SMEs tiếp cận vốn vay ngân hàng: Khó chồng khó

PHẠM THỦY - HẢI VÂN| 10/08/2017 08:32

Ba khó khăn chính khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vẫn tiếp tục "bài ca" khó tiếp cận vốn bao gồm: thiếu tài sản đảm bảo; có dòng tiền, có bạn hàng nhưng chưa có tài sản tích lũy; có thời gian kinh doanh dài...

SMEs tiếp cận vốn vay ngân hàng: Khó chồng khó

Vốn cho sản xuất, kinh doanh vẫn là một trong những rào cản khiến cho hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) gặp khó khăn trong quá trình phát triển. Chính phủ, hệ thống ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN) đã có những nỗ lực cải thiện tình hình từ hàng chục năm nay, nhưng đây đó các SME vẫn tiếp tục "bài ca" khó tiếp cận vốn.

Ông Đào Gia Hưng - Phó giám đốc Khối SME của VPBank chia sẻ tại Ngày hội Kết nối doanh nghiệp do NH này phối hợp cùng VCCI tổ chức mới đây: khó khăn khi tiếp cận vốn NH là khó khăn chung, diễn ra từ khá lâu của SMEs. Trong đó có ba khó khăn chính: thiếu tài sản đảm bảo, bao hàm cả tài sản được định giá không đúng, có dòng tiền, có bạn hàng nhưng chưa có tài sản tích luỹ, với những DN mới thành lập thì NH đòi hỏi phải có thời gian kinh doanh dài...

Trong đó, nút thắt lớn nhất khiến DN và NH không tìm được tiếng nói chung là DN thiếu tài sản thế chấp. Ngoài ra, nhiều SME không có bộ phận quản lý tài chính và thiếu tính minh bạch. Cách quản lý không chuyên nghiệp khiến NH gặp khó khi áp dụng quy trình cho vay thông thường. Mặt khác, NH cũng như các DN khác đều hoạt động theo tiêu chí lợi nhuận nên đối tượng hàng đầu là tập trung vào khách hàng tốt, thu nhập cao, dễ thu hồi nợ, lợi nhuận đem về ổn định.

Thông tin mà ông Hưng chia sẻ là không mới, mà chỉ nêu lại một thực trạng đã kéo dài hàng chục năm nay. Vấn đề là tại sao?

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, trong hơn 60.000 DN hiện có thì có hơn 50% DN sở hữu mức vốn trên dưới 5 tỷ đồng. Chỉ khoảng 2% DN sử dụng công nghệ tiên tiến, DN đổi mới công nghệ vào khoảng 23% trên tổng doanh thu so với 51% của Thái Lan, 31% của Malaysia và 73% của Singapore. Bên cạnh đó, chiến lược nhân sự, tác phong lao động, quản trị DN cũng còn thấp.

Cũng chỉ có 1% SMEs quảng bá sản phẩm, trong khi ở Thái Lan là 10%. Nhu cầu về vốn cho đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động cũng như khuyếch trương thương hiệu của nhóm DN này là rất lớn. Tuy nhiên, theo báo cáo thường niên năm 2016 của VCCI, nếu không có các chính sách thiết thực hơn, vốn sẽ vẫn tiếp tục là rào cản đối với sự phát triển của DN.

Giám đốc Công ty TNHH Điện máy Tú Minh Quang (Đồng Nai) cho biết: "Công ty chuyên phân phối các sản phẩm điện lạnh cho những thương hiệu lớn trên thế giới. Chúng tôi đã kinh doanh rất ổn định và có nguồn hàng đảm bảo chất lượng, có lượng khách hàng đều đặn, nhưng khi cần vốn mở rộng cơ sở hạ tầng thì không NH nào cho vay do Công ty không đứng tên trực tiếp bất cứ tài sản nào. NH có thể cung cấp cho chúng tôi giải pháp phù hợp, ví dụ như thế chấp chính công trình đầu tư để vay vốn".

Đại diện Công ty Màu xanh vĩnh cửu chia sẻ: "Nhiều nhận xét cho rằng SME không nhập công nghệ, không đầu tư bài bản, không cải tiến sản phẩm nên không phát triển được là không đúng. Để có thể đưa hàng vào các siêu thị ở Hoa Kỳ, công ty chúng tôi phải đầu tư công nghệ từ Âu, Mỹ. Cái khó của chúng tôi chính là vốn. Đưa hàng vào các siêu thị nước ngoài, thời hạn thanh toán thường từ 45 đến 60 ngày, là lý do khiến vốn lưu động của chúng tôi bị nằm rất lâu tại hệ thống phân phối nước ngoài. Rất mong các tổ chức tín dụng cung cấp cho chúng tôi giải pháp, như bao thánh toán chẳng hạn. Tôi tin nếu tháo được nút thắt này, rất nhiều DN Việt Nam sẽ phát triển nhanh".

Đại diện Công ty TNHH Viễn thông Khánh Hội cũng cho biết: "Chúng tôi là một trong những DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, có nhu cầu vốn lớn để ứng dụng khoa học - công nghệ mới. Nhưng khi làm hồ sơ vay vốn thì NH không định giá đúng giá trị tài sản, không tính giá trị hình thành khi đầu tư.

Thay vì chuyển giao ủy thác, NH và quỹ tín dụng lại đá trách nhiệm cho nhau. Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ sang NH giải quyết, NH không lấy máy móc hình thành đưa vào tài sản thế chấp. Chúng tôi là DN chuyên về công nghệ, có đội ngũ nhân viên lành nghề nhưng vẫn rất khó khăn khi huy động vốn thì những công ty khác chắc còn khó khăn hơn nhiều".

Bên cạnh những khó khăn nêu trên, các SME còn phải đối mặt với những thủ tục rườm rà, như NH đòi hỏi quá nhiều giấy tờ, thẩm định cho vay đòi hỏi báo cáo tài chính rồi cho rằng số liệu không chuẩn, không chứng minh được việc làm ăn.

Chia sẻ vấn đề này, đại diện Công ty Thảo Mộc - ông Minh Quân cho biết thủ tục cho vay của NH ở các tỉnh còn rườm rà hơn ở những thành phố lớn, nên DN càng khó tiếp cận vốn. Nhiều DN chia sẻ với ông Quân cho biết, đến NH tỉnh ngồi chờ vài ba tiếng đồng hồ mà không được tiếp là chuyện bình thường chứ chưa nói đến việc được tư vấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
SMEs tiếp cận vốn vay ngân hàng: Khó chồng khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO