốn để tiêu dùng, mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tín dụng đen hoặc gia tăng tiếp kiệm góp phần bình ổn xã hội và giảm các cú sốc về kinh tế, gia tăng phúc lợi xã hội hay giảm bất bình đẳng giới và thu nhập. Như vậy tài chính số sẽ là thách thức lớn để thay đổi hiện trạng nền tài chính và gia tăng độ tiếp cận của người dân theo hướng chuyên nghiệp.

Theo ông Lực, các tổ chức tài chính vi mô hiện hoạt động còn mang tính tự phát, hành lang pháp lý còn nhiều khoảng trống và quy mô hoạt động còn nhỏ (chỉ chiếm 3,25% tổng tài sản hệ thống tài chính), sản phẩm dịch vụ nghèo nàn với chất lượng thấp... Hệ thống tài chính không chính thức như vay mượn (từ gia đình, bạn bè và láng giềng, tín dụng đen, cầm cố, hụi phường, vốn chiếm dụng từ nhà cung cấp, cửa hàng cầm đồ...) chưa được kiểm soát chặt chẽ.

"Hành vi của khách hàng thay đổi sẽ tạo ra sức ép cho các định chế tài chính cải cách và tái cấu trúc kinh doanh, nếu không sẽ bị các xu thế mới cạnh tranh tác động và loại trừ như sự phát triển của các tổ chức phi ngân hàng (Fintech) và sự phát triển của các sản phẩm dịch vụ thay thế (như Bitcoin, Crowd Funding, ngân hàng - tài chính ngầm...)", TS. Lực nhận định.

>>4 yếu tố giúp ngành tài chính tiêu dùng phát triển

Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Hòa, Viện chiến lược Ngân hàng, thống kê của WB cho thấy sự liên hệ chặt chẽ giữa tỷ lệ tiếp cận dịch vụ tài chính với GDP bình quân đầu người và theo đó, quốc gia có tỷ lệ tiếp cận tài chính lớn thì GDP đầu ngưới tăng. Nó thúc đẩy tăng trưởng việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho xã hội và sự phát triển ổn định của hệ thống tài chính, đem lại sự phát triển bền vững cho nền kinh tế.

Các quốc gia thực hiện tài chính toàn diện được kỳ vọng đẩy nhanh tốc độ và động lực cải cách để tạo ra một môi trường chính sách phù hợp và khuyến khích sự cạnh tranh cho phép các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng đổi mới và mở rộng cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, cùng với việc tạo ra không gian sáng tạo và cạnh tranh phải kèm theo các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng thích hợp và có các quy định để đảm bảo trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ tài chính.

Trong một thập kỷ vừa qua chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ, lĩnh vực tài chính là lĩnh vực đi đầu trong ứng dụng và cung cấp dịch vụ. Tài chính toàn diện trên nền tảng công nghệ số (digital financial inclusion) đã đem lại các lợi ích rõ rệt về gia tăng tiếp cận các kênh điện tử để bổ sung các dịch vụ phù hợp với khách hàng trên nền công nghệ số. Song song đó là cơ hội giảm chi phí cho cả nhà cung cấp lẫn người sử dụng; đồng thời cũng giảm rủi ro mất mát, gian lận như trong các giao dịch tiền mặt.

Bà Hòa cho rằng còn nhiều hạn chế cho nền tài chính toàn diện Việt Nam bởi tỷ lệ tín dụng cấp cho SMEs chỉ khoảng 22% tổng dư nợ và việc tiếp cận còn khó khăn. Trong việc tiếp cận dịch vụ cũng không đồng đều giữa các nhóm dân cư và tổ chức kinh tế khi người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa có tỷ lệ tiếp cận dịch vụ thấp (với tỷ lệ người dân có tài khoản tại khu vực nông thôn mới chỉ đạt 27%). Ngay cả trong nhóm dân cư đã tiếp cận dịch vụ ngân hàng, nhiều người vẫn chưa sử dụng đầy đủ các dịch vụ như mong muốn.

Vấn đề cần giải quyết theo bà Hòa: "Đa dạng kênh dịch vụ nhưng chú trọng vào các kênh số hóa có hiệu quả cao song song với nâng cao sự hiểu biết về các kỹ năng tài chính của người dân để họ tiếp cận dịch vụ dễ dàng. Khuôn khổ pháp lý cũng phải bảo vệ được người tiêu dùng và nâng cao khả năng giám sát quản lý đối với các tổ chức tư vấn, cung cấp dịch vụ".

Cần giảm sự cách biệt tài chính vi mô

Ông Ivan Mortimer Schutts - chuyên gia World Bank cho rằng, trong một thị trường tài chính phát triển, các sản phẩm dịch vụ được đa dạng hóa để cung cấp cho cả 3 khu vực: hộ gia đình, doanh nghiệp và lĩnh vực công. Nếu không giải quyết được sự cân bằng này, việc loại trừ tài chính sẽ rơi vào nhóm đối tượng ít cơ hội là những người nghèo thành thị, cộng đồng dân cư vùng sâu vùng xa hay những doanh nghiệp nhỏ vốn dễ bị tước đoạt khỏi các dịch vụ tài chính và mất đi sự công bằng trong chuỗi kinh tế.

Ông Ivan cho rằng cần nhìn vào một chuỗi cung ứng, tích hợp tất cả bình diện để đảm bảo tính năng động của thị trường tài chính: từ thị trường vốn; các kênh tiết kiệm theo hợp đồng (bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư); ngân hàng (thương mại, bán lẻ, cho thuê tài chính) cho đến các khoản tiết kiệm và cho vay trên thị trường phi chính thống.

Trong thập kỷ qua, thị trường chứng kiến sự biến đổi mạnh mẽ của ngành tài chính, xu hướng sáng tạo phát sinh ra những dịch vụ mới tiếp cận dễ dàng hơn các đối tượng ít có cơ hội và tạo sự công bằng trong nền kinh tế đồng thời làm suy giảm các sản phẩm truyền thống.

Các mô hình phân phối mới tạo điều kiện cho tài chính vi mô phát triển và làm phong phú các sản phẩm trong các kênh phi ngân hàng và đưa dịch vụ đến người dùng thông qua các phương tiện công nghệ. "Lĩnh vực công phải làm sao đóng vai trò thúc đẩy, tạo không gian phát triển và bảo đảm các quy định an toàn, bảo vệ người tiêu dùng và ổn định hạ tầng cơ sở hệ thống".

Ở các nước đang phát triển, tiếp cận tài chính góp phần phát triển hệ thống tài chính và huy động nguồn lực trong nước qua đó góp phần quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Theo TS. Cấn Văn Lực, cấu trúc hệ thống tài chính Việt Nam đến tháng 12/2016 cho thấy khối ngân hàng và phi ngân hàng chiếm hơn 75% tổng tài sản, 61 công ty bảo hiểm nắm chỉ 0,69%; vốn hóa chứng khoán gần 17% và trái phiếu chính phủ hơn 7%, tức có sự chênh lệch khá lớn giữa các khu vực này.

Theo ông Lực, thể chế thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam chưa đồng bộ, năng lực thực thi còn yếu trong khi mức độ bao phủ tài chính còn thấp, mạng lưới phân bổ không đồng đều, tập trung chủ yếu ở thành thị. Trong khi một nền tài chính toàn diện thì tất cả người dân và đặc biệt doanh nghiệp nhỏ đều có thể tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng. Cần làm thế nào đảm bảo người dân được cung cấp dịch vụ với chi phí hợp lý, theo cách thức tiện lợi và bởi các định chế tài chính lành mạnh và ổn định. Điều đó tạo ra sự gắn kết với các cấu phần khác nhau trong sự phát triển toàn nền kinh tế.

Trong hệ sinh thái đó, các tổ chức tài chính vi mô là vô cùng quan trọng nhưng tại Việt Nam còn tương đối yếu, mới đóng góp khoảng 27% tổng tài sản tài chính là quá nhỏ. Tiếp theo là vai trò của khối cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính chuyên nghiệp, các Fintech nổi lên thành một xu thế tất yếu, đang đóng góp lớn trong ngành tài chính toàn diện và cạnh tranh thúc đẩy đổi mới dịch vụ ngân hàng.

"Như vậy chính sách phát triển tài chính cũng cần thúc đẩy khối khởi nghiệp để tạo ra các công ty sáng tạo trong lĩnh vực quan trọng này", theo TS. Lực.

>>Fintech chưa thể bùng nổ ở Việt Nam?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thách thức ngân hàng số Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO